|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu dầu khí nổi sóng

15:25 | 18/12/2024
Chia sẻ
Nhóm cổ phiếu ngành dầu khí có xu hướng giảm trong khoảng 6 tháng gần đây. Tín hiệu khởi sắc xuất hiện trong phiên 18/12 khi các đại diện tăng giá mạnh, trong đó PVB tăng trần.

Kết phiên 18/12, hầu hết các cổ phiếu dầu khí đều tăng. Mức tăng tốt nhất ở PVB (10%), PVC (6,8%), POS (4,6%), TOS (4,1%), PVS (3%), PVD (3%)...

Giao dịch tại nhóm dầu khí trở nên sôi động trong bối cảnh thị trường vẫn thiếu vắng thanh khoản (giá trị giao dịch trên HOSE phiên 18/12 đạt khoảng 12.700 tỷ đồng). Các mã ghi nhận khối lượng khớp lệnh cao nhất kể đến BSR, PVD, PVS đều trên 3 triệu đơn vị, kế đến PVC gần 1,5 triệu cp, PVB, PLX, OIL trên dưới 800.000 đơn vị. 

Kết quả giao dịch phiên 18/12 của một số cổ phiếu dầu khí. (Nguồn: SSI)

Theo dõi diễn biến giá của các mã vừa kể trên trong nhóm dầu khí, phiên tăng xuất hiện sau xu hướng giảm hoặc đi ngang kéo dài khoảng nửa năm qua.

Một số trường hợp khác biệt kể đến BSR, khi tiếp diễn đà tăng sau cú rơi sâu về vùng 19.000 đồng/cp vào giữa tháng 11. Đà tăng ngắn hạn của BSR cũng có thể hưởng ứng phần nào việc Lọc hóa dầu Bình Sơn vừa được HOSE chấp thuận niêm yết (đưa cổ phiếu lên sàn vào 17/1/2025).

Với PV Coating (Mã: PVB), thông tin quan trọng mới đây là doanh nghiệp này đã ký hợp đồng Bọc ống - Dự án EPC Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn với Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC - Mã: PVS). Giá trị hợp đồng gần 426 tỷ đồng, thời hạn 282 ngày.

Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn. (Nguồn: PVN).

Tại Chương trình “Khớp lệnh: Tài chính thịnh vượng” mới đây, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu của CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS), đã đưa ra nhận định đối với ngành dầu khí.

Ông đánh giá ngành dầu khí gặp thách thức từ quốc tế nhưng rất lạc quan về nội địa. Nguyên do là xu hướng về mặt giá dầu với 4 phân khúc chịu áp lực giảm từ quốc tế, song với kế hoạch đầu tư thượng nguồn cũng như biến động trong nước lại tạo ra nhiều cơ hội mang tính chu kỳ cho ngành.

Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của nhóm dầu khí đã ghi nhận 19.100 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. VPBankS dự phóng năm 2024 toàn ngành sẽ đạt lợi nhuận khoảng 25.300 tỷ đồng, giảm 20% so với năm trước.

Điều đó đồng nghĩa là quý IV kết quả tương đối tích cực. Sang năm 2025, lợi nhuận ngành được dự báo sẽ tăng khoảng 21% so với 2024. Do vậy, ông Dương cho rằng có rất nhiều cơ hội đối với ngành dầu khí trong năm tới.

 Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu của Chứng khoán VPBank đưa nhận định về ngành dầu khí. (Ảnh chụp màn hình). 

Cổ phiếu ngành dầu khí có sự tương quan nhất định với giá dầu. Các báo cáo gần nhất của tổ chức quốc tế cho thấy, giá dầu trung bình 6 tháng được dự báo 72 USD/thùng với ước lượng cầu trên dưới 103 triệu thùng/ngày. Mức này giảm do lo ngại kinh tế Trung Quốc chưa phục hồi chưa tính đến chiến tranh thương mại.

Nguồn cung dự kiến khoảng 102,7 triệu thùng/ngày, chênh lệch cung cầu giảm do cầu giảm từ Trung Quốc và cung tăng từ OPEC+. Gần đây vừa xuất thêm một số quan ngại nguồn cung từ Mỹ tạo áp lực lên giá dầu.

Yếu tố thứ hai, thị trường khí đốt đang ở trong tình trạng khó dự báo, do có hai nguồn khí đốt từ Mỹ và Nga sang EU. Điều này dễ dẫn đến mất cân bằng nguồn cung và dẫn đến việc giá rơi vào tình trạng khó dự báo.

Thứ ba, về nhu cầu về đầu tư thượng nguồn, các giàn khoan đạt đỉnh vào quý II. Ở khu vực Đông Nam Á, giá thuê giàn đạt đỉnh 140.000 USD/ngày, hiện tại đã điều chỉnh xuống 90.000 - 100.000 USD/ngày. Với mức như vậy, dù đã điều chỉnh nhưng vẫn tương đối cao, tỷ lệ hoạt động cũng ở mức 95 - 98%. Một số tổ chức như J.P Morgan đưa ra dự báo tích cực.

Thứ 4, biên lọc dầu có kỳ suy giảm suốt từ cuối 2023 đến nay với crack spread ở thị trường Mỹ chỉ dao động 12 - 15 USD/thùng. Mức này chỉ bằng 1/3 so với tháng 10 của 2023. Ông Dương đánh giá crack spread đã giảm trong một năm qua và tạo đáy, tại Singapore trong quý III đã phục hồi.

Theo Giám đốc VPBankS, những khó khăn của ngành dầu khí đã phản ánh vào giá và tạo cơ hội đầu tư mang tính chất chu kỳ cho toàn ngành trong giai đoạn 2025.

Có hai động lực chính từ trong nước cho ngành dầu khí trong năm 2025 là nhu cầu thượng nguồn về mở rộng hoạt động khai thác dầu khí và tăng trưởng kinh tế tạo nhu cầu cao về hạ nguồn (khí đốt, đạm…). Do vậy, có nhiều cơ hội đầu tư mở ra như PV Gas (Mã: GAS), PVS, PV Drilling (Mã: PVD)…

Xuân Nghĩa