|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tài sản ròng của các gia đình Mỹ sụt giảm 6.100 tỷ USD trong một quý chứng khoán lao dốc

17:05 | 14/09/2022
Chia sẻ
Theo báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong quý II/2022 giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình Mỹ đã giảm kỷ lục 6.100 tỷ USD xuống mức thấp nhất trong một năm khi đà giảm của thị trường chứng khoán vượt xa mức tăng giá trị bất động sản.

Tài sản ròng của các gia đình Mỹ sụt 6.100 tỷ USD trong quý II, đánh dấu hai quý đi xuống liên tiếp.

Báo cáo hàng quý của Fed cho thấy tính đến cuối tháng 6, giá trị tài sản ròng của hộ gia đình Mỹ đã giảm xuống còn 143.800 tỷ USD so với mức 149.900 tỷ USD tính đến cuối tháng Ba, ghi dấu quý giảm thứ hai liên tiếp. Tính đến tháng 6, giá trị tài sản của người dân Mỹ đã giảm hơn 6.200 tỷ USD so với mức kỷ lục 150.000 tỷ USD vào cuối năm 2021.

Giá trị tài sản sụt giảm là do cổ phiếu trong danh mục của các gia đình đã “bốc hơi” 7.700 tỷ USD giữa bối cảnh mối lo ngại về đà tăng của lạm phát và tiến trình tăng lãi suất liên tiếp của Fed khiến chứng khoán chìm trong sắc đỏ nửa đầu năm.

Mức tăng 1.400 tỷ USD của giá trị bất động sản đã không thể bù đắp tình trạng lao dốc của thị trường chứng khoán.

Tổng tài sản ròng của các gia đình Mỹ tại ngày cuối quý II năm nay là 143.763 tỷ USD.

Số liệu của Fed còn cho thấy trong quý II/2022, tổng nợ phi tài chính đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, sau khi tăng 8,3% trong quý I/2022. Tăng trưởng nợ hộ gia đình cũng giảm tốc xuống 7,4% so với mức 8,3% trong ba tháng đầu năm, trong khi nợ doanh nghiệp, nợ liên bang và nợ của chính quyền địa phương đều tăng.

Theo trang Marketwatch, sự suy giảm giá trị của cải có thể ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý người tiêu dùng và nền kinh tế. Mặc dù Fed không nhắm mục tiêu trực tiếp vào giá cổ phiếu, song các nhà hoạch định chính sách biết rõ rằng môi trường lãi suất cao hơn sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

Hơn nữa, tình trạng bốc hơi giá trị tài sản trên Phố Wall là một trong những vấn đề mà chính sách tiền tệ thắt chặt có thể gây ra đối với nền kinh tế. Các chuyên gia ước tính chi tiêu tiêu dùng có thể giảm hàng trăm tỷ USD trong năm tới do giá trị tài sản giảm sút.

Giá trị tài sản ròng được tính dựa trên giá trị của tất cả tài sản mà người dân Mỹ sở hữu như cổ phiếu, bất động sản, tài khoản ngân hàng trừ đi giá trị của các khoản nợ.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm sút trong 8 tháng đầu năm nay.

Trang Marketwatch lưu ý việc điều chỉnh giá trị tài sản hộ gia đình theo lạm phát là điều phù hợp, song báo cáo của Fed là các số liệu danh nghĩa và không điều chỉnh theo lạm phát.

Trong nửa đầu năm, giá trị tài sản thực tế của người Mỹ đã giảm 11.500 tỷ USD. Tuy nhiên, tài sản thực đã tăng khoảng 15.000 tỷ USD so với quý IV/2019, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, qua đó ghi nhận mức tăng hàng năm 4,5%.

Trà My