|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Công nhân tháo chạy khỏi nhà máy Foxconn, chiến lược Zero COVID của Trung Quốc lộ thêm bất cập

14:03 | 01/11/2022
Chia sẻ
Cuộc tháo chạy của công nhân nhà máy Foxconn ở thành phố Trịnh Châu nêu bật lên những rủi ro và hệ luỵ của chính sách Zero COVID mà Trung Quốc đang theo đuổi.

Cuộc tháo chạy trong đêm

Sau nhiều ngày chịu đựng cảnh phong toả tại nhà máy Foxconn ở thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) cùng 200.000 công nhân khác, Yuan cuối cùng đã vượt rào vào tối ngày 29/10 và hoà vào dòng người đang tháo chạy khỏi nhà máy.

Anh đi xuyên đêm, hướng về phía bắc để trở về quê hương Hạc Bích. Mỗi bước chân lại đưa Yuan rời xa nhà máy Foxconn hơn.

Đến sáng ngày 30/10, Yuan đã đi bộ đến bờ sông Hoàng Hà, ranh giới phía bắc của Trịnh Châu và chỉ còn cách nhà khoảng 50 km nữa. Anh kể với Reuters: “Có rất nhiều người đứng chờ trên đường”.

Kể từ giữa tháng 10, Foxconn Trịnh Châu đã phải vật lộn với đợt bùng phát COVID mới. Các công nhân buộc phải phong toả để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra bên ngoài. Foxconn đã nhiều lần từ chối tiết lộ số ca nhiễm thực tế.

“Chúng tôi bị khoá chặt trong nhà máy kể từ ngày 14/10 và phải làm xét nghiệm PCR liên tục. Sau khoảng 10 ngày, chúng tôi phải đeo khẩu trang N95 và được phát thêm thuốc cổ truyền của Trung Quốc”, Yuan cho hay.

Bất cứ khi nào Foxconn phát hiện ra một ca dương tính hay nghi nhiễm trên dây chuyền sản xuất, họ sẽ thông báo bằng loa nhưng công việc nhìn chung vẫn tiếp tục.

“Công nhân sẽ được gọi tên trong khi đang làm dở việc, và nếu họ không đến công xưởng vào ngày hôm sau thì chắc chắn người đó đã được đưa đi cách ly”, Yuan chia sẻ với Reuters.

Anh nghe kể rằng khoảng 20.000 công nhân đã bị cách ly tại chỗ, nhưng anh không biết có bao nhiêu người đã nhiễm COVID vì các nhà quản lý không công bố thông tin.

Sau khi COVID-19 bùng phát tại nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, một số công nhân đã chọn về nhà. Trên ảnh là các chuyến xe đưa đón công nhân về quê vào ngày 30/10. (Ảnh: Getty Images).

Công nhân bắt đầu thể hiện thái độ giận dữ bằng cách đăng các văn bản, video và hình ảnh lên mạng xã hội. Một số phần nàn về chất lượng thực phẩm kém và thiếu sự chăm sóc y tế, trong khi nhiều người khác lo ngại về nguy cơ nhiễm virus.

Tình hình của Foxconn không cải thiện. Theo ảnh chụp màn hình thông báo nội bộ, “phần thưởng” cho các công nhân tiếp tục đi làm đã tăng gấp đôi từ 50 lên 100 nhân dân tệ mỗi ngày từ ngày 26/10 đến 11/11. Song, công nhân không thực sự hưởng ứng.

Li - một công nhân 21 tuổi, cho biết: “Thức ăn cho hàng chục nghìn con người chỉ được để bên ngoài khu vực cách ly”. Dù hiện vẫn còn ở trong nhà máy, Li dự định sẽ nghỉ việc.

Trong một tuyên bố hôm 31/10, Foxconn khẳng định thông tin 20.000 nhân viên mắc COVID là sai sự thật. Trước đó, nhà lắp ráp iPhone này cho biết công nhân có thể nghỉ việc nếu họ muốn.

