|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao chính phủ châu Âu không nên trợ giá dù nhiên liệu đang đắt kỷ lục?

19:34 | 26/08/2022
Chia sẻ
Đặt giá trần sẽ được lòng cử tri, nhưng giải pháp này cũng khiến người dân không còn cảm thấy cần phải hạn chế tiêu thụ năng lượng.

TheoThe Economist, có hai câu hỏi sẽ quyết định bầu không khí chính trị tại châu Âu trong mùa đông này: “Giá năng lượng sẽ tăng tới mức nào?” và “Chính phủ sẽ làm gì để bảo vệ người dân?”.

Nhằm bảo vệ người dân khỏi cơn bão năng lượng, các chính trị gia tại Pháp, Tây Ban Nha và một số quốc gia khác đã hạ giá hoặc đặt giá trần cho khí đốt và điện.

Giá khí đốt vẫn đang tiếp tục tăng, chạm ngưỡng 320 USD/MWh, từ mức dưới khoảng 40 USD vào cùng kỳ năm ngoái. Các chỉ số kinh tế châu Âu đều đang chuyển sang hướng tiêu cực, một phần vì giá nhiên liệu cao.

Giá khí đốt giao sau một tháng đã tăng hơn 7 lần chỉ trong một năm.

Các chính trị gia muốn bảo vệ cử tri khỏi các hóa đơn đắt đỏ, nhưng cũng cần cắt giảm tiêu thụ năng lượng để tránh cảnh mất điện và hạn chế dòng tiền chảy đến Nga.

Không nên đặt giá trần

Cho đến gần đây, các nhà kinh tế đã cho rằng giá trần không có nhiều ảnh hưởng tới mức tiêu thụ xăng, và tác động tới mức tiêu thụ khí đốt là không rõ ràng. 

Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng người tiêu dùng phần lớn không phản ứng với giá xăng cao. Người dân vẫn phải lái xe đi làm ngay cả khi xăng đắt đỏ.Trong những nghiên cứu này, trần giá sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn đối với mức tiêu thụ năng lượng.

Tuy nhiên, một loạt nghiên cứu mới đã lật ngược quan điểm trước đây, cho thấy giá cả thực sự quan trọng.

Kết quả khác biệt do sự thay đổi trong phương pháp nghiên cứu. Các nghiên cứu trước đây sử dụng dữ liệu tổng hợp, chẳng hạn như doanh số hàng tuần và giá cả trong một khu vực, chứ không phải nhu cầu của từng người tiêu dùng hay cách lái xe.

Thông tin quan trong sẽ mất đi trong quá trình tổng hợp dữ liệu. Giá trung bình hàng tuần tăng nhẹ có thể che dấu đi sự sụt giảm vào đầu tuần. Sự sụt giảm vào đầu tuần có thể kích thích người tiêu dùng sử dụng nhiều nhiên liệu hơn, và phân tích tổng hợp có thể đưa đến kết luận rằng giá cao hơn dẫn đến tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn.

Giá khí đốt giảm sâu nhưng cách tổng hợp trung bình sẽ không cho thấy mức độ sụt giảm, còn nếu lấy ngày đầu tiên hay cuối cùng thì không thể hiện được toàn bộ biến động giá trong tuần. 

Để đánh giá phản ứng của người tiêu dùng với giá xăng, ông Laurence Levin của công ty thanh toán Visa và các đồng tác giả đã xem xét giao dịch thẻ hàng ngày từ 243 thành phố của Mỹ vào cuối những năm 2000.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy khi giá xăng dầu tăng 10%, lượng tiêu thụ nhiên liệu sẽ giảm 3%. Họ cũng nhận thấy rằng, nếu sử dụng dữ liệu tổng hợp, thì mức sụt giảm trong tiêu thụ sẽ nhỏ hơn nhiều.

Ông Christopher Knittel thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và ông Shinsuke Tanaka thuộc Đại học Tufts thậm chí còn sử dụng dữ liệu chi tiết hơn, khi xem xét số liệu từ một ứng dụng giúp lái xe tiết kiệm tại Nhật Bản.

Kết quả cho thấy người lái xe không chỉ phản ứng với giá nhiên liệu cao bằng cách hạn chế đi lại, mà còn lái xe cẩn thận hơn để tiết kiệm xăng.

