|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Châu Âu sắp hết cách giải cứu người dân khỏi khủng hoảng năng lượng

20:44 | 29/08/2022
Chia sẻ
Khi cuộc xung đột Ukraine chưa thấy hồi kết và công cuộc chuyển đổi năng lượng vẫn đang được tiến hành, các chính phủ châu Âu không còn cách nào khác ngoài việc tung ra các gói cứu trợ khổng lồ cho người dân.

Theo The Guardian, mỗi cuộc khủng hoảng năng lượng đều có người thắng và kẻ thua. Những nhà xuất khẩu dầu và khí đốt lớn thường hưởng lợi trong khi những nước nhập khẩu nhiều lại chịu thiệt hại.

Câu chuyện này từng xảy ra khi giá dầu tăng mạnh vào năm 1973 và đang lặp lại vào ngày hôm nay. Arab Saudi và Nga là hai trong số những quốc gia hưởng lợi từ giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao. Doanh thu từ khí đốt của Điện Kremlin gấp từ hai đến ba lần so với thông thường trong nửa đầu năm 2022, giúp Nga có thể chống đỡ các lệnh trừng phạt kinh tế trong thời gian dài.

Theo công ty tư vấn Capital Economics, nếu giá khí đốt được giữ ở mức hiện tại, Moscow có thể tiếp tục xuất khẩu tới châu Âu với chỉ 20% công suất trong vòng từ hai đến ba năm hoặc cắt hoàn toàn nguồn cung trong cả một năm mà không gây tác động lớn cho nền kinh tế Nga.

Tương tự như vào những năm 1970, châu Âu vẫn đang nhập nhiều khí đốt và dầu hơn là bán ra. Vào cuối năm 1973, giá dầu đã tăng hơn 4 lần, nhưng giá khí đốt kể từ đầu năm 2021 đã tăng tới 15 lần.

Giá khí đốt đã lên tới gần 350 USD/MWh vào hôm 26/8, so với chỉ khoảng 20 USD vào đầu năm 2021.

Kể cả khi giả định rằng giá khí đốt sẽ hạ trong những tháng tiếp theo, tác động tới một số quốc gia châu Âu, chẳng hạn như Đức hay Italy sẽ còn tồi tệ hơn các cuộc khủng hoảng năng lượng vào năm những 1970.

Châu Âu đang chuẩn bị cho một mùa đông vô cùng khó khăn. Vấn đề không phải là liệu châu Âu có thể rơi vào suy thoái hay không, mà là suy thoái sẽ sâu tới mức nào và trong bao lâu.

Ngay cả Anh, với nguồn khí đốt và dầu từ Biển Bắc cũng như lĩnh vực năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao.

Vào năm 1973, giá dầu tăng nhanh đã khiến các chính phủ châu Âu không kịp trở tay. Tương tự, vào năm 2022, châu Âu đã nhanh chóng áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga, nhưng lại chậm trễ khi suy xét đến hậu quả kinh tế.

Ngày càng khó để nghĩ về sự sụp đổ ngay lập tức của nền kinh tế Nga, buộc Điện Kremlin phải ngừng cuộc xung đột tại Ukraine. Lịch sử cho thấy khả năng chịu đựng của Nga trong một quãng thời gian dài, và nhiều khả năng là lâu hơn so với phương Tây.

Cuộc bao vây thành phố Leningrad (St. Petersburg) từ năm 1941 đến năm 1944 là một ví dụ về tinh thần và sự cứng rắn phi thường của người dân Nga khi đối mặt với phong tỏa kéo dài gần 900 ngày. Vậy, sau 6 tháng (180 ngày) xung đột Ukraine, châu Âu đang có những lựa chọn nào?

Lựa chọn của châu Âu

Một lựa chọn, ít nhất về mặt lý thuyết, là không làm gì cả. Châu Âu có thể chấp nhận và chịu đựng giá năng lượng cao. Dần dần, giá nhiên liệu cao kỷ lục sẽ khiến sản lượng kinh tế đi xuống, kéo theo nhu cầu về dầu và khí đốt cũng giảm và kết quả làm hạ giá năng lượng.

Tuy nhiên, nếu để cơ chế thị trường hoạt động mà không có sự can thiệp, người dân châu Âu, đặc biệt những hộ gia đình nghèo nhất, sẽ rơi vào cảnh khốn cùng. 

