|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nguy cơ nền kinh tế Mỹ sắp dính đòn đau vì cuộc đình công của 90.000 lao động

12:41 | 12/09/2022
Chia sẻ
Hệ thống đường sắt chở hàng đã xuất hiện từ thế kỷ 19, và tới thế kỷ 21, Mỹ vẫn cần đường sắt để vận hành nền kinh tế một cách hiệu quả và trơn tru.

Một đoàn tàu chở hàng chạy qua sông Potomac, bang West Virginia, Mỹ, ngày 16/10/2012. (Ảnh: Reuters).

Khả năng xảy ra một cuộc đình công của những nghiệp đoàn đại diện cho hơn 90.000 lao động làm việc trong mạng lưới các tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa đang gây lo lắng cho hàng loạt doanh nghiệp trên cả nước Mỹ.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Giao thông Vận tải Mỹ, các nghiệp đoàn đã sẵn sàng đình công vào ngày 16/9 và động thái này có thể làm đình trệ gần 30% hoạt động vận chuyển hàng hóa trên toàn nước Mỹ.

Đây là điều mà nền kinh tế lớn nhất thế giới không hề mong muốn khi vẫn đang phải vật lộn để giải quyết vấn đề trong chuỗi cung ứng vài năm qua.

Một cuộc đình công kéo dài đồng nghĩa với việc giá kệ trong các cửa hàng sẽ trống rỗng, nhà máy đóng cửa tạm thời do thiếu đầu vào và nguồn cung thiếu hụt đẩy giá nhiều loại hàng hóa lên cao hơn.

Ông John Drake, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách vận tải, cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng tại Phòng Thương mại Mỹ (USCC) cho biết ngày càng có nhiều đơn vị vận chuyển và quản lý hệ thống đường sắt tỏ ra lo lắng. USCC đang kêu gọi hai bên đạt được một thỏa thuận nhằm tránh cuộc đình công đường sắt quốc gia đầu tiên sau 30 năm.

Các nghiệp đoàn và Liên đoàn Lao động Đường sắt Quốc gia Mỹ (NRLC), đại diện tham gia đàm phán, đã gặp gỡ những nhà hòa giải liên bang và Bộ trưởng Lao động Mỹ Martin Walsh ngày 7/9 để xem liệu họ có thể tiến gần hơn đến một thỏa thuận hay không, song nghiệp đoàn cho biết các bên vẫn chưa đạt được tiến triển nào.

Tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa nói chung đã phát triển mạnh trong thời kỳ đại dịch bùng phát. Do đó, vấn đề gây tranh cãi then chốt không phải là mức trả lương, mà là các quy định kiểm soát lịch trình của người lao động.

Nhiều kỹ sư và chỉ huy tàu đã được đưa vào nhóm làm việc hai người trên mỗi chuyến tàu và phải "trực" để báo cáo việc làm 7 ngày một tuần. Quy định này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống riêng của người lao động.

Tại Mỹ, lao động trong ngành đường sắt phải tuân theo bộ luật riêng, khác với luật áp dụng đối với hầu hết các doanh nghiệp. Do đó, Quốc hội Mỹ có thể phải hành động để nhanh chóng ngăn chặn cuộc đình công.

Hai tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ngăn chặn cuộc đình công với việc đưa ra một khoảng thời gian “hạ nhiệt” để một ủy ban do ông chỉ định xem xét các vấn đề tranh chấp trong quá trình đàm phán và đưa ra hướng giải quyết.

Khoảng thời gian “hạ nhiệt” kéo dài 60 ngày sẽ hết hạn vào ngày 16/9 và ông Biden sẽ không thể ngăn chặn một cuộc đình công vào thời điểm đó. Chỉ Quốc hội Mỹ mới có thể can thiệp thông qua việc áp đặt một thỏa thuận cho hai bên hoặc kéo dài thời gian “hạ nhiệt”.

Khi được hỏi về nguy cơ xảy ra một cuộc đình công, một quan chức Nhà Trắng đã không đề cập đến khả năng hành động của Quốc hội, thay vào đó nhấn mạnh sự cần thiết phải có một thỏa thuận để tránh tình trạng ngừng hoạt động của hệ thống đường sắt.

Trả lời hãng tin CNN, quan chức này nhận định sau đại dịch COVID-19 và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trong hai năm qua, giai đoạn hiện nay không phải là thời điểm để có thêm bất ổn và gián đoạn.

NRLC ước tính việc ngừng cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt sẽ khiến kinh tế Mỹ thiệt hại 2 tỷ USD/ngày. Tổ chức này không đặc biệt kêu gọi hành động từ Quốc hội, mà khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán.

Mỹ là nước có hệ thống đường sắt dài nhất thế giới.

Nguy cơ xảy ra đình công diễn ra trong bối cảnh một số doanh nghiệp điều hành đường sắt, bao gồm Union Pacific (UNP), Norfolk Southern (NSC) và Burlington Northern Santa Fe (BRKA) đã báo cáo doanh thu kỷ lục.

Theo các nghiệp đoàn, doanh nghiệp đường sắt đang kiếm lợi từ nhân viên và tạo ra điều kiện để thúc đẩy nhân viên nghỉ việc. Số lượng lao động làm việc trên những tuyến đường sắt lớn tại Mỹ đã giảm hơn 30.000 người, tương đương khoảng 20% lực lượng lao động, kể từ năm 2017.

Lãnh đạo nghiệp đoàn khẳng định thành viên của họ đang “háo hức” tiến hành đình công để giành được những thay đổi.

Trà My