|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hà cớ gì châu Âu muốn giới hạn giá điện ngay lúc này?

14:38 | 05/09/2022
Chia sẻ
Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị một kế hoạch khẩn cấp để tách giá điện khỏi ảnh hưởng của giá khí đốt, đồng thời đề ra các cải cách dài hạn nhằm đảm bảo giá điện bao gồm năng lượng tái tạo có chi phí rẻ hơn.

Ngày 9/9 tới, bộ trưởng năng lượng từ các nước thành viên EU sẽ nhóm họp để thảo luận đối sách nhằm giảm bớt gánh nặng do giá năng lượng gây ra cho người dân và doanh nghiệp. Đối với khối kinh tế chung, đây là một vấn đề rất cấp bách.

Trong năm qua, giá điện tại châu Âu đã tăng chóng mặt do giá khí đốt vọt lên mức cao kỷ lục. Động thái hạn chế dòng chảy khí đốt sang châu Âu của Nga là một phần nguyên nhân khiến chi phí năng lượng leo thang, Reuters cho hay.

 

Chính phủ các nước trong khu vực đã cáo buộc Nga sử dụng năng lượng làm công cụ để tống tiền châu Âu, hòng trả đũa cho các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt sau khi Moscow động binh với nước láng giềng Ukraine.

Tuy nhiên, tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga khẳng định họ là một nhà cung ứng đáng tin cậy, đồng thời cho rằng việc dòng chảy sụt giảm đáng kể là do các cấm vận của phương Tây cũng như vấn đề kỹ thuật.

Điều chỉnh hệ thống năng lượng của 27 quốc gia EU có thể là một quá trình phức tạp và lâu dài, vì hoạt động buôn bán điện năng giữa các thành viên trong khối đã mất hai thập kỷ để hình thành và củng cố, Reuters nhận định.

Song, các nhà hoạch định chính sách đang chạy đua để tìm ra một giải pháp ngắn hạn hơn. Dưới đây là lý do tại sao châu Âu đang xem xét các cải cách thị trường năng lượng và yêu cầu kèm theo nếu theo đuổi mục tiêu đó:

Tại sao giá điện lại liên kết với giá khí đốt?

Giá điện tại châu Âu được thiết lập theo một cơ chế gọi là hệ thống định giá cận biên, trong đó nhà máy điện có chi phí sản xuất cao nhất được yêu cầu đáp ứng nhu cầu trong một ngày bất kỳ sẽ đặt giá bán buôn điện cho tất cả các nhà cung cấp khác.

Điều này có nghĩa là các nhà máy điện chạy bằng khí đốt thường được quyết định giá bán buôn điện cho toàn thị trường, mặc dù năng lượng tái tạo có thể được sản xuất với chi phí thấp hơn nhiều.

Financial Times cho biết trong quá khứ, các nước thành viên EU rất ít khi đề nghị điều chỉnh hệ thống trên, ngay cả khi tỷ lệ năng lượng sạch trong hỗn hợp năng lượng đã tăng lên theo thời gian.

Chính quyền Brussels kỳ vọng rằng giá điện bán buôn cao hơn sẽ khuyến khích doanh nghiệp theo đuổi năng lượng xanh bằng cách gia tăng tỷ suất lợi nhuận cho các dự án năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, các nước như Tây Ban Nha cho rằng hệ thống định giá cận biên là không công bằng, vì năng lượng xanh với chi phí sản xuất rẻ hơn lại được bán cho người tiêu dùng với giá tương đương các nguồn điện dựa trên nhiên liệu hoá thạch đắt hơn.

Hiện, thị trường khí đốt toàn cầu đang chịu nút thắt về nguồn cung. Giá khí đốt sẽ càng tăng cao khi châu Âu phải cạnh tranh gay gắt với các nước châu Á để mua nguồn cung không có xuất xứ từ Nga.

Điều đó đã thúc đẩy giá điện sản xuất từ khí đốt ở châu Âu vọt lên, dẫn đến giá điện nói chung cao hơn. Mặt khác, thực trạng này cũng giúp Nga có thể cơ hội để gây sức ép với Brussels.

Chưa kể, sản lượng điện cũng đi xuống do các nhà máy điện hạt nhân của Pháp gặp trục trặc và hạn hán nghiêm trọng trên khắp châu Âu cản trở thuỷ điện cũng như việc vận chuyển than đá đến các cơ sở nhiệt điện.

Đầu tuần trước, giá điện cho năm 2023 của Đức đã chạm mức 1.050 euro/MWh - cao gấp 14 lần cùng kỳ năm trước.

Hơi nước bốc lên từ các tháp làm mát của nhà máy điện hạt nhân Electricite de France ở thị trấn Saint-Vulba gần Lyon, Pháp. (Ảnh: Reuters).

Đối sách nào để kiềm chế giá điện?

Ngày 29/8, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố rằng EU cần phải tách rời giá điện và giá khí đốt, tuy nhiên bà không đưa ra thêm chi tiết nào khác.

Cộng hoà Czech - nước hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, đang vân động các quốc gia khác ủng hộ việc áp trần giá đối với khí đốt được sử dụng để sản xuất điện năng.

