|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc theo đuổi Zero COVID cả ở trong lẫn ngoài nước

13:11 | 28/10/2022
Chia sẻ
Bất chấp những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, Trung Quốc vẫn kiên quyết theo đuổi chính sách Zero COVID. Không riêng với thị trường trong nước, các doanh nghiệp Trung Quốc còn tiến hành các biện pháp hạn chế hà khắc ở nước ngoài.

Nhân viên an ninh mặc đồ bảo hộ đứng ở cổng một khu dân cư bị phong tỏa. (Ảnh: Reuters)

Tình hình trong nước

Ngày 27/10, số ca mắc COVID-19 mới tại Trung Quốc đã vượt 1.000 ca/ngày lần thứ ba liên tiếp, một con số “khiêm tốn” so với hàng chục nghìn ca mắc mới mỗi ngày khiến Thượng Hải bị phong tỏa vào đầu năm nay song vẫn đủ để áp dụng nhiều biện pháp hạn chế hơn trên toàn quốc.

Theo hãng Reuters, số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc vẫn thấp so với mặt bằng chung toàn cầu nhưng các biện pháp kiểm soát chặt dịch bệnh trong năm nay đã đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Quảng Châu, thành phố lớn thứ tư của Trung Quốc và là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, đã phong tỏa nhiều con phố và khu vực lân cận, buộc người dân phải ở trong nhà. Cô Lily Li, 28 tuổi, một công dân sinh sống tại Quảng Châu, nói: “Nhiều bạn bè và đồng nghiệp của tôi đã không thể ra khỏi nhà. Trường học và các địa điểm vui chơi giải trí đều đóng cửa. Phòng tập thể dục mà tôi thường đến cũng ngừng hoạt động.”

Tại Vũ Hán, nơi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên trên thế giới vào cuối năm 2019, ghi nhận 20-25 ca nhiễm mới mỗi ngày trong tuần này, khiến chính quyền địa phương yêu cầu hơn 800.000 người tự cách ly tại nhà cho đến 30/10.

Sau khi phát hiện một trường hợp mắc COVID-19 có liên quan đến chuỗi cung ứng thịt heo địa phương, Vũ Hán đã tạm dừng bán thịt heo tại các khu vực của thành phố.

Tại Tây Ninh, thủ phủ của tỉnh Thanh Hải, các trang mạng xã hội đã đưa thông tin về tình trạng thiếu lương thực và đà tăng mạnh của giá các mặt hàng thiết yếu giữa bối cảnh các cơ quan y tế tại thành phố 2,5 triệu dân này nỗ lực kiềm chế sự bùng phát của dịch COVID-19 sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh.

Một quan chức tại Tây Ninh cho biết: “Để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, một số cửa hàng rau và trái cây đã đóng cửa".

Các thành phố lớn khác trên khắp Trung Quốc như Trịnh Châu, Đại Đồng và Tây An cũng đã thực hiện các biện pháp hạn chế mới trong tuần này để kiểm soát dịch COVID-19.

Tại Bắc Kinh, công viên giải trí Universal Resort đã đóng cửa ngày 26/10 sau khi một du khách có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố sẽ không khoan nhượng đối với dịch COVID-19 và kiên quyết thực hiện những biện pháp cần thiết để kiểm soát dịch bệnh.

Wen Bihan, 26 tuổi, một công dân sống tại Bắc Kinh, người đã từng được đưa vào khu cách ly hai lần nói: “Tình hình rất căng thẳng.”

Theo công ty tài chính Nomura (Nhật Bản), tính đến ngày 24/10, có 28 thành phố tại Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp phong tỏa ở các mức độ khác nhau, tác động đến 207,7 triệu người và gây thiệt hại cho GDP khoảng 25.600 tỷ NDT (3.550 tỷ USD), tương đương với gần 25% GDP năm 2021 của Trung Quốc.

Phiên 27/10, giá cổ phiếu tại Trung Quốc đã sụt giảm khi sự bùng phát các ca mắc COVID-19 mới và số liệu yếu kém trong lĩnh vực công nghiệp làm tổn thương tâm lý của nhà đầu tư.

Từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ số Shanghai Composite của chứng khoán đại lục đã rớt 19%.


Tại nước ngoài

Các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc đang điều hành các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) tại châu Á và châu Phi cũng áp dụng những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt dịch COVID-19 tương tự như ở đại lục.

Tại Karachi, thành phố lớn nhất của Pakistan, hàng trăm công nhân đã không được phép rời khỏi nhà máy điện trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc kể từ tháng 3/2020.

Một kỹ sư người Pakistan đang làm việc trong dự án nói với hãng tin ABC News: “Chúng tôi không được phép về nhà, gặp gỡ người thân, tham dự các lễ hội tôn giáo hoặc theo đuổi các khóa học nâng cao nghiệp vụ”.

Chính sách kiểm soát dịch nghiêm ngặt đến mức doanh nghiệp vận hành nhà máy không thể thuê bất kỳ bác sĩ địa phương nào chuyển đến sống tại nhà máy để điều trị cho công nhân bị bệnh, khi các bác sĩ Pakistan không sẵn lòng chấp nhận tuân thủ các biện pháp hạn chế. 

Nhà máy nhiệt điện chạy than gần Karachi,  một dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc tại Pakistan. (Ảnh: CPEC Authority)

Một chi nhánh của PowerChina đang điều hành nhà máy tại Pakistan thừa nhận ban quản lý dự án đã ngay lập tức tiến hành phong tỏa nhà máy kể từ tháng 3/2020 nhưng vẫn cho phép các nhân viên rời nhà máy để nghỉ lễ.

Chi nhánh của PowerChina nhấn mạnh phong tỏa là biện pháp hiệu quả nhất để đảm bảo kiểm soát được tình hình với chi phí thấp nhất. PowerChina là tập đoàn xây dựng điện lực lớn nhất thế giới với hơn 80 công ty con trên toàn cầu.

Trả lời hãng ABC, ông Zhao Tao, Giám đốc phụ trách bộ phận hành chính tại công ty con của PowerChina, cho biết doanh nghiệp này đã thưởng thêm cho công nhân khi phải ở lại bên trong nhà máy. Ông Zhao nói: “Chúng tôi đang thực hiện chính sách Zero COVID vì sức khỏe của công nhân”.

Theo ông Zhao, một nhà máy nhiệt điện chạy than khác tại Pakistan cũng do một công ty Trung Quốc vận hành đã ngừng hoạt động và điều này không có gì bất thường.

Tuy nhiên, các biện pháp của PowerChina hoàn toàn trái ngược với hướng dẫn y tế của Pakistan khi nước này đã dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 vào tháng 3/2022.

Theo hãng ABC, ít nhất ba doanh nghiệp Trung Quốc đang điều hành các dự án BRI trên khắp thế giới vẫn thực thi các biện pháp kiểm soát chặt dịch COVID-19.

Trà My