|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga sắp không còn cơ hội lấy khí đốt ra đe doạ châu Âu?

21:36 | 02/09/2022
Chia sẻ
Các nhà phân tích năng lượng và chính trị nhận định, sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga dường như sắp sửa kết thúc. Điều đó đồng nghĩa rằng Moscow sắp không còn có thể dùng khí đốt để đe doạ châu Âu.

“Bây giờ hoặc không bao giờ”

Trong các tháng gần đây, lượng khí đốt mà Nga vận chuyển tới châu Âu đã sụt giảm mạnh. Nhiều năm qua, Nga là nhà cung ứng năng lượng lớn nhất của lục địa già.

Vấn đề trên đang làm sâu sắc thêm tranh chấp giữa Brussels và Moscow, đồng thời làm trầm trọng thêm nguy cơ suy thoái kinh tế và thiếu hụt khí đốt vào mùa đông tại châu Âu.

Nga khẳng định máy móc bị lỗi hoặc việc mang thiết bị bảo trì ở nước ngoài về chậm trễ là nguyên nhân khiến nguồn cung tụt mạnh.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách châu Âu coi việc làm của Moscow là một động thái chính trị nhằm gieo rắc bất ổn trên toàn khối EU cũng như nhằm bơm thổi giá năng lượng để Nga tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.

 

Agathe Demarais - người đứng đầu mảng dự báo toàn cầu tại The Economist Intelligence Unit (EIU), cho rằng Điện Kremlin đang cố vũ khí hoá nguồn cung khí đốt và “thiêu rụi các cầu nối” với châu Âu khi họ vẫn còn có thể.

CNBC đã hỏi rằng liệu ảnh hưởng của nguồn cung năng lượng Nga tại châu Âu có thể sắp kết thúc hay chưa. Bà Demarais trả lời: “Có. Trên thực tế, khả năng là rất cao”.

“Châu Âu đang hướng tới một mùa đông rất khó khăn, có lẽ họ cần hai năm để thay đổi nhà cung ứng năng lượng và nền kinh tế sẽ chịu rất nhiều đau đớn. Tuy nhiên, sau đó châu Âu sẽ trở nên độc lập hơn với nguồn cung đa dạng hơn”, bà Demarais nói.

“Và điều đó đồng nghĩa rằng vũ khí năng lượng của Nga sẽ trở thành đồ bỏ”, vị chuyên gia nói thêm với CNBC.

“Theo EIU, Nga biết rõ mọi thứ và đó là lý do tại sao nước này đang cắt đứt nguồn cung khí đốt hoặc gây ra bất ổn cho châu Âu, bởi họ biết nếu muốn gây thiệt hại cho châu Âu thì phải làm ngay bây giờ. Bây giờ hoặc không bao giờ”, bà Demarais giải thích.

(Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Chạy đua để lấp đầy kho chứa

Trước chiến sự tại Ukraine, hơn một nửa lượng khí đốt mà Đức tiêu thụ đến từ Nga. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện đang bám sát kế hoạch lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt dưới lòng đất để đảm bảo người dân có đủ nhiên liệu sưởi ấm trong mùa đông.

Các nhà phân tích cho biết Đức có thể nhanh chóng làm đầy kho dự trữ là nhờ một số yếu tố, gồm nguồn cung lớn mạnh từ Na Uy, Hà Lan và một số nước khác; nhu cầu giảm trong bối cảnh giá tăng cao; doanh nghiệp chuyển từ khí đốt sang các nhiên liệu khác; và chính phủ trợ cấp hơn 15 tỷ euro để bổ sung kho chứa.

Ước tính mới nhất từ hiệp hội công nghiệp điện lực BDEW cho thấy mức tiêu thụ khí đốt Nga của Đức đã giảm xuống còn 9,5% trong tháng 8. Con số này đã tụt mạnh so với mức 60% của cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu của BDEW cũng chỉ ra, Na Uy đã trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Đức, chiếm gần 38% lượng tiêu thụ vào tháng trước. Hà Lan xếp thứ hai, với tỷ trọng cung ứng là 24%.

Ông Ian Bremmer, giám đốc cấp cao tại hãng tư vấn địa chính trị Eurasia Group, cho biết qua Twitter hồi tuần trước rằng “ngày càng có vẻ như Đức có thể vượt qua được mùa đông năm nay mà không cần phải tiết kiệm năng lượng nghiêm ngặt”, ngay cả trong trường hợp xấu nhất là Nga “khoá vòi” hoàn toàn.

“Đó là tin rất tốt”, ông Bremmer nói. “Ảnh hưởng về năng lượng của Nga tại châu Âu đã gần đi đến hồi kết”.

 

“Mùa đông vẫn chưa đến”

Mặc dù EU sắp sửa hoàn thành các mục tiêu đề ra về việc lấp đầy kho dự trữ khí đốt, giới phân tích vẫn cảnh báo rằng chỉ mỗi biện pháp này là chưa đủ. Các nước có thể sẽ phải cắt giảm nhu cầu để đảm bảo nhiên liệu dự trữ đủ dùng trong suốt mùa đông.

Ông Jacob Mandel - nhà nghiên cứu cấp cao tại Aurora Energy Research, cho biết nếu EU làm đầy các kho chứa trước mùa đông, thì kịch bản khả quan nhất là lượng dự trữ này có thể đủ dùng trong khoảng ba tháng.

Vị chuyên gia lưu ý: “Rủi ro thiếu hụt nguồn cung vẫn còn. Một mùa đông lạnh giá đến bất ngờ có thể nhanh chóng làm hao hụt lượng nhiên liệu dự trữ nếu nhập khẩu không theo kịp tốc độ tiêu thụ”.

Dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Hạ tầng Khí đốt châu Âu (GIE) cho thấy các kho dự trữ khí đốt trên toàn khối EU hiện đã đầy khoảng 80%, trong khi riêng các kho chứa dưới lòng đất của Đức đã đầy hơn 84%.

Ông Andreas Schroeder - trưởng bộ phận phân tích năng lượng tại công ty tư vấn hàng hoá ICIS, cho rằng đòn bẩy năng lượng của Nga đối với châu Âu “vẫn chưa kết thúc, nhưng đang suy yếu dần, chậm nhưng chắc chắn đang giảm”.

Tuy nhiên, ông nói “châu Âu vẫn đang ở trong một môi trường giá cao kỷ lục, nên rõ ràng, việc dòng chảy khí đốt từ Nga sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến thị trường châu Âu…”

“Mùa đông vẫn chưa đến”, nhà phân tích này nhấn mạnh. “Nếu mùa đông không quá lạnh giá, chúng ta chỉ cần cắt giảm nhu cầu một chút, nhưng nếu thời tiết trở nên khắc nghiệt, nhu cầu buộc phải giảm mạnh. Tất cả phụ thuộc vào thời tiết”.

Yên Khê