Tương tự như xăng, khí đốt cũng là một mặt hàng thiết yếu. Các nghiên cứu mới cũng phát hiện rằng người tiêu dùng sẽ cắt giảm tiêu thụ khi giá cao hơn. Ông Maximilian Auffhammer của Đại học California, ông Berkeley và Edward Rubin của Đại học Oregon đã nghiên cứu 300 triệu hóa đơn năng lượng ở bang California.

Tại bang này, khí đốt được cung cấp bởi hai công ty khác nhau, sử dụng các cơ chế điều chỉnh giá khác nhau, giúp các nhà nghiên cứu có cơ sở để so sánh.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng giá khí đốt tăng 10% dẫn đến mức tiêu thụ trung bình giảm 2%. Tuy nhiên, trong những tháng mùa hè, hầu như không có nhiều phản ứng với giá cả, còn vào mùa đông, các hộ gia đình đã cắt giảm tới 4% khí đốt.

Thay đổi về giá cả tại bang California là rất nhỏ so với biến động mà Châu Âu đang phải đối mặt. Cách các hộ gia đình phản ứng với những cú sốc giá lớn hiếm khi được nghiên cứu, do thiếu dữ liệu thực tế.

Tuy nhiên, cũng có một số ngoại lệ như tại Ukraine vào năm 2015. Sau khi trợ cấp bị cắt, giá khí đốt tại đây đã tăng gấp đôi. Bà Anna Alberini của Đại học Maryland và các đồng tác giả phát hiện rằng, với các hộ gia đình không đầu tư vào hệ thống sưởi và vật liệu cách nhiệt, thì mức tăng sốc này dẫn đến tiêu thụ chỉ giảm 16%.

Chính sách hiệu quả hơn

Các chính sách để giúp hộ gia đình đối phó với giá năng lượng cao đã được nghiên cứu. Và các kết quả không ủng hộ chính sách giá trần năng lượng của giới chính trị gia.

Tại bang California, chương trình hỗ trợ 20% hóa đơn khí đốt cho các hộ gia đình nghèo đã khiến mức tiêu thụ của những gia đình này tăng lên 8,5% trong vòng 18 tháng.

Ukraine đã tìm ra một cách tốt hơn để giúp đỡ những người gặp khó khăn. Những hộ gia đình nghèo có thể đăng ký để nhận trợ cấp bằng tiền mặt. Vì việc trợ cấp không ảnh hưởng trực tiếp tới hóa đơn khí đốt, nên người dân vẫn có động lực để tiết kiệm nhiên liệu.

Một lựa chọn khác là giá năng lượng theo bậc. Một bang của Áo gần đây đã đưa ra chương trình khuyến mãi với những hộ gia đình chỉ tiêu thụ 80% lượng khí đốt so với thông thường.

Các hộ gia đình không phải là những người tiêu thụ khí đốt duy nhất. Khi xung đột mới bắt đầu, các nhà sản xuất và nông dân đã phản đối những động thái có thể gây rủi ro với nguồn cung khí đốt.

Nhưng bằng chứng ban đầu từ ngành công nghiệp sữa và phân bón của Đức cho thấy rằng ngay cả những người tiêu dùng lớn cũng phản ứng mạnh với giá cả. 

Nông dân đã chuyển từ sưởi ấm bằng khí đốt sang dầu. Amoniac, nguyên liệu phân bón được tổng hợp từ khí đốt, hiện đang được nhập khẩu thay vì sản xuất trong nước.

Theo thời gian, các hộ gia đình và ngành công nghiệp sẽ thích ứng tốt hơn với giá cả cao, có nghĩa là cứ mỗi tháng trôi qua, nhu cầu về khí đốt sẽ giảm xuống. Vì vậy, giá trần không phải là một biện pháp hiệu quả để hạ mức tiêu thụ.

Do thiếu nhiên liệu vào những năm 1970, một số trạm xăng tại Mỹ đã giới hạn mỗi khách hàng chỉ được mua 10 gallon (38 lít xăng). (Ảnh: Getty Images).

Mặc dù giữ mức giá nhiên liệu cao có thể không được sự ủng hộ ban đầu, nhưng về lâu dài, các chính trị gia sẽ hưởng lợi từ quyết định này. Nếu doanh nghiệp và hộ gia đình không giảm mức tiêu thụ khí đốt, sẽ đến lúc chính phủ buộc phải hạn chế tiêu thụ khí đốt.

Và chẳng có chính trị gia nào muốn mình trở thành người đặt bút ký quyết định hạn chế tiêu thụ khí đốt cả. 

Minh Quang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.