Ý tưởng áp trần giá khí đốt hoặc giá điện từ lâu đã nhận được sự ủng hộ từ Tây Ban Nha, Bỉ và một số nước ngoài; và giờ Áo và Đức cũng đang lưỡng lự với đề xuất này. Pháp là một trong các nước ủng hộ việc tách giá điện khỏi giá khí đốt.

 

Ngoài ra, Thủ tướng Italy Mario Draghi cũng gợi ý về một phương án khác: giới hạn giá khí đốt nhập khẩu từ Nga. Những người chỉ trích cho rằng phương án này có nguy cơ khiến Nga cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu để trả đũa.

Một đề xuất khác là chính phủ sẽ áp trần giá khí đốt và trả cho các công ty khí đốt khoản chênh lệch giữa giá trần và giá trên thị trường (nếu giá này cao hơn mức trần).

Trước đây, các quốc gia như Đức và Hà Lan đã từng phản đối lựa chọn trên bởi quỹ công sẽ được sử dụng để trợ cấp nhiên liệu hoá thạch. Theo họ, ngân sách nhà nước nên được chi tiêu để thúc đẩy việc chuyển đổi sang năng lượng sạch và rẻ hơn.

Một số phương án khác bao gồm hạn chế sự tham gia của các nhà đầu cơ trên thị trường khí đốt hoặc thiết lập một thị trường song song cho năng lượng phát bằng khí đốt, tách biệt hoàn toàn với thị trường điện hiện tại.

Có rủi ro tiềm tàng nào hay không?

Giá khí đốt tăng cao tạo động lực tài chính để người dân và doanh nghiệp giảm tiêu thụ loại nhiên liệu này. Đây chính là điều mà chính phủ các nước châu Âu muốn khuyến khích để đảm bảo có đủ khí đốt vượt qua mùa đông lạnh giá.

Việc áp trần giá đối với khí đốt sẽ cản trở động lực nói trên. Chưa kể, giới chuyên gia cho rằng áp trần giá thậm chí có thể thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng nhiều khí đốt hơn - qua đó đảo ngược xu hướng chuyển đổi xanh trong khu vực.

Mặt khác, ACER - cơ quan quản lý năng lượng của EU, cảnh báo rằng nếu các cải cách diễn ra trong thời gian dài, cấu trúc của thị trường điện năng châu Âu sẽ đứt gãy hoặc thậm chí sụp đổ.

Trong một báo cáo hồi tháng 4, ACER cho biết thị trường điện bán buôn của EU hoạt động tương đối ổn định trong điều kiện bình thường, đảm bảo đủ nguồn cung điện năng cho các nước thành viên.

Thay vào đó, các nhà quản lý tại cơ quan này đề xuất một “cơ chế van xả tạm thời” có thể tự động giới hạn giá điện nếu giá tăng đột biến.

Một số nhà phân tích khác thì cho rằng thay vì vội vàng đại tu thị trường, chính phủ châu Âu nên hỗ trợ tài chính có mục tiêu cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi giá điện tăng cao.

Số khác thì phân vân rằng làm thế nào EU có thể áp trần giá điện phát bằng khí đốt mà không khiến các nhà máy này sản xuất ít điện hơn khi các nước trong khu vực thực sự cần nguồn cung năng lượng.

 

Học được gì từ thử nghiệm của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha?

Tháng 4 năm nay, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã đạt được một thoả thuận chính trị với EU, cho phép hai nước áp trần giá đối với khí đốt tự nhiên sử dụng trong các nhà máy phát điện, theo Financial Times.

Biện pháp trên có hiệu lực vào tháng 5 và sẽ kéo dài trong suốt một năm, giá trần sẽ duy trì ở mức trung bình là 48,8 euro/MWh.

Khoản trợ cấp 8,4 tỷ euro mà hai nước sẽ trả cho các nhà máy khí đốt sẽ được hoàn trả phần lớn bằng khoản phí mà chính phủ áp dụng đối với các nhà phân phối điện được hưởng lợi từ giá trần.

EU cho phép Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thử nghiệm vì hoá đơn tiền điện của hai nước này có liên quan chặt chẽ với giá năng lượng bán buôn nhưng ít liên kết với phần còn lại của khối kinh tế chung.

Brussels cũng lập luận rằng biện pháp mới sẽ hỗ trợ hai nước mở rộng sản lượng năng lượng tái tạo.

Tây Ban Nha cho biết, trong giai đoạn 15/6 - 15/8, giá điện đã rẻ hơn 49,85 euro/MWh so với mức giá thực tế nếu cơ chế áp trần giá không được áp dụng. Madrid nói chính sách này đã tiết kiệm cho người tiêu dùng khoảng 1,4 tỷ euro.

Song, mặt trái là lượng khí đốt được sử dụng để phát điện đã tăng từ mức 17% trong 7 tháng đầu năm 2021 lên 23% trong cùng kỳ năm nay.

Chính phủ Tây Ban Nha cho rằng tiêu thụ khí đốt đi lên là do hạn hán mùa hè đã làm ảnh hưởng đến các nhà máy thuỷ điện.

Trong kế hoạch mà EU đang cân nhắc, các tả giả nhấn mạnh rằng biện pháp của hai nước trên bán đảo Iberia sẽ không hiệu quả nếu áp dụng trên toàn châu Âu, một phần vì nó có thể kích thích nhu cầu khí đốt.

Yên Khê