|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vành đai và Con đường của Trung Quốc gặp thách thức, cơ hội cho Mỹ?

08:35 | 24/08/2022
Chia sẻ
Tổng thống Mỹ Joe Biden và quan chức hàng đầu nước Mỹ đã có chuyến công du nhiều nước trên thế giới trong mùa hè, nhằm thúc đẩy cam kết đầu tư hàng trăm tỷ USD cho các nước nghèo – một động thái “ngầm” cạnh tranh với Trung Quốc.

Một tuyến đường sắt do Trung Quốc xây dựng tại Kenya năm 2019. (Ảnh: Bloomberg).

Trong gần một thập kỷ, sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD mỗi năm vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng tại nước ngoài, bao gồm các tuyến đường cao tốc từ Papua New Guinea cho đến Kenya, một loạt cảng từ Sri Lanka tới Tây Phi, hạ tầng viễn thông và điện lưới cho người dân từ Mỹ Latinh đến Đông Nam Á. 

Trước sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc trên toàn cầu, Mỹ đang muốn củng cố vai trò của mình trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng và cạnh tranh với “gã khổng lồ châu Á”. 

Giấc mơ Mỹ

Hồi tháng 6, ông Biden và các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã cam kết dành khoản đầu tư trị giá 600 tỷ USD cho đến năm 2027, vào những dự án có thể “thay đổi cuộc chơi” nhằm thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng giữa các quốc gia. Riêng Mỹ góp 200 tỷ USD trong số này. 

Tháng này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã đến thăm các nước Nam Thái Bình Dương, nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác và hỗ trợ cho các quốc đảo này. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo kế hoạch tới các nước châu Phi. 

Trong chuyến thăm tới thủ đô Pretoria (Nam Phi), ông Blinken đã công bố “Chiến lược Hạ Sahara châu Phi” mới của Nhà Trắng. Bên cạnh đó, ông Blinken còn đưa ra lưu ý về mặt tiêu cực của những thỏa thuận cơ sở hạ tầng quốc tế như tham nhũng, chất lượng kém, ảnh hưởng đến môi trường hay gánh nặng nợ.

Do đó, ông Blinken nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc lựa chọn đối tác và cân nhắc đến ý kiến của cộng đồng địa phương.

Động thái của Mỹ được đưa ra vào thời điểm sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc vấp phải nhiều vấn đề như thiếu hụt nguồn tài chính, sự đình trệ của một số dự án do thiếu đồng thuận về mặt chính trị, những lo ngại về nợ nần và ảnh hưởng của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cáo buộc Vành đai và Con đường là một “bẫy nợ” nhằm kiểm soát hệ thống cơ sở hạ tầng địa phương cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sáng kiến này, dù phần lớn các nhà kinh tế đã lên tiếng phản đối.

Những thách thức mà sáng kiến phát triển hạ tầng ở nước ngoài của Trung Quốc gặp phải có thể tạo ra cơ hội cho Mỹ thúc đẩy việc hợp tác với các quốc gia cần nguồn tài chính.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn được đặt ra là liệu Mỹ có thể đưa ra quy mô đầu tư và xây dựng hạ tầng như thế nào, khi Trung Quốc từ lâu đã có thành tích vượt trội trong lĩnh vực này.

Mặc dù Mỹ đã là nhà viện trợ hàng đầu thế giới cho các nước đang phát triển, song liệu nước này có thể huy động khu vực tư nhân để cạnh tranh với Trung Quốc với tư cách là một nhà tài trợ cho cơ sở hạ tầng hay không là một câu hỏi khác.

Trong khi đó, các nhà phân tích cho biết sáng kiến Xây dựng Thế giới Tốt đẹp hơn (BBBW) của G7, ban đầu được công bố vào năm 2021, đã có một khởi đầu chậm chạp. Đến mùa hè năm nay tại Đức, các nhà lãnh đạo mới chính thức khởi động sáng kiến hiện được đổi tên thành Đối tác về Cơ sở Hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII).