Không ai hưởng lợi

Trung Quốc đang tiếp tục tuyên chiến với COVID-19 bằng các biện pháp nghiêm ngặt như phong toả, xét nghiệm hàng loạt và cách ly, dù nhiều quốc gia khác đã chọn cách sống chung với virus.

Đối với các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất lớn như Foxconn, điều đó đồng nghĩa rằng họ phải giữ hàng nghìn công nhân làm việc tại chỗ để duy trì dây chuyền sản xuất.

Ngoài vụ phong toả tại Foxconn, khu vui chơi giải trí Disney Resort tại Thượng Hải cũng đã đóng cửa vào đầu tuần này để tuân thủ các yêu cầu chống dịch của chính phủ. Du khách hiện vẫn còn kẹt bên trong.

Tuy nhiên, chiến lược Zero COVID này đã gây gián đoạn nghiêm trọng cho hoạt động thương mại và công nghiệp của Trung Quốc, đặc biệt là khi số ca nhiễm gia tăng trong tháng 10.

 

Hình ảnh người lao động chạy trốn vì nỗi sợ COVID không phải là mới. Trên thực tế, cuộc tháo chạy của công nhân Foxconn là một lời cảnh báo về những thiệt hại con người và xã hội khi Trung Quốc tiếp tục chính sách Zero COVID.

Trên hết, việc Trung Quốc nhấn mạnh vào những nguy cơ tiềm ẩn của virus đã khiến công chúng sợ hãi một cách không cần thiết, tờ SCMP đánh giá.

Mạng xã hội và các kênh truyền thông chính thức của chính phủ Trung Quốc đang ngập tràn những bài báo về mối đe doạ tiềm tàng của dịch bệnh, chẳng hạn như virus có thể làm hỏng tinh hoàn của nam giới hoặc làm tổn thương não trong hàng chục năm.

Trong khi đó, các lập luận phản đối - bao gồm nghiên cứu về bệnh nhân tại Thượng Hải của nhà dịch tễ học Zhang Wenhong (người được mệnh danh là Tiến sĩ Fauci của Trung Quốc) lại bị xem nhẹ, SCMP cho hay.

Các luồng thông tin trái chiều như trên giúp chính phủ có cơ sở để thực hiện những biện pháp kiểm soát dịch hà khắc, nhưng chúng cũng dễ tạo ra thông tin sai lệch và khiến công chúng hoang mang.

Mặt khác, nhiều nhà máy không có khả năng duy trì các mô hình sản xuất khép kín, ngay cả đối với một công ty có nguồn lực tốt và tổ chức hiệu quả như Foxconn. Chuẩn bị ba bữa ăn mỗi ngày cho hơn 200.000 công nhân có thể là một bài toán lớn về hậu cần.

Không ai hưởng lợi từ sự cố ở Foxconn. Hoạt động sản xuất của Foxconn sắp bị gián đoạn nghiêm trọng, còn chính quyền thành phố Trịnh Châu - vốn đang vật lộn với khó khăn tài chính, sẽ gánh chịu một đòn đau về kinh tế.

Cuối cùng, công nhân sẽ bị sụt giảm thu nhập khi tháo chạy khỏi nhà máy cũng như khi hoàn thành quy trình cách ly để trở lại công xưởng, SCMP liệt kê.

Trung Quốc từng thành công cân bằng giữa các biện pháp chống dịch và phát triển kinh tế, nhưng điều đó đã thất bại kể từ khi Omicron trở thành biến chủng chính.

Sự cố tại Foxconn một lần nữa cho thấy Trung Quốc cần phải thiết kế một chiến lược mới để thay thế cho Zero COVID. Nếu không, chính phủ, doanh nghiệp và người dân sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Chia sẻ với Reuters, anh công nhân tên Yuan bày tỏ: “Tôi sẽ không bao giờ trở lại Foxconn. Trịnh Châu khiến tôi thấy hãi hùng”.

Khả Nhân

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.