Lạm phát đó đây: Việt Nam khoảng 3%, nhiều nước lên tới 100 - 200%
Với cuộc xung Ukraine và nhu cầu tiêu dùng của thế giới trở lại sau đại dịch, lạm phát đang ở mức cao nhất trong hàng thập kỷ tại nhiều quốc gia.
Theo số liệu từ Tổng Cục thống kê (GSO), tỷ lệ lạm phát tháng 6/2022 của Việt Nam là 3,37%, mức cao nhất trong vòng gần hai năm qua. Lạm phát Việt Nam chịu ảnh hưởng do giá nhiên liệu tăng cao, nguyên nhân chủ yếu từ cuộc xung đột Ukraine và nhu cầu toàn thế giới tăng mạnh.
Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia khác trên thế giới, mức lạm phát của Việt Nam trong thời gian vừa qua là khá thấp do tự chủ được trong sản xuất lương thực, kinh tế phục hồi mạnh và các chính sách hỗ trợ.
Dưới đây là bản đồ tổng hợp lạm phát của đa số các nước trên thế giới, với số liệu cập nhật mới nhất kể từ tháng 3/2022 (thời điểm sau khi xung đột Ukraine diễn ra).
Bức tranh không đồng nhất
Các quốc gia châu Á, trừ Bangladesh, Mông Cổ và một số nước Trung Á, đều có mức lạm phát thấp hơn so với mặt bằng chung của thế giới.
Đông Âu là một trong những khu vực chịu mức lạm phát cao kỷ lục trong vòng hàng thập kỷ, với các nước Baltic chạm ngưỡng 20%. Tỷ lệ lạm phát của Nga, Ukraine và Belarus cũng đều là hai con số, do ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột đang diễn ra (trên đất Ukraine) và các lệnh trừng phạt của phương Tây (đối với Nga và Belarus).
Khu vực Tây Âu, mặc dù không có nhiều quốc gia có lạm phát hai con số, nhưng đang chịu tác động nặng nề từ giá nhiên liệu tăng cao. Anh và Tây Ban Nha đang đối mặt với tốc độ tăng giá cả chưa từng thấy trong vòng 40 năm.
Câu chuyện tương tự cũng đang xảy ra tại Bắc Mỹ, khi nền kinh tế số một thế giới liên tục phá vỡ kỷ lục về lạm phát. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phải can thiệp bằng cách tăng lãi suất ba lần, làm dấy lên nguy cơ suy thoái kinh tế.
Lạm phát tại Châu Phi, Nam Mỹ không đồng nhất, tùy thuộc vào tình hình chính trị, kinh tế của mỗi quốc gia.
Nhìn chung, năng lượng và thực phẩm chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới lạm phát. Một số quốc gia xuất siêu những loại hàng hóa này như Nga, Iran, Brazil vẫn hứng chịu mức độ tăng giá cả chóng mặt.
Sau đây là một số quốc gia có tỷ lệ lạm phát trên 50%.
Lebanon
Lebanon (Li Băng) dẫn đầu trong sách, với mức lạm phát khủng khiếp 211% ghi nhận vào tháng 5/2022. Kể từ đầu năm 2020, giá cả tại quốc gia Bắc Phi này đã tăng phi mã, luôn ở mức hai hoặc ba con số.
Tờ Al Jazeera cho biết, các nhà chức trách Lebanon đổ lỗi cho lạm phát toàn cầu và xung đột Ukraine ảnh hưởng tới giá nhiên liệu và thực phẩm. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia nguyên nhân chính đến từ việc chính phủ thất bại trong việc bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ và đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu.
Zimbabwe
Người dân Zimbabwe cũng đang gánh chịu lạm phát 191% ghi nhận vào tháng 6/2022. Vào giai đoạn 2007-2009, quốc gia này cũng đã từng đối mặt với siêu lạm phát, khiến đồng nội tệ mất giá hàng tỷ phần trăm.
Trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch COVID-19, tốc độ tăng giá cả của quốc gia này lại một lần nữa vượt mức ba, gần 4 con số. Mặc dù lạm phát có xu hướng ổn định vào nửa cuối 2021, đầu 2022 nhưng khủng hoảng địa chính trị tại Ukraine một lần nữa khiến tỷ lệ lạm phát vượt ngưỡng 100%.
Venezuela
Vào tháng 5/2022, lạm phát của Venezula là 167,15%. Đối với quốc gia Nam Mỹ này, lạm phát ba con số là thông tin tốt, bởi vì chỉ một năm trước thôi, tỷ lệ lạm phát của quốc gia này là hơn 2500%.
Mặc dù có trong danh sách các quốc gia lạm phát cao nhất thế giới, tình hình giá cả của Venezuela thực tế đang được cải thiện nhờ giá nhiên liệu tăng kỷ lục giúp nhà nước có thêm nguồn thu và chính phủ nới lỏng các chính sách kiểm soát kinh tế.
Thổ Nhĩ Kỳ
Lạm phát Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đà tăng, gần chạm 79% vào tháng 6/2022. Tốc độ tăng chóng mặt tại quốc gia này một phần do giá thực phẩm và nhiên liệu cao, nhưng cũng đồng thời do chiến lược tiền tệ kỳ lạ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
- TIN LIÊN QUAN
-
Tai ương kéo đến khi tổng thống thích làm ngược lý thuyết kinh tế: Lạm phát phi mã, dân tình hoang mang, đồng tiền trượt giá 21/12/2021 - 13:44
Thay vì tăng lại suất để chống lạm phát, Thổ Nhĩ Kỳ lại làm ngược lại. Kết quả là mức lạm phát vốn đã cao (khoảng 20%) vào cuối 2021 đã nhảy vọt lên gần 80% vào quý II/2022.
Argentina
Theo Bloomberg, lạm phát tại Argentina trong suốt một thập kỷ qua chưa khi nào xuống dưới 10%. Lạm phát cao được coi như căn bệnh cố hữu của nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực Mỹ Latin.
Mặc dù chính phủ và ngân hàng trung ương đã thử một loạt các biện pháp, Argentina vẫn không thể nào làm chậm lại đà tăng giá cả. Khủng hoảng địa chính trị tại Ukraine như đổ thêm dầu và lửa, khiến lạm phát vượt mức đỉnh hồi đầu năm 2019. Tháng 5 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng của Argentina tăng 60,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sri Lanka
Nền kinh tế của quốc đảo nằm ở Ấn Độ Dương này phụ thuộc vào du lịch quốc tế. Và trong hai năm đại dịch COVID, việc đi lại trên toàn cầu gần như bị đóng băng. Kết quả là chính phủ luôn trong tình trạng thiếu tiền mặt và phải vay nợ để chi tiêu.
Cuộc khủng hoảng Ukraine khiến thâm hụt ngân sách của Sri Lanka ngày càng trầm trọng, trong khi giá các hàng hóa nhập khẩu, từ nhiên liệu, thực phẩm tới thuốc men tăng phi mã. Vào tháng 4/2022, Sri Lanka đã vỡ nợ. Tỷ lệ lạm phát tháng 6 lên tới 54,6%.
Iran
Tehran đã phải đối mặt với mức lạm phát hai con số vào năm 2018 khi Mỹ tiến hành các biện pháp trừng phạt do thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ. Đầu năm 2022, giá cả lại một lần nữa tăng nhanh, nguyên nhân chủ yếu tới từ thực phẩm như ngũ cốc, dầu ăn ... Vào tháng 6/2022, tỷ lệ lạm phát của Iran đạt 52,5%.