EU bấu víu vào khí hoá lỏng của Mỹ, tương lai cũng mong manh chẳng kém phụ thuộc vào khí đốt của Nga
Năm nay, Mỹ đã trở thành nhà xuất khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) lớn nhất thế giới khi cùng lúc các đơn hàng cho châu Âu và châu Á đều tăng đột biến.
Đến thời điểm hiện tại, 5 doanh nghiệp Mỹ đã ký hơn 20 thoả thuận dài hạn để cung ứng hơn 30 triệu tấn LNG/năm (tương đương 4 tỷ mét khối/ngày) cho các khách hàng đang thiếu thốn năng lượng ở cả hai châu lục.
Nỗ lực của EU nhằm loại bỏ khí đốt của Nga thậm chí còn trở nên cấp thiết hơn từ tuần trước, khi Gazprom thông báo rằng đường ống khí Nord Stream 1 sẽ đóng cửa vô thời hạn do các trục trặc kỹ thuật.
Sự tuyệt vọng đó đã dẫn đến việc châu Âu thay thế châu Á trở thành điểm đến hàng đầu của LNG Mỹ. Trên thực tế, châu Âu hiện nhận được khoảng 65% tổng lượng LNG xuất khẩu từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo oilprice.com, ngày càng nhiều chuyên gia lo ngại rằng sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ tồn tại một rủi ro khác. Đó là các nước trong khu vực có lẽ sẽ phải trông cậy vào Mẹ Thiên nhiên.
Nguồn cung LNG của Mỹ không dễ bị tổn thương như Nga, nhưng lại dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt. Mưa bão có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất và xuất khẩu năng lượng của Mỹ. Châu Âu thì không thể chịu thêm bất kỳ sự đứt gãy nào nữa.
Lỗ hổng ở Vịnh Mexico
Tại Mỹ, phần lớn các cơ sở xuất khẩu LNG - bao gồm các dự án đã được phê duyệt xây dựng - đều nằm dọc vùng duyên hải Vịnh Mexico. Khí đốt cung ứng cho các cơ sở này chủ yếu đến từ các kho trữ nội địa gần đó, từ New Mexico và Texas đến Louisiana.
Đây là khu vực dễ xảy ra bão. Khi các cơn bão ập đến, mọi thứ từ khai thác, hoá lỏng khí đốt đến vận chuyển đều có nguy cơ bị gián đoạn. Trong quá khứ, tình trạng này đã nhiều lần xảy ra.
Trong những năm gần đây, mưa bão đã ảnh hưởng đến thị trường LNG theo các mức độ khác nhau. Tác động trải dài trên toàn bộ chuỗi cung ứng, từ việc tạm ngừng hoạt động trong vài ngày đến dừng vận hành trong thời gian dài.
- TIN LIÊN QUAN
-
Châu Âu còn các lựa chọn thay thế nào nếu Nga thực sự cắt nguồn cung khí đốt? 04/09/2022 - 19:57
Bão Laura năm 2020 đã khiến cơ sở xuất khẩu LNG Sabine Pass của Cheniere phải gián đoạn khoảng hai tuần và một nhà máy có tên Cameron LNG phải tạm ngừng hoạt động hơn một tháng.
Năm ngoái, cơn bão Ida khiến sản lượng khí đốt ngoài khơi của Mỹ bị sụt giảm nghiêm trọng và kéo dài, oilprice.com liệt kê.
Đến tháng 6 năm nay, một vụ cháy tại cơ sở Freeport LNG ở Texas đã “đánh sập” gần 20% công suất xuất khẩu khí hoá lỏng của Mỹ, dẫn đến việc các thị trường LNG toàn cầu rơi vào thế khó.
Các nhà khoa học cho biết các trận cuồng phong ở Vịnh Mexico đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, gây ra lũ lớn và làm hỏng hóc cơ sở hạ tầng quan trọng.
Mặt khác, mặc dù Mỹ đang có nhiều dự án LNG nhất thế giới, nước này cũng đối mặt với những hạn chế riêng nếu công suất đường ống không cải thiện.
