Các ngân hàng trung ương hùng mạnh nhất thế giới: Kỷ nguyên lãi suất thấp và lạm phát vừa phải đã chấm dứt
Chịu nỗi đau nhỏ để tránh nỗi đau lớn
Các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới cảnh báo rằng kỷ nguyên lãi suất thấp và lạm phát vừa phải đã kết thúc sau “cú sốc địa chính trị khủng khiếp” bắt nguồn từ chiến sự Nga-Ukraine và đại dịch COVID-19.
Bà Christine Lagarde - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và ông Andrew Bailey - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa có buổi gặp gỡ tại hội nghị thường niên của ECB tại Sintra, Bồ Đào Nha.
Ba nhà lãnh đạo của các ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới kêu gọi các nhà hoạch định chính sách hành động nhanh chóng để kiềm chế lạm phát.
Theo Financial Times, ba vị "thuyền trưởng" cho rằng nếu không tăng lãi suất đủ nhanh, lạm phát cao sẽ bám rễ vào nền kinh tế. Đến khi đó, các ngân hàng trung ương sẽ phải hành động quyết liệt hơn nữa để kéo giá cả xuống.
Ông Powell phát biểu: “Rất có thể quá trình này sẽ kèm theo một số đau đớn, nhưng nỗi đau tồi tệ nhất sẽ đến từ thất bại trong việc chế ngự lạm phát và cho phép nó tồn tại dai dẳng”.
Ba nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương đánh giá rằng đại dịch và chiến sự ở Ukraine đã làm đảo lộn nhiều yếu tố từng thúc đẩy hơn một thập kỷ lạm phát siêu thấp tại các nền kinh tế phát triển nhất.
Họ cảnh báo rằng sự chia rẽ của nền kinh tế toàn cầu thành những khối cạnh tranh lẫn nhau có nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm năng suất, tăng chi phí và đè nặng lên triển vọng tăng trưởng.
Bà Lagarde nhận định: “Tôi không cho rằng chúng ta sẽ quay trở lại môi trường lạm phát thấp như trước. Những biến động bắt nguồn từ đại dịch và cú sốc địa chính trị ở Ukraine sẽ làm thay đổi bức tranh toàn cảnh...”
Bà nói thêm: “Một số người cho rằng trong tương lai, địa điểm đặt cơ sở sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp sẽ không chỉ được quyết định bởi chi phí, mà còn bị chi phối bởi những yếu tố khác”. Nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc địa điểm sản xuất đó là "bạn hay thù" của họ, xét trên phương diện chính trị.
Ông Powell nói rằng tình thế mới sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách phải suy nghĩ lại về cách các ngân hàng trung ương vận hành, do môi trường lạm phát thấp “dường như không còn nữa”.
“Điều kiện thị trường đã thay đổi và chúng ta phải nghĩ về chính sách tiền tệ theo cách khác đi", Chủ tịch Fed bày tỏ. Ông nói thêm rằng việc dự báo lạm phát trong môi trường này đã trở nên khó khăn hơn nhiều. “Giờ chúng tôi nhận ra rằng mức độ hiểu biết của bản thân về lạm phát thật hạn hẹp".
Thống đốc Bailey cho rằng đã có “sự thay đổi sâu sắc” trong cách các nền kinh tế vận hành. Tại Anh, COVID-19 “đã tạo ra sự thay đổi về mặt cấu trúc lên thị trường lao động và cách thị trường vận hành”. Giờ đây, số lượng việc làm ít hơn và rủi ro người lao động yêu cầu tăng lương vượt mức đã cao hơn.
Chú ý đến mặt trận năng lượng và chiến sự
Bà Lagarde chỉ ra rằng chiến sự Nga-Ukraine gây ảnh hưởng đến châu Âu hơn hầu hết các khu vực khác, bằng chứng là giá năng lượng và lương thực đã leo thang chóng mặt. Điều này có nghĩa là châu Âu “không ở trong cùng tình huống” như Mỹ và các nước khác.
Nhưng bà cảnh báo “những gì sẽ xảy ra trên mặt trận năng lượng và chiến sự” sẽ tác động đến kỳ vọng về lạm phát. Điều này có thể buộc ECB chuyển từ lộ trình tăng lãi suất “từ tốn” – bắt đầu với mức tăng 0,25 điểm % trong tháng 7 – sang lập trường chính sách “quyết liệt hơn”.
Ông Powell thề sẽ ngăn lạm phát khống chế nền kinh tế Mỹ, nhấn mạnh quyết tâm của Fed về việc nhanh chóng tăng lãi suất trong năm nay. Fed đã phải vận đến biện pháp chưa từng được sử dụng trong hơn 30 năm qua, đó là tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % trong một cuộc họp chính sách. Hiện lãi suất quỹ liên bang đã được nâng lên khoảng 1,5-1,75%.
Tờ Financial Times cho biết các quan chức Fed cấp cao đã báo hiệu sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất lớn nữa tại cuộc họp tháng 7. Dự kiến đến cuối năm, lãi suất quỹ liên bang sẽ vào khoảng 3,5%.
Bà Lagarde nói rằng nền kinh tế châu Âu còn đang bị tác động bởi sự chuyển đổi từ xu hướng chi tiêu nhiều cho hàng hóa trong đại dịch sang chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ như du lịch. Sự thay đổi này tuy kích thích tăng trưởng của khu vực đồng euro nhưng lại gây ra “một loạt cú sốc” làm gia tăng áp lực giá.
Chủ tịch ECB nói rằng chính phủ và ngân hàng trung ương không còn làm việc “chặt chẽ” với nhau như trong thời đại dịch nữa. Thay vào đó, điều quan trọng là chính sách tài khóa phải trở nên “bền vững” hơn và “nhắm mục tiêu cụ thể hơn”.