'Lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức thấp và không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu tiêu dùng'
Trong báo cáo chiến lược nửa cuối năm 2022, CTCP Chứng khoán VNDirect cho biết lạm phát đã đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ ở nhiều quốc gia, trong đó xung đột giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá năng lượng và lương thực lên cao.
Tuy nhiên, lạm phát tăng mạnh ở châu Âu và châu Mỹ, trong khi các khu vực châu Á duy trì mức lạm phát thấp với khả năng phục hồi sau đại dịch.
Báo cáo dẫn dữ liệu của United Nations, dự báo lạm phát toàn cầu năm 2022 ở mức gần 6,7%, cao hơn nhiều so với lạm phát của Việt Nam với dự báo mức tăng CPI của Việt Nam vào năm 2022 ở mức 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
VNDirect cho rằng với việc tình hình địa chính trị không chịu nhiều ảnh hưởng cùng với sự phục hồi tốt của nền kinh tế, lạm phát ở Việt Nam có thể được duy trì ở mức thấp hơn các nước khác và không ảnh hưởng nhiều đến tiêu dùng của người dân. CPI bình quân của Việt Nam, theo VNDirect dự báo ở mức 3,5% cho năm 2022, thấp hơn so với mốc kế hoạch 4%.
Theo dữ liệu của VAMA, doanh số bán xe 5 tháng 2022 tại Việt Nam vẫn tăng 42%. Bên cạnh việc vấn đề logistic đang được khơi thông trong nửa đầu 2022 cũng như nhu cầu bị dồn nén sau đại dịch, VNDirect cho rằng nhu cầu đối với các sản phẩm không thiết yếu trên thị trường sẽ vẫn ở mức cao.
Theo khảo sát của Intage, mức tiêu thụ sản phẩm vẫn ở mức “Trung lập” - “Tăng nhẹ”, nằm trong thang điểm 3-4 trong khảo sát, điều này cũng cho thấy lạm phát chưa tác động nhiều đến tiêu dùng của người Việt.
Nói thêm về dự báo lạm phát thế giới, tổ chức này cho rằng lạm phát toàn cầu có khả năng đạt đỉnh sau đó hạ nhiệt vào nửa cuối năm 2022.
Giá một số mặt hàng quan trọng có dấu hiệu điều chỉnh như giá phân bón tại Bắc Mỹ, giá ô tô đã qua sử dụng tại Mỹ và giá cước vận tải biển. Giá phân bón giảm giúp giảm chi phí sản xuất nông sản, từ đó góp phần hạ giá lương thực toàn cầu. Giá xe cũ giảm cho thấy cuộc khủng hoảng thiếu xe đã bắt đầu hạ nhiệt.
Lưu ý rằng giá ô tô cũ chiếm 4% trong rổ chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ. Trong khi đó, giá cước vận tải biển từ Thượng Hải đến Los Angeles, New York và Rotterdam giảm trung bình 28% so với mức cao nhất năm ngoái, theo dữ liệu của LPL Financial. Điều này giúp giảm giá hàng hóa nhập khẩu, từ đó giảm lạm phát nhập khẩu ở nhiều nước trên thế giới.
VNDirect nhận thấy các yếu tố hỗ trợ khác giúp hạ nhiệt lạm phát toàn cầu. Thứ nhất,Trung Quốc nới lỏng giãn cách xã hội, đặc biệt là ở các trung tâm công nghiệp lớn, sẽ giúp cải thiện tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ hai, Chỉ số giá sản xuất (PPI) ở Trung Quốc liên tục giảm kể từ tháng 11/21. Bên cạnh đó, các nhà máy lọc dầu ở Mỹ tăng sản lượng lọc dầu, điều này sẽ giúp giảm giá xăng dầu trong nửa cuối năm 2022,.
Yếu tố thứ 4, Fed và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới quyết liệt tăng lãi suất điều hành và giảm quy mô bảng cân đối kế toán, giúp hạ nhiệt lạm phát.