Ngoài việc Mỹ cam kết huy động 200 tỷ USD cho PGII thông qua các khoản trợ cấp, tài trợ liên bang và tận dụng đầu tư từ khu vực tư nhân, Nhà Trắng còn hứa sáng kiến trên sẽ thu hút thêm hàng trăm tỷ USD từ các đối tác cùng chí hướng, ngân hàng phát triển đa phương, tổ chức tài chính phát triển, quỹ đầu tư quốc gia, và nhiều bên khác.

Tuy nhiên, giới phân tích nhấn mạnh điểm khác biệt giữa hai mô hình: với Trung Quốc, các thực thể nhà nước đóng vai trò chủ chốt, còn Mỹ không có khả năng xác định quy mô và phạm vi đầu tư của khu vực tư nhân. 

Nhìn lại Vành đai và Con đường

Kể từ khi khởi động Vành đai và Con đường vào năm 2013, đầu nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, nguồn quỹ của sáng kiến này đã được đổ vào các dự án xây dựng cầu, cảng, đường cao tốc, viễn thông, năng lượng trên khắp châu Á, Mỹ Latinh, châu Phi và một số nước châu Âu.

Để có nguồn quỹ, Trung Quốc dựa vào hoạt động đi vay không chỉ từ các ngân hàng phát triển của nước này mà còn từ các ngân hàng thương mại quốc doanh. Mô hình này hoàn toàn khác biệt với mô hình dựa chủ yếu vào viện trợ chính thức của Mỹ.

Theo báo cáo năm 2021 của phòng nghiên cứu AidData, thuộc trường William & Mary tại Mỹ, trong 5 năm đầu tiên (2013-2017), Trung Quốc đã chi trung bình 85 tỷ USD mỗi năm cho các dự án phát triển ở nước ngoài, lớn hơn gấp đối bất kỳ nền kinh tế lớn nào.

Mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới đều hoan nghênh nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc, song các dự án cũng có một số vấn đề.

Nhà khoa học Ammar A. Malik, người phụ trách Chương trình Tài chính Phát triển Trung Quốc của AidData, cho biết 35% các dự án thuộc Vành đai và Con dường đối mặt với một số thách thức như sự cố về môi trường, bê bối tham nhũng, vi phạm luật lao động, … và những thách thức này đặc biệt hiện rõ tại những dự án do doanh nghiệp Trung Quốc thi công.

AidData cũng báo cáo về những “khoản nợ ẩn”, đề cập đến trường hợp đơn vị nhận khoản vay của Trung Quốc là các công ty tư nhân không phải chính phủ, nhưng điều khoản của khoản vay yêu cầu chính phủ nước sở tại phải đứng ra bảo lãnh. Điều này có thể khiến chính phủ phải gánh trách nhiệm nếu công ty đi vay không thể trả nợ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng đã có những dấu hiệu cho thấy những nỗ lực đầu tư của Trung Quốc đang chậm lại trong những năm gần đây, sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Theo số liệu từ Trung tâm Chính sách Phát triển Đại học Boston (GDPC), khoản vay của Trung Quốc cho châu Phi đã giảm 77% từ 8,2 tỷ USD năm 2019 xuống 1,9 tỷ USD trong năm 2020.

Lý giải thực tế trên, bà Oyintarelado Moses, nhà phân tích thuộc GDPC cho rằng đại dịch COVID-19 đã làm suy giảm điều kiện kinh tế tại Trung Quốc và nhu cầu đầu tư cũng yếu đi do các hạn chế về tài chính và vấn đề nợ nần. Bà Moses lưu ý trước khi đại dịch bùng phát, nguồn quỹ của ngân hàng chính sách tại Trung Quốc đã suy giảm và đại dịch càng thúc đẩy xu hướng này.

Theo một số chuyên gia, cần có thêm thời gian để trả lời câu hỏi liệu nguồn quỹ cho Vành đai và Con đường đã đạt đỉnh hay chưa cũng đánh giá tổng thể hiệu suất của sáng kiến này.

Trà My (Theo CNN)