|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Làn sóng vỡ nợ đe dọa nhiều quốc gia đang phát triển

09:57 | 12/07/2022
Chia sẻ
Các khoản vay có tổng trị giá 250 tỷ USD đang đẩy nhiều quốc gia đang phát triển vào nguy cơ vỡ nợ. Cuộc khủng hoảng nợ tại một số nước có thể trở thành "hiệu ứng domino" và lan rộng ra toàn thế giới.

Bloomberg cho biết các quốc gia mới nổi, bao gồm El Salvador, Ghana, Ai Cập, Tunisia và Pakistan, sẽ có nguy cơ phải đối mặt với một loạt các vụ vỡ nợ trị giá 250 tỷ USD.

“Với các quốc gia có thu nhập thấp, rủi ro nợ và khủng hoảng nợ không chỉ là giả thuyết”, nhà kinh tế trưởng Carmen Reinhart của Ngân hàng Thế giới (WB) tuyên bố.

Các quốc gia đang khó khăn sẽ phải trả hàng tỷ USD gốc và lãi các khoản nợ bằng đồng ngoại tệ trong nửa cuối năm 2022 và cả năm 2023.

Trong 6 tháng qua, số lượng các thị trường mới nổi có nợ chính phủ ở mức rất khó khăn đã tăng gấp đôi. Lợi suất các khoản nợ của những chính phủ này cho thấy các nhà đầu tư tin vào khả năng vỡ vợ.

Một nguyên nhân khác gây ra mối lo ngại lớn xuất phát từ “hiệu ứng domino” tiềm ẩn thường xảy ra khi các nhà đầu tư sợ hãi bắt đầu rút tiền ra khỏi các quốc gia có vấn đề kinh tế.

Vào tháng 6, các nhà giao dịch được cho là đã rút 4 tỷ USD trái phiếu và cổ phiếu của thị trường mới nổi, đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp dòng vốn bị chảy ra.

Hậu quả của các vụ vỡ nợ có thể là bất ổn chính trị. Đầu năm nay, Sri Lanka là quốc gia đầu tiên ngừng trả tiền cho các trái chủ nước ngoài do gánh nặng về chi phí lương thực và nhiên liệu, khiến các cuộc biểu tình nổ ra. Kết quả là Thủ tướng và Tổng thống quốc đảo này đều đã phải tuyên bố sẽ từ chức vào hôm 10/7.

Người biểu tình tràn vào dinh thự của Tổng thống Sri Lanka. (Ảnh: Reuters).

Ngân hàng Barclays cho biết: “Giá lương thực cao và thiếu hụt nguồn cung có thể châm ngòi cho các cuộc khủng hoảng chính trị”.

Dưới đây là những gì đang diễn ra tại một số thị trường mới nổi đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ:

El Salvador

Quốc gia Trung Mỹ này đã liên tục bị hạ xếp hạng tín dụng khi đồng nội tệ mất giá, được thúc đẩy bởi những chính sách đôi khi khó đoán của Tổng thống Nayib Bukele.

Việc chấp nhận Bitcoin là một tiền tệ hợp pháp, kèm theo những động thái của chính phủ nhằm củng cố quyền lực, đã làm dấy lên những lo ngại về khả năng và sự sẵn sàng của El Salvador trong việc trả nợ. Quốc gia này hiện đang thâm hụt tài chính lớn và sắp phải chi trả 800 triệu USD trái phiếu vào tháng 1/2023.

Tổng thống Nayib Bukele công bố thành phố Bitcoin vào năm 2021. (Ảnh: Marvin Recinos/AFP).

Ghana, Tunisia và Ai Cập

Những quốc gia trên thuộc nhóm đi vay ít, điểm tín dụng thấp với không có nhiều dự trữ. Moody’s Investor Service cảnh báo ba nước trên sẽ dễ bị tổn thương do lãi suất cho vay tăng cao.

Hiện tại cả ba đều nắm trong tay nguồn dự trữ khá hạn chế để có thể thanh toán các lô trái phiếu đáo hạn tới năm 2026. Lãi suất trên thị trường nợ nước ngoài tăng cao có thể khiến các quốc gia này gặp vấn đề trong việc quay vòng nợ để chi trả trái phiếu đáo hạn.

Ghana đang tìm kiếm khoản vay 1,5 tỷ USD từ IMF. Ai Cập cần chi trả 4 tỷ USD nợ nước ngoài vào tháng 11/2022 và 3 tỷ USD khác vào tháng 2/2023, theo dữ liệu của Bloomberg.

Pakistan

Pakistan vừa nối lại đàm phán với IMF khi đang thiếu tiền để chi trả cho ít nhất 41 tỷ USD trong 12 tháng tới và tài trợ cho hoạt động nhập khẩu.

Tương tự như những gì từng diễn ra ở Sri Lanka, những người biểu tình đã xuống đường phản đối việc cắt điện kéo dài tới 14 giờ nhằm tiết kiệm nhiên liệu. Mặc dù Bộ trưởng Tài chính cho biết Pakistan đã tránh được tình trạng vỡ nợ, quốc gia này vẫn bị nhà đầu tư đánh giá là sắp phá sản.

Argentina

Quốc gia Nam Mỹ này đang đối mặt với nguy cơ phá sản sau vụ vỡ nợ gần đây nhất diễn ra vào năm 2020 trong thời kỳ suy thoái kinh tế do dịch COVID gây ra.

Lạm phát dự kiến sẽ lên tới 70% vào cuối năm, gây thêm áp lực lên các nhà chức trách trong việc hạn chế dòng vốn USD chảy ra khỏi nền kinh tế để kiểm soát tỷ giá hối đoái.

Đồng thời, Bộ trưởng Tài chính mới và cuộc đấu đá chính trị giữa Tổng thống Alberto Fernandez và Phó Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner đã làm mờ đi triển vọng của nền kinh tế trước cuộc bầu cử vào năm 2023.

Argentina có mức lạm phát cao thứ 5 trên thế giới. Đa số các quốc gia có nguy cơ vỡ nợ đều có tốc độ tăng giá cả tương đối cao.

Ukraine

Cuộc xung đột hiện tại đã khiến các quan chức Ukraine phải xét đến khả năng tái cơ cấu nợ. Ukraine tuyên bố cần từ 60 tỷ đến 65 tỷ USD trong năm nay, nhiều hơn hàng tỷ USD so với những gì mà các đồng minh đã cam kết viện trợ.

Các nhà hoạch định chính sách ở Kiev đang phải vật lộn để giữ cho ngân sách hoạt động trong khi quân đội đang chiến đấu chống lại Nga, các thành phố bị phá hủy, xuất khẩu ngũ cốc đình trệ và 10 triệu người phải rời bỏ quê hương. Ukraine cũng đã công bố một kế hoạch tái thiết dài hạn có thể trị giá hơn 750 tỷ USD.

Minh Quang