Trung Quốc sẽ không để thị trường địa ốc sụp đổ nhưng ngày vui của ngành thì đã tàn
Xoa dịu thị trường
Các nhà đầu tư từng hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ công bố chính sách hỗ trợ mới cho thị trường bất động sản tại đại hội đảng lần thứ 20 hồi đầu tháng 11.
Tuy nhiên, sự kiện này chủ yếu tập trung vào các diễn biến chính trị và không biện pháp cụ thể nào được công bố để giải quyết những khó khăn mà lĩnh vực địa ốc phải đối mặt.
Hiện, Trung Quốc cũng đang phải đương đầu với những thách thức kinh tế nghiêm trọng. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách hiểu rằng thị trường đang chờ tín hiệu, rằng liệu Bắc Kinh sẽ gia cố những điểm yếu của nền kinh tế bằng cách nào.
Giới chức địa phương đã nhiều lần khẳng định “nhà là nơi để ở, không phải để đầu cơ”. Song, tờ SCMP cho rằng chính phủ vẫn nên ưu tiên tung ra các biện pháp hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản trong nước.
Trong năm qua, thị trường bất động sản đã chứng kiến nhiều vụ vỡ nợ trái phiếu, nhiều dự án dang dở và làn sóng tẩy chay nợ vay thế chấp của người mua nhà. Đây được cho là hệ quả khi Bắc Kinh chấn chỉnh thói quen vay nợ của các công ty trong ngành.
Trong những tháng gần đây, với trọng tâm là sự ổn định, chính phủ đã thực hiện một số bước đi nhằm xoa dịu cú lao dốc của lĩnh vực bất động sản. Từ lâu, bất động sản và xây dựng đã là một trong những trụ cột của nền kinh tế, chiếm khoảng 29% GDP.
Chẳng hạn, ngay trước khi bắt đầu kỳ nghỉ lễ Quốc khánh vào ngày 1/10, chính quyền một số địa phương đã hạ lãi suất cho vay thế chấp đối với người mua nhà lần đầu.
Bộ Tài chính Trung Quốc cũng giảm thuế thu nhập cá nhân cho những người mua nhà mới trong vòng một năm kể từ thời điểm bán, SCMP kể thêm.
Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm - lãi suất tham chiếu cho các khoản vay thế chấp, từ 4,45% xuống 4,3% vào tháng 8.
Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cung cấp các khoản vay đặc biệt trị giá 200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 27,6 tỷ USD) để giúp đỡ các nhà phát triển hoàn thiện những dự án đang bị đình trệ.
Hai ưu tiên chính sách
Tuy nhiên, nhà đầu tư nên nhớ rằng Bắc Kinh đang muốn kéo giá nhà về mức vừa phải và giảm bớt khối nợ của doanh nghiệp để xây dựng một ngành bất động sản bền vững và lành mạnh - phù hợp với chính sách “thịnh vượng chung”.
SCMP nhấn mạnh, mọi người không nên chờ đợi sự quay trở lại mô hình “đòn bẩy cao, tăng trưởng tốt” từng thúc đẩy lĩnh vực bất động sản trong thập kỷ qua.
Khả năng cao là trong thời gian tới, chính phủ Trung Quốc sẽ ban hành các chính sách mới và phối hợp hiệu quả hơn để tháo gỡ đòn bẩy tài chính của các nhà phát triển cũng như kiểm soát rủi ro nợ nần mà không làm cho nhu cầu tín dụng tăng trở lại.
Các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ tiếp tục ưu tiên bảo vệ người mua nhà. Các biện pháp như gói cho vay đặc biệt 200 tỷ nhân dân tệ có thể sẽ được mở rộng về phạm vi lẫn quy mô.
Ngoài ra, SCMP tin rằng chính phủ cũng có thể tung thêm hỗ trợ cho chính quyền các địa phương đang khát ngân sách. Doanh thu của nhiều tỉnh thành chủ yếu đến từ việc bán đất cho các công ty địa ốc nhưng nguồn tiền này hiện đã cạn kiệt.
Một số chính quyền địa phương đã sử dụng công cụ tài chính riêng để mua đất công, nhưng năng lực của họ cũng có hạn. Do đó, sự trợ giúp của chính quyền trung ương là rất cần thiết.
Nhìn chung, nhà đầu tư nên hiểu rằng những vấn đề của thị trường bất động hầu như không có khả năng trở thành rủi ro mang tính hệ thống đối với thị trường tài chính nói chung tại Trung Quốc.
Trong những năm qua, chính phủ đã dần dần thắt chặt các quy định tài chính. Do đó, các tiêu chuẩn liên quan đến cho vay thế chấp cũng trở nên khắt khe và thận trọng hơn. Đồng thời, tỷ lệ tiếp xúc của các ngân hàng với lĩnh vực nhà ở là khá khiêm tốn.
Tóm lại, giá trị bất động sản và đất đai sụt giảm không đồng nghĩa rằng làn sóng nợ xấu sẽ lan rộng. Tại đất nước tỷ dân, cho vay thế chấp vốn được coi là một trong những tài sản an toàn nhất của ngân hàng.