|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

BRI: Con đường không tơ lụa

22:01 | 04/04/2019
Chia sẻ
Mỹ sẽ không cử các quan chức cấp cao tới dự Hội nghị Thượng đỉnh thứ hai về sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) ở Bắc Kinh trong tháng này vì nhiều quan ngại về dự án
BRI: Con đường không tơ lụa - Ảnh 1.

Trung Quốc đã thu hút được nhiều quốc gia trên thế giới tham gia BRI

Theo phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, thay vì cử phái đoàn cấp cao, nhiều khả năng chính phủ nước này sẽ cử các quan chức cấp thấp tới quan sát và ghi chép nội dung hội nghị.

Mặc dù vậy, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, Dương Khiết Trì hôm 30/3 cho biết gần 40 lãnh đạo nước ngoài sẽ dự hội nghị Thượng đỉnh BRI lần hai. Giới quan sát cho rằng có thể Tổng thống Nga, Vladimir Putin, Thủ tướng Pakistan; Tổng thống Philippines và Thủ tướng Campuchia sẽ có mặt.

Có thể thấy, bất chấp những cảnh báo của Mỹ và các nước phương tây, sáng kiến BRI của Trung Quốc vẫn nhận được sự ủng hộ của phần lớn thế giới. Và theo các chuyên gia, đây là thời điểm thích hợp để xem xét khía cạnh thực tế của sáng kiến này.

BRI được ôngTập Cận Bình công bố vào năm 2013. Đây là khuôn khổ thương mại và cơ sở hạ tầng khổng lồ nhằm liên kết Trung Quốc với châu Âu, châu Phi và châu Á thông qua một loạt các cảng, đường sắt và đường bộ được Bắc Kinh tài trợ (vốn vay).

Trung Quốc năm ngoái cho biết hơn 80 nước đã là thành viên và vừa qua, Itlay đã trở thành nước G7 đầu tiên tham gia sáng kiến này.

Trên thực tế, Sáng kiến BRI đã tạo ra sự gia tăng nhỏ trong phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện khả năng tiếp cận nguồn cung và thị trường của Trung Quốc. Tuy nhiên, càng ngày BRI càng lộ rõ bản chất đây là sáng kiến "của Trung Quốc, vì Trung Quốc" khi chủ yếu mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp của đất nước này.

Trung Quốc đã phát triển kinh tế bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng: đường bộ, đường sắt cao tốc, cảng biển. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã kiếm được một số tiền khổng lồ từ các dự án này. Và khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc chứng kiến lợi nhuận giảm dần, Sáng kiến BRI là cơ hội để các doanh nghiệp của Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài.

Sẽ có những cách mới để đi từ các trung tâm sản xuất của Trung Quốc đến châu Âu, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy những tuyến đường này khả thi về mặt kinh tế. Đường sắt từ Trung Quốc đến châu Âu rất thú vị, nhưng chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy tuyến đường này đang được thực hiện. Theo đó, các khoản đầu tư lớn của BRI dùng vào việc mở rộng hạ tầng chủ yếu để phục vụ hàng hóa Trung Quốc.

Mặt khác, có nhiều câu hỏi về việc liệu Trung Quốc sẽ thực sự dành bao nhiêu cho BRI? Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng, dòng đầu tư ra bên ngoài cho các dự án BRI vào khoảng 15 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng, các nhà phát ngôn của Trung Quốc thường đưa ra con số lớn hơn nhiều so với giá trị của các giao dịch được ký kết.

Điều này có nghĩa là chỉ một phần nhỏ trong các dự án được công bố trở thành hiện thực. MERICS có trụ sở tại Berlin chuyên nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng, sau 5 năm, Trung Quốc đã đầu tư hơn 25 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài liên quan đến BRI so với con số 50 tỷ USD.

BRI: Con đường không tơ lụa - Ảnh 2.

Các lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh "Vành đai và Con đường" tổ chức ở Bắc Kinh, tháng 5/2017 - Ảnh: Getty/CNBC.

Mặc dù đầu tư của Trung Quốc rất quan trọng ở một số quốc gia đang phát triển, nhưng điều đó không làm thay đổi bức tranh tổng thể về cơ sở hạ tầng. Trung Quốc là một phần của xu hướng đầu tư tư nhân, với tư cách là người nhận đầu tư và nhà đầu tư, nhưng điều đó không có nghĩa là họ thống trị đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu.

Có những yếu tố chiến lược trong BRI, nhưng chiến lược phát triển tập trung vào trong nước nhiều hơn là khu vực quốc tế. Trục cơ sở hạ tầng chính ở Nam và Đông Nam Á sẽ phục vụ cho việc mở rộng các tuyến đường của Trung Quốc qua Myanmar và Pakistan, bao gồm các đường ống dẫn dầu và đường sắt vận chuyển hàng hóa và cuối cùng là vận chuyển khách du lịch.

Một khía cạnh chiến lược khác liên quan đến khu vực Trung Á. Trong thế kỷ 19 quân đội và đường sắt Nga đã đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc cũng như sự xâm lấn của phương Tây. Bây giờ, trong thế kỷ 21, các thương nhân, nhà đầu tư và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đang quay trở lại và giành tầm ảnh hưởng tại một khu vực mà họ hầu như vắng bóng trong hơn 100 năm.

Ông Richard Boucher, cựu phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, Sáng kiến BRI đã được so sánh với nhiều điều nhưng hầu hết đều không chính xác. Đầu tiên là "Con đường Tơ lụa" cổ xưa. Con đường tơ lụa cũ đã chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Trung Đông, và đi từ đó đến châu Âu chứ không giúp mở rộng sự hiện diện của Trung Quốc hoặc thương nhân Trung Quốc vào nước ngoài.

Trên con đường tơ lụa cũ, hàng hóa được chuyển từ tay thương nhân này sang tay thương nhân khác: các đoàn lữ hành đã đi từ Trung Quốc đến đế chế Ba Tư và Ả Rập, từ đó người Ba Tư và Ả Rập bán chúng cho các thương nhân châu Âu.

"Mọi người đi trên Con đường Tơ lụa đều được lợi. Với BRI, phần lớn đều tập trung vào các dự án được vận hành và xây dựng bởi các công ty Trung Quốc với lao động Trung Quốc, khi tiền và lợi nhuận sẽ chảy về các công ty và ngân hàng Trung Quốc", ông phân tích

Thứ hai là việc so sánh với Kế hoạch Marshall. Trong khi các đóng góp của Mỹ đã mang máy móc, hàng hóa và thực phẩm cho những người châu Âu xây dựng lại nền kinh tế của chính họ, thì BRI tập trung vào các dự án do các công ty và công nhân Trung Quốc xây dựng ở nước ngoài và thường không hỗ trợ xây dựng nâng cao năng lực địa phương và duy trì phát triển.

Có thể thấy, Trung Quốc, giống như những quốc gia phương Tây, hiện chỉ đang là một người chơi toàn cầu, không phải người chơi lớn nhất và duy nhất trong cuộc chơi tài chính quốc tế. Chính phủ và các nhà đầu tư Mỹ và Châu Âu vẫn nắm giữ vai trò là nguồn vốn chính của toàn cầu trên cả hai lĩnh vực đầu tư công và tư.

Sự hiện diện của phương Tây mang đến cơ hội cho các nước đang phát triển cân bằng các đề nghị của Trung Quốc và đòi hỏi sự minh bạch cũng như thỏa thuận được các điều khoản tốt hơn.


Cẩm Anh