Tỷ lệ lạm phát tại các quốc gia châu Âu tiếp tục tăng vào tháng 7.

Lựa chọn thứ hai là đón nhận cơ hội từ cuộc khủng hoảng năng lượng để chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch. Cách tiếp cận theo kiểu “không nên lãng phí một cuộc khủng hoảng” này cũng có những điểm tốt.

Các chính phủ phương Tây đã tham gia thỏa thuận nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không, và cuộc khủng hoảng năng lượng đang tạo ra cơ hội tăng tốc quá trình chuyển đổi này. Thay vì dựa vào khí đốt của Nga, các quốc gia phương Tây có thể tự xây dựng nên những loại năng lượng xanh hơn, sạch hơn.

Tuy nhiên, quá trình này vẫn đang diễn ra và sẽ cần nhiều thời gian. Việc châu Âu thoát khỏi khí đốt của Nga ngay trong mùa đông này là chuyện không thể. 

Dầu và khí đốt đang chiếm hơn 50% tỷ trọng năng lượng của EU. Việc chuyển dịch sang những năng lượng khác như tái tạo hay thủy điện sẽ cần rất nhiều thời gian.

Giá khí đốt đã tăng mạnh kể từ cuối tuần trước sau khi Gazprom thông báo về một đợt bảo trì đường ống Nord Stream 1 ngoài kế hoạch. Có lo sợ rằng nguồn cung khí đốt sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của châu Âu.

Theo RT, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev còn đưa ra một dự báo có phần kinh hoàng với châu Âu khi cho rằng giá khí đốt sẽ chạm ngưỡng 5.000 EUR/1.000 m3 vào cuối năm nay. Hiện giá khí đốt tại châu Âu đã có lúc lên tới 3.500 EUR/1.000 m3 (khoảng 330 EUR/MWh).

Trước khi từ chức Thủ tướng Italy, ông Mario Draghi đã gợi ý cách thức để thoát khỏi khủng hoảng: thành lập một liên minh những người mua năng lượng. Ý tưởng này từng được ông Draghi đưa ra vào tháng 5 nhằm đối phó với giá dầu cao thông qua việc đặt ra giá trần cho nhiên liệu.

Tuy nhiên, liên minh này vẫn dậm chân tại chỗ. Nguyên nhân là bởi một tổ chức của người mua dầu hay khí đốt sẽ yêu cầu sự đoàn kết của các quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn trên toàn cầu. Ông Draghi thậm chí còn không thể tìm ra sự đồng lòng ngay trong chính EU, chứ chưa bàn tới Trung Quốc hay Ấn Độ.

Một con đường khác để hạ giá năng lượng là tìm cách kết thúc cuộc xung đột Ukraine. Giá năng lượng được kỳ vọng sẽ tiếp tục cao trong suốt năm 2023 bởi thị trường không tin xung đột sẽ kết thúc sớm.

Cả hai phe đều đang rơi vào một cuộc chiến tiêu hao. Nga đã đạt một số thành công nhưng với tốc độ rất chậm, trong khi Ukraine vẫn liên tục nhận được vũ khí từ phương Tây.

Không hề có bất cứ nỗ lực ngoại giao nghiêm túc nào được đưa ra nhằm kết thúc chiến sự, đặc biệt bởi phương Tây tin rằng bất cứ kết quả nào ngoài sự thất bại hoàn toàn của Nga sẽ chỉ khuyến khích những xung đột trong tương lai.

Cách tiếp cận này sẽ phải trả giá bằng kinh tế. Tuần trước, Thủ tướng Boris Johnson phải nhắc nhở người dân Anh về thời kỳ khó khăn trước mắt. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã cảnh báo người dân Pháp về “hồi kết của sự dư giả”. 

Biểu ngữ yêu cầu hạ hóa đơn năng lượng trong cuộc biểu tình hồi đầu tháng 8 tại Anh. (Ảnh: Vuk Valcic/ZUMA Press Wire). 

Khi không còn lựa chọn nào khác, các chính phủ châu Âu sẽ phải tung ra gói hỗ trợ cho người tiêu dùng. Chính phủ có thể giúp đỡ những người không khá giả, hoặc cũng có thể hạ thuế hay đặt ra mức giá trần cho điện năng như tại Pháp.

Tuy nhiên, châu Âu chắc chắn sẽ phải tiếp tục hỗ trợ người dân ở một quy mô khổng lồ. 

Minh Quang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.