|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Gần như chắc chắn Fed sẽ tăng lãi suất mạnh vào ngày 21/9, Việt Nam cần chuẩn bị gì?

10:09 | 19/09/2022
Chia sẻ
Theo TS. Cấn Văn Lực, gần như chắc chắn trong kỳ tới (ngày 21/9), Fed sẽ tăng lãi suất ở mức 0,75 điểm %, đây là mức cao đối với giai đoạn hiện nay và gây tác động đến Việt Nam.

Sau tuyên bố chắc chắn sẽ tăng lãi suất của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cùng với chỉ số CPI tháng 8 của Mỹ tăng mạnh, nhà đầu tư gần như chắc chắn về khả năng tăng mạnh lãi suất trong cuộc họp ngày 21/9 tới.

Dự đoán tăng 0,75 điểm % là khả năng cao, thậm chí một số ý kiến còn cho rằng Fed có thể sẽ nâng lãi suất ở mức 1 điểm %.

Việc Fed tăng lãi suất đã ảnh hưởng tới nhiều nền kinh tế trong đó có Việt Nam, bởi tăng lãi suất cũng đồng nghĩa với việc đồng USD sẽ mạnh lên gây mất giá đồng tiền với các quốc gia.

Tại Việt Nam, Chính phủ cũng vừa có Hội nghị để bàn về việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có điều hành tỷ giá. Tuy nhiên, việc bị tác động từ cuộc họp ngày 21/9 tới đây của Fed là rất khó tránh khỏi.

 

Nếu tăng lãi suất 1 điểm %, Fed phải cực kỳ thận trọng

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, gần như chắc chắn trong kỳ tới (ngày 21/9), Fed sẽ tăng lãi suất ở mức 0,75 điểm %, đây là mức cao đối với giai đoạn hiện nay. 

"Nếu tăng mức 1% thì Fed phải hết sức cẩn thận. Bởi điều này sẽ tác động rất lớn đối với tâm lý nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp", ông Lực nói.

Mỗi lần Fed tăng lãi suất, tác động đều rất rõ. Trong năm nay, Fed đã tăng lãi suất 3 lần và mỗi lần tăng, ngoài khiến mặt bằng lãi suất tăng lên còn khiến đồng USD tăng, điều này khiến nghĩa vụ trả nợ của một số quốc gia cũng bị tăng lên và cuối cùng là hiện tượng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư gián tiếp. 

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: Hạ An).

"Rất may với Việt Nam, cả bốn tác động này về cơ bản ở mức độ tương đối vừa phải và vẫn trong tầm kiểm soát, lạm phát dự kiến ở mức dưới 4% trong năm nay, tỷ giá biến động ở mức vừa phải, xoay quanh mức 3% và nhà đầu tư vẫn có xu hướng mua ròng nhưng không nhiều, chỉ ở mức vài chục triệu USD, vẫn tốt hơn một số quốc gia bị bán ròng đến vài tỷ USD", TS. Lực cho hay.

Về tác động dịch chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, ông Lực cho biết, tại Việt Nam nhà đầu tư vẫn mua ròng trên thị trường chứng khoán dù không nhiều, khoảng vài chục triệu USD, song điều này vẫn tốt hơn rất nhiều so với các nước bị bán ròng vài tỷ USD.

Năm nay, vấn đề tỷ giá rất quan trọng và tương đối nóng, có những đồng tiền mất giá từ 18-20%, yen Nhật và euro là 2 đồng tiền lớn mất giá kỷ lục. VND hiện đang mất giá 2,8% so với USD, đây là thành quả nhờ sự kiểm soát tương đối tốt của chính sách tiền tệ. 

Theo ông Lực, nhiều chuyên gia lo ngại rằng, nếu cứ giữ mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay thì dòng vốn sẽ chạy ra khỏi Việt Nam, tuy nhiên điều này chưa chắc đã đúng, nó chỉ đúng khi vốn đầu tư phần lớn là đồng USD. Tiềm năng đầu tư vào Việt Nam cũng tương đối tốt, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả khi trừ đi yếu tố tỷ giá.

Dự báo về lãi suất những tháng cuối năm ông Lực cho rằng lãi suất vẫn đang có xu hướng tăng. Cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều sẽ tăng nhẹ. Vị chuyên gia này kiến nghị Chính phủ và NHNN tiếp tục chính sách điều hành như hiện nay, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp.

Tam giác bất khả thi

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính, 3 yếu tố trong tam giác bất khả thi đó là: Lãi suất - tỷ giá - dòng vốn. Việt Nam đang xuất siêu hàng hoá nhưng lại nhập siêu dịch vụ.

 TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính. (Ảnh: NVCC).

TS. Ánh phân tích, theo lý thuyết nếu không muốn ảnh hưởng đến dòng vốn thì cần tăng lãi suất, giảm bớt nguy cơ tỷ giá hoặc nếu không muốn tăng lãi suất mà vẫn muốn giữ dòng vốn thì phải giảm giá đồng tiền. Vậy nên gọi là tam giác bất khả thi, điều quan trọng là đánh giá tác động để lựa chọn giữa cái được và cái mất.

Hiện nay, áp lực tăng lãi suất của Việt Nam hiện nay rất lớn khi chịu tác động của cả việc Fed tăng lãi suất và đặc biệt là nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp tăng rất cao. 

Hiện nay, mất cân đối giữa huy động và cho vay của Việt Nam hiện nay lên tới 7% nên áp lực rất lớn", TS. Ánh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, TS. Vũ Đình Ánh cũng chỉ ra rằng, tỷ giá hiện nay không đóng vai trò cốt yếu trong việc việc kích thích xuất khẩu hay hạn chế nhập khẩu bởi xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn rất tốt, dù tỷ giá không giảm mạnh.

Hạ An