Ở quốc gia này, giá mì ăn liền được xem như là thước đo của lạm phát
Làn sóng lạm phát và bão giá đang là vấn đề đau đầu của nhiều quốc gia trên toàn thế giới và người dân Indonesia cũng không phải ngoại lệ. Theo Nikkei Asia, người dân quốc gia này đặc biệt lo ngại về việc họ phải trả nhiều tiền hơn cho lương thực trên bàn ăn, đặc biệt là món mì ăn liền yêu thích của họ - mì Indomie.
Tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào cuối tháng 5, ông Airlangga Hartarto, Bộ trưởng điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia, dự đoán giá mì sẽ tăng. Ông đã bày tỏ quan ngại trong bối cảnh mất an ninh lúa mì toàn cầu bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng Ukraine.
Và điều này dẫn suy nghĩ của ông tới món mì quốc dân Indomie - một thương hiệu mì ăn liền cực kỳ nổi tiếng từ Indofood Sukses Makmur, một thành viên của Tập đoàn Salim.
Mì ăn liền là một món ăn được yêu thích ở Indonesia và Indomie là sản phẩm cung cấp nhiều loại hương vị cùng giá cả phải chăng. Thương hiệu mì quốc dân này đã chiếm được cảm tình của công chúng Indonesia.
Theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, nhu cầu mì ăn liền của Indonesia đạt 13,27 tỷ phần ăn vào năm 2021, chỉ đứng sau 43,99 tỷ phần ăn của Trung Quốc đại lục, bao gồm cả Hong Kong. Hầu hết mì được tiêu thụ ở Indonesia được cho là mì ăn liền từ Indofood, bao gồm cả gói Indomie, và giá của chúng liên quan trực tiếp đến sinh kế của người dân.
Với việc giá thực phẩm đang tăng lên, lúa mì, nguyên liệu cho mì Indomie, đã có giá 11.600 rupiah (gần 19.000 đồng)/kg hôm 8/6, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Mì Indomie được bán với giá trung bình khoảng 2.800 rupiah tại các cửa hàng, một mức giá phải chăng ở một quốc gia có mức lương trung bình hàng tháng tương đương khoảng 200 USD.
Theo Nikkei Asia, giá bán lẻ phản ánh đợt tăng thuế giá trị gia tăng trong tháng 4, nhưng Indofood vẫn giữ nguyên giá của sản phẩm. Với giá lúa mì leo thang, nhiều người tiêu dùng cũng như chính phủ của Tổng thống Joko Widodo đang theo dõi chặt chẽ giá cả của Indomie.
Indofood đang có doanh thu cao, đặc biệt là trong thời gian gần đây. Lợi nhuận ròng của tập đoàn đạt đỉnh vào năm 2021 so với kết quả của thập kỷ trước. Sức mạnh được thúc đẩy bởi doanh số bán hàng của Indomie, phục vụ người dân Indonesia.
Khi được hỏi về khả năng tăng giá, một quan chức Indofood cho biết công ty sẽ xem xét giá nguyên liệu và thành phần, nền kinh tế và sức mua của người tiêu dùng.
Theo một nhân viên văn phòng ở Jakarta, các gói Indomie sẽ buộc người dân Indonesia phải thay đổi hành vi. Ông nói: “Ngay cả khi giá chỉ tăng lên 500 rupiah, nhưng nếu bạn cộng chúng trong một tháng, con số sẽ gây bất ngờ. Bây giờ tôi ăn mì Indomie ba hoặc bốn lần/tuần, nhưng tôi sẽ phải thay đổi điều đó thành một hoặc hai lần/tuần."