Tại lưu vực Appalachian, khu vực sản xuất khí đốt lớn nhất của Mỹ với sản lượng hơn 35 tỷ mét khối/ngày, các nhóm vận động môi trường đã liên tục buộc dừng hoặc làm chậm các dự án đường ống dẫn khí.
Điều đó khiến lưu vực Permian và Haynesville phải gánh vác phần lớn mức tăng trưởng xuất khẩu mà các nhà phân tích đã dự báo.
Các chuyên gia tại hãng tư vấn East Daley Capital ước tính, xuất khẩu LNG của Mỹ sẽ tăng từ mức hiện tại là gần 13 tỷ mét khối/ngày lên 26,3 tỷ mét khối/ngày vào năm 2030.
Để dự báo thành hiện thực, công suất khai thác tại Haynesville phải tăng thêm khoảng 2 - 4 tỷ mét khối/ngày trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030. Giả định là công suất của lưu vực Permian và các vùng khác vẫn tăng trưởng ổn định.
Mozambique cứu nguy
Dù có thể là khá muộn, nhưng EU đã bắt đầu nghiêm túc cân nhắc châu Phi như một nhà cung ứng năng lượng trong tương lai. Đáng chú ý nhất, Mozambique đang sắp sửa vận chuyển lô hàng LNG đầu tiên đến châu Âu ngay thời điểm trọng yếu này.
Tuy nhiên, kế hoạch này của các nước EU cũng chứa đầy những lổ hổng vì châu Phi là nơi thường xuyên xảy ra bất ổn chính trị. Dự án LNG ở Mozambique của đại gia dầu khí TotalEnergies (Pháp) đã phải tạm hoãn vì cuộc nổi dậy gần đây.
Cơ sở Coral-Sul FLNG của đại gia dầu khí Eni (Italy) hiện an toàn. Theo oilprice.com, khu phức hợp này có tổng vốn đầu tư khoảng 7 tỷ USD, có thể sản xuất khoảng 3,4 triệu tấn LNG.
Cùng với tập đoàn BP của Anh, Eni đã ký được thoả thuận mua toàn bộ sản lượng trong 20 năm từ dự án Coral-Sul. Dẫu vậy, chưa có gì chắc chắn rằng Eni thực sự sẽ đưa được khí đốt từ châu Phi đến châu Âu.
Trong khi đó, EU đã lên kế hoạch sẽ tăng gấp 5 lần hỗ trợ tài chính cho Mozambique để nước này đẩy lùi các cuộc binh biến gần những dự án khí đốt quan trọng. Theo đó, khoản tiền có thể lên tới 15 triệu USD.
Tại quê nhà, các nước châu Âu đang đẩy nhanh việc lấp đầy kho dự trữ khí đốt và hiện đi trước 9 tuần so với thời điểm này năm ngoái - ngay cả khi họ phải trả giá đắt để mua nhiên liệu.
Theo dữ liệu chính thức từ Cơ quan Hạ tầng Khí đốt châu Âu (GIE), mức dự trữ khí đốt của toàn khối hiện là hơn 70% - vượt mức trung bình 5 năm.
Đến ngày 1/11, EU có thể đạt 80% mục tiêu đề ra - đúng lúc nhu cầu cao điểm vào mùa đông. Đức - nền kinh tế lớn nhất khối, mong muốn lấp đầy khoảng 95% kho chứa và hiện đã đạt ngưỡng 85%.
Các nhà phân tích tại Standard Chartered cho rằng “vũ khí” khí đốt của Tổng thống Vladimir Putin sẽ bị giảm hiệu quả bởi kho dự trữ đang lớn dần của châu Âu. Lục địa già có thể trải qua mùa đông “một cách thoải mái” mà không có nguồn cung của Nga.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia khác thì điều này đang đặt ra hai vấn đề. Thứ nhất, châu Âu sẽ phải trả giá đắt đỏ để mua khí đốt: chi phí để làm đầy kho chứa ước tính lên tới hơn 51 tỷ USD, gấp 10 lần so với mức trung bình lịch sử.
Thứ hai, khối này không thể tồn tại chỉ bằng cách dự trữ khí đốt, trừ khi người tiêu dùng và doanh nghiệp phải giảm tiêu thụ năng lượng trong mùa đông.