|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia: 'Lạm phát chưa đạt đỉnh, năm 2023 sẽ cao hơn cả năm nay'

07:00 | 20/09/2022
Chia sẻ
TS. Cấn Văn Lực dự báo, năm nay lạm phát có thể ở mức 4% nhưng lạm phát năm tới có để từ 4 -4,5% do Việt Nam có độ trễ, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp hiện vẫn đang ở mức cao.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, lạm phát của Việt Nam vẫn chưa đạt đỉnh và sẽ tăng từ nay đến cuối năm vì chúng ta có độ trễ, thậm chí sang năm 2023 lạm phát sẽ còn cao hơn năm nay. 

Về tình hình lạm phát trên thế giới, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, đỉnh lạm phát sẽ tuỳ vào khu vực nhưng đa số là ở chiều hướng đã qua đỉnh.

"Châu Âu thì hơi khác, lạm phát tại khu vực này sẽ còn tăng, đặc biệt là do cuộc khủng hoảng năng lượng và khí đốt, còn với Mỹ, giá cả năng lượng và lương thực thực phẩm đã bắt đầu giảm nhưng một số chi phí khác vẫn còn tăng. Dù vậy, tôi đánh giá lạm phát Mỹ đã đâu đó qua đỉnh", TS. Cấn Văn Lực đánh giá.

 Chuyên gia kinh tế - tài chính Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: DNVN).

Dù vậy, chuyên gia Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam đang phục hồi tương đối tốt, những nguyên nhân khiến lạm phát của Việt Nam thấp hơn thế giới: Rổ hàng hoá tính CPI, điều hành bình ổn giá xăng dầu và chủ động nguồn cung lương thực, thực phẩm.

Để đánh giá về lạm phát, hầu hết hiện nay chỉ nhìn vào CPI thì con số mới cao đến vậy. Như chúng tôi nghiên cứu về lạm phát Mỹ, châu Âu còn có thêm 2 chỉ số cần lưu ý tới là Chỉ số giá sản xuất (PPI) và chỉ số lạm phát lõi.

PPI quan trọng không kém so với CPI còn chỉ số lạm phát lõi được tính sau khi trừ đi yếu tố năng lượng và lương thực thực phẩm. Việt Nam cũng có công bố các chỉ số này gọi là lạm phát cơ bản. Chỉ số này có thể giúp thấy rõ lạm phát là cho chi phí đẩy hay không.

Vị chuyên gia này cho rằng, tăng trưởng GDP năm nay được dự đoán có thể đạt 7,5% nhưng năm tới chỉ ở mức 6,5%. Năm nay lạm phát có thể ở mức 4% nhưng lạm phát năm tới có để từ 4 -4,5% do Việt Nam có độ trễ, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp hiện vẫn đang ở mức cao.

Năm tới, kinh tế thế giới toàn cầu chắc sẽ khó khăn hơn, điều này tác động đến xuất khẩu, vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, ông Lực dự báo.

TS. Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, lạm phát năm sau sẽ cao hơn năm nay. Do đó, việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô luôn là mục tiêu hàng đầu của Việt Nam. Đồng thời, TS. Ánh nhấn mạnh, sẽ không có chuyện hy sinh kiểm soát lạm phát để đổi lấy mục tiêu tăng trưởng.  

 TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 diễn ra ngày 19/9, TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM cho biết, việc lựa chọn chính sách tiền tệ và tài khóa trong trạng thái kinh tế lạm phát cao, rủi ro vĩ mô lớn, sản xuất đình trệ, là rất phức tạp, khó khăn thách thức. Nhà hoạch định chính sách đứng trước cả hai nguy cơ: lạm phát và suy thoái. Phần lớn các nước đã lựa chọn hy sinh tăng trưởng để kìm hãm lạm phát bằng các biện pháp thắt chặt, tăng lãi suất. Trong tình hình này, Việt Nam đã có lựa chọn khác, vừa thúc đẩy phục hồi, vừa ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo ông Thành, lựa chọn này có cơ sở là cuối năm 2021, vị thế tài khóa ngân sách của Việt Nam tương đối tốt, thâm hụt, tỷ lệ nợ công của Việt Nam ở mức khả quan. Do vậy, Việt Nam đã quyết định dựa nhiều vào chính sách tài khóa, ngay cả việc hỗ trợ 2% thuế giá trị gia tăng, nguồn tiền hỗ trợ đều nhờ ngân sách, chưa cần dùng đến chính sách tiền tệ. Việc lựa chọn này là hợp lý, do chính sách tài khóa khi ít gây áp lực cho lạm phát hơn, đồng thời cũng có dư địa lớn hơn so với chính sách tiền tệ. Việc tập trung vào chính sách tài khóa cũng đã tạo dư địa cho chính sách tiền tệ để ứng phó với những rủi ro, bất định.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, kết quả của lựa chọn chính xác này là khi tình hình quốc tế có biến động mạnh, tình hình tài khóa của nước ta vẫn vững vàng, thu ngân sách tám tháng đầu năm tăng cao, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện nới tài khóa, cẩn thận và linh hoạt với chính sách tiền tệ.

Về chính sách tiền tệ,  nguyên Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, con số tăng trưởng tín dụng 14% là hợp lý về cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Nếu nới lỏng hơn thì áp lực lên tỷ giá còn lớn, gây áp lực lên lãi suất, tạo nguy cơ chảy máu vốn. Tăng tín dụng của Việt Nam lên 14% không phải quá nới lỏng, nhưng cũng không phải thắt chặt, tỷ lệ tín dụng trên GDP là 124%, mức rất rủi ro, nhưng các hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã tăng vốn để đảm bảo an toàn.

Theo ông, cần vận dụng chính sách tiền tệ linh hoạt hơn nữa, tập trung vào sản xuất kinh doanh, hạn chế các lĩnh vực rủi ro, kiểm soát chặt chẽ phần đầu tư cho trung, dài hạn, để bổ sung cho một số lĩnh vực kinh doanh phù hợp tùy theo chu kỳ kinh doanh của ngành.

 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hạ An

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.