|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc dậm chân tại chỗ ở Nga, Sri Lanka

06:19 | 25/07/2022
Chia sẻ
Tổng chi cho sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay giảm so với cùng kỳ. Nga, Sri Lanka và Ai Cập không có khoản chi nào mới.

Công nhân đi qua khu vực xây dựng tại thành phố Colombo, Sri Lanka, năm 2018. (Ảnh: Bloomberg).

Bloomberg trích dẫn số liệu của Trung tâm Tài chính và Phát triển Xanh cho biết các khoản cấp vốn và đầu tư cho sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc trong nửa đầu 2022 là 28,4 tỷ USD, thấp hơn so với mức 29,4 tỷ USD của 6 tháng đầu năm ngoái.

So với cùng kỳ 2019 khi đại dịch chưa bùng phát, con số nửa đầu năm nay thấp hơn khoảng 40%.

Trong số các khoản chi 6 tháng vừa qua, khoảng 11,8 tỷ USD được dùng cho đầu tư và 16,5 tỷ USD dùng cho các hợp đồng xây dựng. Saudi Arabia là quốc gia nhận được nhiều vốn nhất từ Trung Quốc nhất, trong khi không có dự án sử dụng than nào được cấp tiền.

Nga, Sri Lanka và Ai Cập không ghi nhận khoản chi nào mới trong khuôn khổ BRI.

Ông Christoph Nedopil Wang, Giám đốc Trung tâm Tài chính và Phát triển Xanh, cho biết những lời đe dọa áp lệnh trừng phạt của phương Tây có thể đã ngăn cản Trung Quốc đầu tư vào Nga. Tuy ngừng rót tiền vào xứ sở bạch dương nhưng Bắc Kinh lại tăng cường đầu tư ở Trung Đông.

Ông Nedopil Wang cho rằng sự sụt giảm của đầu tư Trung Quốc vào Nga trong khuôn khổ sáng kiến BRI có thể “chỉ là tạm thời” và “chắc chắn có các hoạt động mạnh mẽ giữa Nga và Trung Quốc”. Ông chỉ ra thêm rằng Bắc Kinh đã tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Nga bất chấp cuộc xung đột Ukraine.

Năm 2021, dòng vốn từ Trung Quốc sang Nga trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) là 2 tỷ USD.

Theo Financial Times, Nga là một trong những nước nhận nhiều đầu tư của Trung Quốc nhất trong sáng kiến BRI. Kể từ khi được công bố vào năm 2013, tổng chi của Trung Quốc cho BRI là 932 tỷ USD, bao gồm 561 tỷ USD hợp đồng xây dựng và 371 tỷ USD đầu tư.

Các dự án BRI trải dài nhiều lĩnh vực khác nhau, từ cảng biển tới đường sắt, trung tâm dữ liệu và hầm mỏ.

Nửa đầu năm 2022 là giai đoạn 6 tháng đầu tiên Trung Quốc – Nga không có hoạt động làm ăn trong khuôn khổ BRI. Năm 2021, hai nước ký kết các thỏa thuận trị giá khoảng 2 tỷ USD.

Sri Lanka đã lâm vào cảnh vỡ nợ hồi tháng 5 và hiện đang trải qua giai đoạn hết sức bất ổn về kinh tế cũng như chính trị. Vì vậy, việc Trung Quốc ngại rót thêm tiền vào quốc gia Nam Á này là điều dễ hiểu.

Trung Quốc hiện nay phụ thuộc vào Nga khoảng 15% nhu cầu dầu thô và 8% nhu cầu khí tự nhiên. Các thỏa thuận năng lượng mới đã được hai bên thống nhất vào đầu tháng 2, tức chỉ vài ngày trước khi quân đội Nga tiến đánh Ukraine.

Từ tháng 2 đến nay, Bắc Kinh đã nhiều lần chỉ trích các lệnh trừng phạt mà cộng đồng quốc tế áp vào Nga. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn cẩn thận để tránh vi phạm các lệnh trừng phạt này.

Song Ngọc