|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tai ương kéo đến khi tổng thống thích làm ngược lý thuyết kinh tế: Lạm phát phi mã, dân tình hoang mang, đồng tiền trượt giá

13:44 | 21/12/2021
Chia sẻ
Việc Tổng thống Tayyip Erdogan nhất quyết hạ lãi suất bất chấp giá cả lên cao và đồng nội tệ trượt giá đã thổi bùng lên ngọn lửa lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ, khiến cuộc sống của hàng triệu người dân thêm chật vật.
Tai ương ập đến khi tổng thống thích làm ngược lý thuyết kinh tế: Lạm phát phi mã, dân tình hoang mang, đồng tiền trượt giá - Ảnh 1.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. (Ảnh: Reuters/Dreamstime, Đồ họa: Financial Times).

Năm 1923 tại nước Cộng hòa Weimar (nước Đức ngày nay), một anh công nhân đi qua cửa hàng bánh mỳ đầu phố, nhìn vào bảng giá và nhẩm tính rằng toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình có thể mua được 10 ổ bánh.

Anh vội chạy về nhà, chất tiền lên xe thồ rồi chạy ra cửa hàng nhưng ông chủ chỉ đưa cho anh 5 ổ. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi mà anh chạy về nhà rồi quay ra, giá bánh mỳ đã tăng gấp đôi. Nếu anh còn chần chừ không quyết thì giá sẽ còn tăng lên nữa.

Tình hình lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay chưa đến mức khủng khiếp như ở Đức những năm 1922-1923, nhưng cũng đủ để khiến người dân đứng ngồi không yên.

Một phụ nữ trung niên ở thành phố Istabul trả lời tờ Wall Street Journal: "Tôi chưa bao giờ trải qua chuyện gì đáng sợ như thế này trong đời. Tôi đi ngủ, hôm sau tỉnh dậy thấy giá cả đã khác". 

Thống kê chính thức của chính phủ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Bản thân con số này đã đáng ngại nhưng một số tổ chức nghiên cứu độc lập như ENAGroup cho rằng số liệu chính thức đã bị chỉnh sửa và con số thực tế phải cao gấp đôi, tức là khoảng 40%.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 11 tăng tới gần 55% so với cùng kỳ năm ngoái nên nếu lạm phát giá giá tiêu dùng có vượt 40% cũng không có gì lạ.

Nguyên nhân của vấn đề nằm ở chính sách kinh tế ngược đời của Tổng thống Tayyip Erdogan.

Tai ương ập đến khi tổng thống thích làm ngược lý thuyết kinh tế: Lạm phát phi mã, dân tình hoang mang, đồng tiền trượt giá - Ảnh 2.

Cách thế giới đương đầu lạm phát: Nâng lãi suất, giảm bơm tiền

Khi COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, ngân hàng trung ương ở nhiều nước đồng loạt nới lỏng tiền tệ để hạn chế tác động của khủng hoảng kinh tế. Ví dụ nổi tiếng nhất là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất từ khoảng 1% về gần 0%, một bước đi chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.

Khi nền kinh tế toàn cầu dần bước ra khỏi hố sâu đại dịch và nhu cầu cao thúc đẩy giá cả tăng nóng, chính quyền các nước cũng rục rịch siết chặt van tiền.

Tháng 12 này, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã nâng lãi suất lần đầu tiên trong vòng ba năm trở lại đây, từ 0,1% lên 0,25%. Fed cũng đã đẩy nhanh tốc độ giảm bơm tiền, đồng thời thông báo sẽ tăng lãi suất ba lần trong năm 2022.

Với các nền kinh tế mới nổi, Brazil đã nâng lãi suất 7 lần trong năm nay, từ 2% lên 9,25%, lần gần đây nhất là vào ngày 8/12. Nga nâng lãi suất 6 lần trong năm nay lên mức 7,5% nhằm kiềm chế cơn sóng lạm phát cao nhất kể từ đầu năm 2016. Lần tăng lãi suất gần đây nhất là vào cuối tháng 10. Ngân hàng trung ương Mexico nâng lãi suất trong 4 cuộc họp liên tiếp từ đầu năm đến nay.

Có nhiều cách hiểu vì sao nâng lãi suất và giảm cung tiền lại giúp kiềm chế lạm phát.

Thứ nhất, lượng tiền giảm tương đối so với lượng hàng hóa sẽ khiến giá cả giảm. Giả sử nền kinh tế chỉ có một lượng hàng hóa là 5 quả chuối và lượng tiền tệ tổng cộng 20 đô la. Khi đó mỗi quả chuối có giá 4 đô la.

Nếu lượng hàng hóa giữ nguyên là 5 quả chuối nhưng cung tiền giảm còn 10 đô la, khi đó giá giảm còn 2 đô la/quả. Nếu lượng hàng hóa tăng gấp đôi từ 5 lên 10 quả, nhưng lượng tiền tăng chậm hơn, chỉ gấp rưỡi từ 20 lên 30, thì giá cũng giảm từ 4 còn 3 đô la/quả.

