|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tổng thống Putin: Mỹ muốn duy trì ưu thế toàn cầu, lấy châu Âu làm vật hy sinh

08:02 | 08/09/2022
Chia sẻ
Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc Mỹ muốn duy trì một “chế độ độc tài” đối với các vấn đề toàn cầu, khiến châu Âu và phần còn lại của thế giới gánh chịu hậu quả nặng nề.

"Châu Âu trở thành vật hy sinh của Mỹ"

Trong một bài phát biểu trước các lãnh đạo doanh nghiệp vùng viễn đông nước Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã liên tục chỉ trích phương Tây. Ông nói các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga sau khi nước này cuộc tấn công Ukraine là một “mối nguy” đối với toàn thế giới và đẩy châu Âu vào tình cảnh tồi tệ hơn.

“Các thách thức mới có quy mô toàn cầu đã thế chỗ đại dịch COVID-19, chúng gây ra mối đe doạ cho toàn thế giới. Tôi đang nói đến các biện pháp trừng phạt gấp rút và nỗ lực hung hăng trắng trợn của phương Tây nhằm áp đặt quan điểm của họ lên các quốc gia khác…”, ông Putin nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông mới đây.

“Mức độ phát triển công nghiệp, mức sống cao và sự ổn định kinh tế-xã hội ở châu Âu - tất cả những điều này đang bị thiêu rụi vì các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga”, ông chủ Điện Kremlin tiếp tục.

“Châu Âu đang bị Washington lợi dụng dưới danh nghĩa đoàn kết châu Âu - Đại Tây Dương. Trên thực tế, châu Âu đã trở thành vật hy sinh để Mỹ duy trì chế độ độc tài trong các vấn đề toàn cầu”, Tổng thống Nga nói thêm.

CNBC đã gửi yêu cầu bình luận đến Nhà Trắng và đang chờ phản hồi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông mới đây. (Ảnh: Reuters).

Theo nhận định của đông đảo công chúng, Nga có thể đã rất sửng sốt trước phản ứng quyết đoán và thống nhất của phương Tây sau cuộc tấn công vô cớ của nước này vào Ukraine. Mỹ và các đồng minh đã ban hành ngày càng nhiều biện pháp trừng phạt để gây sức ép lên nền kinh tế, các cá nhân và doanh nghiệp có liên quan đến Moscow.

Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng loại bỏ dần việc nhập khẩu năng lượng, đặc biệt là khí đốt tự nhiên, từ Nga. Dẫu vậy, đây vẫn là một việc làm khó khăn ngay tại thời điểm khối kinh tế chung phải đương đầu với lạm phát và cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Moscow có quan điểm tiêu cực về các lệnh trừng phạt và tìm cách giảm bớt hậu quả kinh tế bằng cách quay sang các đồng minh ở châu Á để bán dầu thô.

Hiện tại, Moscow cũng đã ngừng dòng chảy khí đốt qua đường ống Nord Stream 1. Chính quyền ông Putin nói các cấm vận khiến Nga không thể sửa chữa và vận hành đường ống bình thường. Tuy nhiên, Siemens Energy - công ty cung cấp dịch vụ và bảo trì thiết bị cho Nord Stream 1, phủ nhận khẳng định của Nga.

Ông Sergei Guriev - giáo sư kinh tế tại trường Sciences Po và từng là kinh tế trưởng tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), cho rằng Nga đang cố gắng thúc đẩy một “câu chuyện sai sự thật” về các lệnh trừng phạt.

“Putin xoay xở không tốt lắm…trong tháng 7 và 8 vừa qua, ông ta đã dùng khí đốt để tống tiền hòng cố gắng gây chia rẽ châu Âu…và [cố gắng] buộc người châu Âu phải dừng các lệnh trừng phạt”, vị giáo sư nhận định.

“Tội phạm chiến tranh”

Trong khi đó, tại Ukraine, chiến sự vẫn tiếp tục gây ra vô số đau khổ cho dân thường cũng như phá hoại cơ sở hạ tầng.

Tuần này, Liên Hợp Quốc cho biết trong giai đoạn 24/2 - 4/9, khoảng 13.917 thương vong dân sự đã được ghi nhận tại Ukraine với 5.718 người thiệt mạng và 8.199 người bị thương. Con số thực tế có thể cao hơn nhiều do khó khăn trong quá trình thu thập dữ liệu.

Hàng triệu người Ukraine đã phải tháo chạy khỏi đất nước. Phương Tây cáo buộc Nga phạm phải nhiều tội ác chiến tranh và liên tục nhắm vào các cơ sở hạ tầng dân sự, tuy nhiên Moscow phủ nhận điều này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi ông Putin là “tội phạm chiến tranh” nhưng gần đây đã từ chối coi Nga là nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. EU cáo buộc Nga đang “vũ khí hoá” nguồn cấp năng lượng để tống tiền khối này.

Nga hiện đang chiếm giữ một vùng lãnh thổ ở miền đông và miền nam Ukraine nhưng các lực lượng của Kiev gần đây đã tiến hành một cuộc phản công để giành lại những vùng đất đã mất.

Xoay trục về hướng đông

Tổng thống Putin - người đã bị nhiều nước phương Tây phát triển tẩy chay sau cuộc chiến, tin rằng tình hình hiện tại đang phần nào bị ảnh hưởng bởi “sự thống trị đang trên đà tuột dốc” của Mỹ trong nền chính trị và kinh tế toàn cầu.

Ông cho rằng phương Tây chần chừ không muốn công nhận “những thay đổi kiến tạo không thể đảo ngược” trong hệ thống chính trị toàn cầu và quan hệ quốc tế, đặc biệt là trục quay về phía đông.

Mô tả khu vực châu Á - Thái Bình Dương như một “thỏi nam châm” thu hút nguồn nhân lực, vốn và năng lực sản xuất, ông Putin nói “bất chấp thực tế này, các nước phương Tây đang cố gắng duy trì trật tự thế giới cũ vốn chỉ đem lại lợi ích cho họ”.

Tại diễn đàn, ông Putin thông báo rằng Trung Quốc sẽ thanh toán khí đốt mua từ Gazprom bằng cả đồng nội tệ và đồng ruble - báo hiệu một nỗ lực mới của hai nước nhằm lấn át đồng USD.

Tổng thống Nga bày tỏ: “Các nước phương Tây đã làm suy yếu các trụ cột quan trọng của hệ thống kinh tế thế giới mà họ cất công xây dựng trong nhiều thế kỷ”.

“Chúng tôi đã thấy nhiều nước mất niềm tin vào đồng USD, euro và bảng Anh…và đó là lý do tại sao chúng tôi đang từng bước ngừng sử dụng những đồng tiền xấu xa, không đáng tin cậy này”, ông chủ Điện Kremlin tiếp tục.

 

Bản thân Nga đang phải đối mặt với một mùa đông khó khăn khi ngân hàng trung ương dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ giảm sâu hơn trong quý III. GDP được dự đoán sẽ giảm 7% trong quý hiện tại, sau khi mất 4,3% trong quý II.

Ngân hàng trung ương Nga nhận định, nền kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm 2023. Tuy nhiên, phát biểu tại sự kiện, ông Putin nói Nga sẽ ghi nhận thặng dư ngân sách trong năm nay và GDP sẽ giảm “khoảng 2% hoặc hơn một chút”.

Khả Nhân