|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Người giàu Trung Quốc tháo chạy khỏi chứng khoán, các quỹ đầu tư nhảy vào săn đón

14:43 | 02/11/2022
Chia sẻ
Người giàu Trung Quốc đang tìm chỗ trú ẩn khi thị trường chứng khoán lao dốc. Tận dụng cơ hội đó, các quỹ đầu tư tư nhân đang tập trung săn đón nhóm khách hàng tiềm năng này.

Các quỹ PE gặp vận may

Hôm 29/10, từ một văn phòng sang trọng tại Hong Kong, một nhóm 20 nhà đầu tư siêu giàu đã bốc máy gọi điện cho người đứng đầu bộ phận quản lý tài sản tư nhân của Carlyle Group tại châu Á.

Họ đa phần là người Trung Quốc và mỗi người đều dành ra ít nhất 10 triệu USD để đầu tư. Theo Bloomberg, họ có mặt tại đó để đánh giá những lợi ích tiềm năng khi rót tiền vào quỹ đầu tư tư nhân (quỹ PE) của Carlyle.

Cuộc gặp cho thấy hai xu hướng đang dần kết hợp và định hình lại bức tranh đầu tư tư nhân tại châu Á. Một mặt, giới nhà giàu Trung Quốc đang muốn rót thêm vốn vào các tài sản tư nhân nhằm thoát khỏi những biến động dữ dội trên thị trường chứng khoán.

Mặt khác, các công ty như Carlyle và KKR đang thu hút ngày càng nhiều những nhà đầu tư cá nhân giàu có, trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư tổ chức lớn hạn chế phân bổ dòng vốn vào thị trường khu vực.

Ông Nick Xiao, CEO của hãng quản lý tài sản Hywin International, cho hay: “Người giàu tại Trung Quốc đang rất quan tâm đến việc phân bổ tài sản vào các quỹ PE, một phần là để tránh xa các thị trường thứ cấp đầy biến động”. Hywin là đơn vị sắp xếp các cuộc gặp giữa Carlyle và khách hàng.

Trong khi đó, đối với các công ty cổ phần tư nhân (private equity firm) thì “giữa thời điểm nhiều nhà đầu tư tổ chức giảm bớt mức độ tiếp xúc với Trung Quốc, việc tìm kiếm nguồn tiền từ những người sở hữu khối tài sản ròng lớn trở nên cực kỳ quan trọng”.

Hai công ty cổ phần tư nhân Oaktree và Schroders cũng đang quản lý tiền cho các khách hàng của Hywin, trong khi CDH và Hony Capital hiện làm việc với các văn phòng quản lý tài sản gia đình, ông Xiao nói thêm.

Hình ảnh các toà nhà cao tầng tại Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Đầu năm nay, quỹ hưu trí của các nhân viên ngành giáo dục công tại Texas thông báo sẽ giảm một nửa các khoản đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ các nhà đầu tư tổ chức đang ngày thận trọng hơn đối với thị trường này.

Các chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc đều sụt giảm đáng kể trong năm nay, chủ yếu là do ảnh hưởng của chiến lược Zero COVID hà khắc và cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản.

Trong những ngày gần đây, thị trường cũng chứng kiến những đợt bán tháo mạnh sau sự xáo trộn dàn lãnh đạo cấp cao tại đại hội đảng lần thứ 20 của Bắc Kinh, tờ Bloomberg thông tin thêm.

Các nhà đầu tư tổ chức thường có quy định riêng về phân bổ tài sản. Vì vậy, nhiều đơn vị không thể thực hiện các khoản đầu tư vào tài sản tư nhân sau khi cổ phiếu và trái phiếu được giao dịch công khai của họ giảm giá trị.

Điều đó đặt ra một thách thức ngày càng lớn về mặt huy động dòng vốn cho các công ty cổ phần tư nhân. Họ buộc phải tìm đến những cá nhân giàu có như tại Trung Quốc để tiếp cận nguồn vốn lớn hơn.

Trên toàn cầu, các cá nhân giàu có có thể sẽ đóng vai trò lớn hơn so với các nhà đầu tư tổ chức. Khối tài sản của nhóm người giàu này có thể đạt 120 nghìn tỷ USD vào năm 2025 - gần gấp đôi quy mô của các quỹ hưu trí, theo ước tính từ PricewaterhouseCooper.

Báo cáo của Credit Suisse cho thấy Trung Quốc là một mảnh ghép đặc biệt quan trọng. Năm 2021, số lượng các cá nhân có tài sản ròng cực cao tại Trung Quốc (tức những người sở hữu ít nhất 50 triệu USD tài sản) chỉ xếp sau Mỹ.

Nhóm này được dự đoán sẽ tăng từ khoảng 32.710 người vào năm 2021 lên 60.000 người vào năm 2026 - tương đương số lượng của châu Âu.

Ông LH Koh - quản lý cấp cao tại UBS Global Wealth Management, nhận xét: “Các cá nhân giàu có sẽ lấp đầy khoảng trống mà các nhà đầu tư tổ chức để lại trong các quỹ PE. Đây là một xu hướng toàn cầu và đặc biệt mạnh mẽ ở châu Á...”

 

Đối với các khách hàng giàu có tại châu Á và đặc biệt là ở Trung Quốc, đầu tư vào các quỹ PE còn mở ra cơ hội để họ tiếp xúc với một thế giới mới.

Trao đổi với Bloomberg, ông Markus Egloff - trưởng bộ phận tài sản tư nhân khu vực châu Á tại KKR, cho biết: “Tiếp cận các quỹ của KKR vẫn còn là một điều mới lạ đối với những cá nhân có giá trị tài sản ròng lớn. Trước đây, các quỹ này hầu như chỉ mở cho các nhà đầu tư tổ chức, quỹ nhà nước và quỹ hưu trí”.

Tài sản tư nhân hiện chiếm khoảng 10 - 20% nguồn vốn mà KKR huy động được trên toàn cầu. Theo ông Egloff, tỷ lệ này có thể tăng lên 30 - 50% trong những năm tới.

Rủi ro vẫn tồn tại

Tuy nhiên, chiến lược rót vốn vào quỹ PE không phải lúc nào cũng là một ván cược có lợi cho những người giàu có. Chi phí vay nợ để tài trợ cho các khoản đầu tư đã tăng lên khi lãi suất chính sách lên cao hơn.

Các tài sản chưa niêm yết cũng hiếm khi được định giá, do đó một số quỹ có thể lợi dụng cơ hội để nâng khống giá tài sản. Nhiều nhà đầu tư đã lỗ nặng khi đặt cược vào các startup công nghệ của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực fintech và giáo dục.

Morgan Stanley dự báo thị trường vốn tư nhân sẽ tăng trưởng với tốc độ 12% mỗi năm. Trong 5 năm tới, giá trị tài sản mà các quỹ PE quản lý sẽ đạt khoảng 17.000 tỷ USD.

Song, hãng môi giới này nói thêm rằng “không rõ liệu trong môi trường lãi suất tăng cao như hiện nay, các nhà đầu tư có tiếp tục hy sinh thanh khoản để thu lợi nhuận vượt mức hay không”.

Quỹ Vision Fund của nhà sáng lập SoftBank - ông Masayoshi Son, là một ví dụ điển hình cho thấy khoản đầu tư vào thị trường vốn tư nhân có thể trở nên chua chát như thế nào.

Quỹ này ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 3.200 tỷ yen (tương đương 22 tỷ USD) trong quý II năm nay, sau khi giá trị ước tính của các công ty trong danh mục đầu tư của quỹ sụt giảm mạnh.

Khả Nhân