Thứ hai, lãi suất là giá để sử dụng tiền tệ, cung tiền giảm làm cho lãi suất tăng lên. Người dân và doanh nghiệp sẽ ít vay mượn để tiêu dùng hay đầu tư mà thay vào đó sẽ ưu tiên gửi tiết kiệm để lấy lãi. Nền kinh tế có ít người mua hơn, giá cả sẽ hạ nhiệt.

Thứ ba, khi lãi suất tăng lên, đồng nội tệ sẽ hấp dẫn hơn với nhà đầu tư nước ngoài, nhiều người sẽ mua tiền nội tệ để đầu tư và nhận lãi suất cao hơn. Đồng nội tệ lên giá giúp cho hàng nhập khẩu trở nên rẻ hơn, góp phần kiểm soát lạm phát.

Cách Thổ Nhĩ Kỳ đối phó lạm phát: Đổ thêm dầu vào lửa

Trong khi các nền kinh tế từ đã phát triển đến đang phát triển đều nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát thì Thổ Nhĩ Kỳ lại làm điều ngược lại. Từ tháng 9 đến nay, quốc gia cầu nối giữa châu Á và châu Âu này đã 4 lần hạ lãi suất điều hành.

Hệ quả tất yếu là đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ suy yếu rõ rệt, mất tới gần 60% giá trị so với USD.

Tai ương ập đến khi tổng thống thích làm ngược lý thuyết kinh tế: Lạm phát phi mã, dân tình hoang mang, đồng tiền trượt giá - Ảnh 3.

Từ 2008 đến nay, giá trị của đồng Lira so với USD đã sụt giảm hơn 90%.

Hàng nhập khẩu trở nên vô cùng đắt đỏ. Đầu năm nay, để mua một món hàng nước ngoài trị giá 1 USD, người dân Thổ Nhĩ Kỳ chỉ cần bỏ ra khoảng 10 Lira, hiện nay phải bỏ ra tới 20 Lira.

Đồng tiền mất giá cũng làm cho hàng xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ là đất nước nhập siêu triền miên, tức là tác động tích cực từ xuất khẩu thường không đủ để bù đắp thiệt hại từ nhập khẩu.

Tai ương ập đến khi tổng thống thích làm ngược lý thuyết kinh tế: Lạm phát phi mã, dân tình hoang mang, đồng tiền trượt giá - Ảnh 4.

Các sách giáo khoa kinh tế vĩ mô kinh điển đều dạy rằng để kiềm chế lạm phát và ngăn đồng tiền mất giá, ngân hàng trung ương cần nâng lãi suất. Thổ Nhĩ Kỳ làm chuyện ngược đời không phải vì thiếu người giỏi kinh tế mà là vì ý muốn của Tổng thống Erdogan.

Ông Erdogan viện dẫn giáo lý đạo Hồi cho rằng lãi suất cao là một tội ác, vì vậy ông luôn tìm mọi cách để đưa lãi suất xuống thấp nhất có thể. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố: "Lãi suất đồng thời là cha đẻ và mẹ đẻ của mọi điều xấu xa".

Ngày 20/12 vừa qua, ông Erdogan một lần nữa khẳng định chắc chắn: "Chúng tôi sẽ tiếp tục hạ lãi suất. Đừng kỳ vọng tôi sẽ làm điều gì khác. Là một người theo đạo Hồi, tôi sẽ tiếp tục làm theo giáo lý của đạo Hồi".

Đồng Lira tiếp tục mất giá sau phát biểu của ông Erdogan. Theo lý thuyết kinh tế, giá cả hàng nhập khẩu sẽ càng lên cao, cắt giảm lãi suất sẽ khiến lạm phát càng thêm trầm trọng.

Tuy nhiên, vị tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang điều hành đất nước theo một học thuyết không giống ai khi tuyên bố: "Sau khi giảm lãi suất, chúng ta sẽ thấy lạm phát giảm xuống trong vài tháng nữa. Đất nước này sẽ không còn là thiên đường cho những kẻ làm giàu bằng lãi suất cao".

Tai ương ập đến khi tổng thống thích làm ngược lý thuyết kinh tế: Lạm phát phi mã, dân tình hoang mang, đồng tiền trượt giá - Ảnh 6.

Mỗi năm thay một thống đốc

Ông Berat Albayrak – con rể của Tổng thống Erdogan – làm Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên từ tháng 11/2015 đến tháng 7/2018, sau đó làm Bộ trưởng Tài chính từ tháng 7/2018 trở về sau.

Tuy ông Albayrak đã từ chức vào tháng 11/2020 nhưng cách sắp xếp nhân sự này cho thấy Tổng thống Erdogan không ngần ngại đưa người thân thích vào bộ máy quản lý kinh tế để thực thi chính sách ngược đời của mình.

