|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

‘Lạm phát là căn bệnh nan y của Fed, suy thoái là phương thuốc duy nhất'

14:38 | 15/09/2022
Chia sẻ
Các chuyên gia cảnh báo rủi ro Fed đẩy Mỹ vào suy thoái đang gia tăng sau khi báo cáo tháng 8 cho thấy lạm phát đã lan rộng và bám rễ sâu vào nền kinh tế.

 Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images/ Bankrate). 

Đau đớn hơn

Các nhà đầu tư Mỹ đang sợ hãi rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái khốc liệt sau khi có báo cáo lạm phát tháng 8 được công bố. Fed đã tăng lãi suất 4 lần trong năm nay nhằm nỗ lực hạ nhiệt giá tiêu dùng. Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố cuộc chiến chống lạm phát sẽ tiếp diễn dẫu điều này sẽ khiến người Mỹ sẽ phải chịu một số “nỗi đau”.

Nhưng bất chấp nỗ lực của ông Powell, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ vẫn nhích lên 0,1% so với tháng trước và cao hơn 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm hơn 1.200 điểm sau khi dữ liệu lạm phát được công bố. Các chuyên gia nhanh chóng ra cảnh báo rằng nguy cơ Fed đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái đang gia tăng.

 

Ông Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance nói với tờ Fortune: “Fed đang gặp rắc rối tồi tệ nhất trên thế giới”. Ông lập luận rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ buộc phải tăng lãi suất và thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán dẫu nền kinh tế chậm lại, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng rõ rệt.

Ông nói tiếp: “Rắc rối của Fed là về mặt chính trị, chứ không phải kinh tế - và cách chữa trị duy nhất cho cuộc khủng hoảng hiện tại là biện pháp không thể chấp nhận được trên phương diện chính trị. Chúng ta sẽ chứng kiến Fed bị chỉ trích dữ dội khi cố tình tạo ra kịch bản kinh tế mà trong đó tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt”.

Ông Zaccarelli lo ngại về những gì sẽ xảy ra tiếp theo: “Fed sẽ không chỉ gây ra suy thoái thông thường, mà là một cuộc suy thoái tồi tệ".  

Ông không phải chuyên gia duy nhất cảnh báo về “nỗi đau” mà Fed sắp gây ra. Bà Sinem Buber, nhà kinh tế hàng đầu của ZipRecruiter, nói với tạp chí Fortune rằng sự gia tăng của lạm phát lõi (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm) trong tháng 8 là điều đáng ngại.

“Trọng tâm thực sự của báo cáo – tâm điểm sự chú ý của Fed – và con số đồng nghĩa nhất với lạm phát tương lai – là lạm phát lõi. Và chỉ số CPI lõi tháng 8 của Mỹ tăng 0,6% so với tháng trước và 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có nghĩa là Fed có thể cần đẩy lãi suất lên cao hơn trong lâu dài hơn để khống chế lạm phát. Cũng có nghĩa là thị trường nhà đất và lao động sẽ phải chịu nỗi đau lớn hơn trong tương lai”.

 

Theo ông Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng của EY-Parthenon, sự gia tăng của lạm phát lõi nhiều khả năng sẽ khiến mục tiêu “hạ cánh mềm” – tức là khống chế được lạm phát mà không gây ra suy thoái – vượt quá tầm với của Fed.

Ông nói: “Lạm phát diễn ra trên diện rộng và động lượng tuần tự của CPI lõi cho thấy các động lực của lạm phát sẽ chỉ đi xuống rất chậm chạp. Trong chu kỳ thắt chặt chính sách của các ngân hàng trung ương toàn cầu, áp lực lạm phát cao và dai dẳng hơn sẽ làm gia tăng rủi ro nền kinh tế hạ cánh cứng”.

Tin tốt, tin xấu, tin rất xấu

Báo cáo CPI mới nhất không chỉ toàn điểm tiêu cực. Giá năng lượng tổng thể giảm 5% trong tháng 8, nhờ giá xăng hàng tháng hạ 10,6%. Giá ô tô cũ cũng sụt 0,1% sau khi tăng mạnh suốt đại dịch.

Nhưng nhìn chung, báo cáo tháng 8 không giống như kỳ vọng của Phố Wall. Khoảng 70% thành phần trong chỉ số CPI ghi nhận mức tăng hàng tháng chuẩn hóa theo năm hơn 4%. Và tuy giá xăng đã giảm đáng kể từ tháng 6 nhưng giới chuyên gia cảnh báo nhịp giảm này có thể không kéo dài.

Ông Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng của LPL Financial, lo ngại giá điện và khí tự nhiên leo thang vào mùa đông năm nay sẽ xóa sổ phần lớn số tiền người Mỹ tiết kiệm được trong vài tuần qua nhờ giá xăng đi xuống. Ông cũng chỉ ra đà tiến của giá lương thực là “mối lo ngày càng lớn”. Giá lương thực tháng 8 nhảy vọt 11,4% so với một năm trước, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1979.

Tuy nhiên, mối lo chính của các nhà kinh tế là lạm phát giá thuê nhà (shelter inflation). Giá thuê nhà tại Mỹ tháng 8 tăng 0,7% so với tháng liền kề, cao hơn 6,2% một năm trước. Tuy tốc độ tăng trên có vẻ không lớn, nhưng lại mang ý nghĩa quan trọng, bởi giá thuê nhà chiếm 32% tỷ trọng của CPI.

Ông Jay Hatfield, Giám đốc đầu tư của Infrastructure Capital Advisors nhận xét: “Lĩnh vực nhà ở rất quan trọng vì lĩnh vực này chiếm tới gần 1/3 chỉ số CPI và rất có thể sẽ là yếu tố thúc đẩy lạm phát trong lâu dài. Bởi giá thuê nhà thay đổi rất chậm chạp và đang được phản ánh vào CPI thông qua các cuộc khảo sát có độ trễ rất lớn trong việc báo cáo”.

 

Tuy nhiên, ông Hatfield tin rằng các chính sách tăng lãi suất và giảm quy mô bảng cân đối kế toán của Fed sẽ có hiệu quả trong việc kiểm soát lạm phát. Ông cho biết: “Chúng tôi tiếp tục lạc quan rằng lạm phát sẽ giảm dần trong 6 tháng tới. Việc Fed làm giảm 15% cung tiền sẽ tạo ra sức mạnh cho đồng USD. Lĩnh vực nhà ở sẽ chậm lại do lãi vay thế chấp tăng đáng kể”.

Các nhà kinh tế của Bank of America có quan điểm tiêu cực hơn và khẳng định phải tới năm 2024 thì giá cả mới ổn định thực sự. Và cũng giống nhiều đồng nghiệp ở Phố Wall, đội ngũ của Bank of America cũng lo ngại về sự gia tăng của nguy cơ nền kinh tế “hạ cánh cứng”.

Lưu ý hôm 13/9 của các nhà kinh tế viết: “Xét về tổng thể, số liệu CPI lõi mạnh mẽ cho thấy áp lực giá cơ bản vẫn đang đứng vững. Do đó chúng tôi cho rằng công việc của Fed mới chỉ ở trong giai đoạn đầu. Lạm phát lõi cao dai dẳng cùng với tăng trưởng việc làm vững chắc cho thấy Fed cần thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa và khiến rủi ro hạ cánh cứng gia tăng”.

Giang