Từ năm 2019 đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã thay ba đời Thống đốc Ngân hàng trung ương, trung bình mỗi năm thay một người.

Ông Murat Cetinkaya làm Thống đốc từ năm 2016. Cuối năm 2018, ông nâng lãi suất điều hành từ 17,75% lên 24%. Theo Reuters, Tổng thống Erdogan đã yêu cầu Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ hạ lãi suất xuống 21% nhưng Thống đốc Cetinkaya khước từ.

Kết quả là ông Cetinkaya bị cách chức vào tháng 7/2019. Giá trị đồng Lira cắm đầu giảm sau biến cố này. Đây là lần đầu tiên Thống đốc NHTW của Thổ Nhĩ Kỳ bị sa thải kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 1981.

Tai ương ập đến khi tổng thống thích làm ngược lý thuyết kinh tế: Lạm phát phi mã, dân tình hoang mang, đồng tiền trượt giá - Ảnh 7.

Người ngồi vào ghế Thống đốc sau đó là ông Murat Usal. Ban đầu, ông Usal làm theo chỉ đạo của Tổng thống Erdogan, hạ lãi suất từ 24% về 8,25%. Đương nhiên, đồng Lira mất giá thảm hại so với các đồng tiền khác như USD và Euro, đúng như lý thuyết kinh tế đã dự báo.

Thống đốc Usal liền nâng lãi suất lên 10,25% để rồi nhanh chóng bị Tổng thống Erdogan đuổi việc vào tháng 11/2020.

Người thay ông Usal ngồi ghế Thống đốc là ông Naci Agbal, cựu Bộ trưởng Tài chính. Vừa ngồi ghế nóng được 4 tháng, ông Agbal đã nâng lãi suất lên 19% để chống lạm phát. Kết quả là chỉ một ngày sau, ông Agbal đã mất chức.

Tổng thống Erdogan sau đó chọn ông Sahap Kavcioglu – một đồng minh thân cận lâu năm – làm Thống đốc Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến nay, ông Kavcioglu vẫn luôn đi theo con đường của ông Erdogan và đã hạ lãi suất 4 lần liên tiếp kể từ tháng 9 đến tháng 12/2021.

Tổng thống ra chính sách, dân nghèo gánh hậu quả

Việc lạm phát vọt lên 21% trong tháng 11 không làm cho Tổng thống Erdogan và Thống đốc Kavcioglu phiền lòng, vì theo lời ông Erdogan, nguồn gốc sản sinh ra mọi điều xấu xa là lãi suất cao chứ không phải là lạm phát cao.

Tuy nhiên, những người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang chật vật mưu sinh giữa bão giá chắc hẳn sẽ có cái nhìn khác về lạm phát và lãi suất.

Đồng Lira mất giá khiến cho GDP bình quân đầu người của Thổ Nhĩ Kỳ khi tính theo USD liên tục suy giảm trong giai đoạn 2013 - 2020, chỉ còn tương đương với mức của năm 2007. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính khoảng 3,2 triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi xuống dưới ngưỡng nghèo tương đối vì lạm phát lên cao và tiền tệ trượt giá.

Tai ương ập đến khi tổng thống thích làm ngược lý thuyết kinh tế: Lạm phát phi mã, dân tình hoang mang, đồng tiền trượt giá - Ảnh 8.

Thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ từng được cho là nơi trú ẩn an toàn trong môi trường lạm phát. Nhà đầu tư kỳ vọng rằng đồng Lira trượt giá sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tuy nhiên vào phiên cuối tuần trước (17/12), chỉ số chứng khoán chính lao dốc 5% và thị trường phải tạm dừng giao dịch. Khi giao dịch được nối lại, chỉ số cắm đầu giảm 8%.

Sau phiên đỏ lửa, thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cao hơn 40% so với đầu năm khi tính theo đồng Lira. Nhưng nếu tính theo USD, chỉ số chính đã lao dốc 36% trong năm nay.

Khách du lịch - những người cầm trong tay ngoại tệ mạnh như USD hay Euro - hưởng lợi lớn khi Thổ Nhĩ Kỳ chịu lạm phát cao và mất giá tiền tệ. Nhiều người trước đây không dám đến Thổ Nhĩ Kỳ vì tài chính eo hẹp thì nay có thể ghé thăm và tiêu xài xả láng.

Trong khi đó, người dân Thổ Nhĩ Kỳ lại khổ sở khi giá cả liên tục tăng và tiền tiết kiệm cứ bay hơi từng ngày. 

Lãi suất tiền gửi một năm hiện nay là khoảng 14%, trong khi tỷ lệ lạm phát chính thức là 21% (số không chính thức là trên 40%). Giả sử lạm phát không tăng và lãi suất không giảm thêm (dù Tổng thống Erdogan đã tuyên bố sẽ tiếp tục hạ lãi suất) thì người gửi tiền Thổ Nhĩ Kỳ đang mất 7%/năm.

Đức Quyền - Song Ngọc

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.