|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao nền kinh tế Nga tươi sáng vượt xa kỳ vọng?

16:29 | 25/08/2022
Chia sẻ
Tuy phải hứng chịu hàng chục lệnh trừng phạt, nền kinh tế Nga vẫn tiếp tục vượt xa kỳ vọng của các chuyên gia quốc tế cũng như chính Moscow. Tờ Economist đã chỉ ra ba lý do.

Những ngày đầu khi Nga mở chiến dịch quân sự, đồng ruble mất 1/4 giá trị so với USD, hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài rút đi, thị trường chứng khoán sụp đổ, buộc các cơ quan quản lý phải đình chỉ giao dịch.

Nhà Trắng từng hả hê tuyên bố: “Các chuyên gia dự đoán GDP của Nga sẽ giảm tới 15% trong năm nay, xóa sổ thành quả kinh tế trong 15 năm qua”. Thế nhưng, các cơ quan thống kê từ cả Nga lẫn phương Tây đều phải liên tục điều chỉnh dự đoán theo hướng có lợi cho Moscow.    

Theo RT, vào tháng 3, các nhà phân tích đã dự đoán mức giảm 10% GDP trong quý II, trong khi dữ liệu mới nhất từ Cơ quan thống kê Nga (Rosstat) cho thấy GDP chỉ thu hẹp 4%.

Nền kinh tế Nga suy thoái thấp hơn so với đại dịch COVID.

Bloomberg cho biết: “Các dự báo về sự sụp đổ kinh tế của Nga đã sai lầm. GDP trong quý II chỉ sụt giảm 4% chứ không phải mức thảm hại [như nhiều dự đoán]".

Đến cả Moscow có lẽ cũng không ngờ rằng nền kinh tế của mình lại mạnh mẽ đến vậy. "Gần đây nhất vào tháng 5, Bộ Tài chính của Nga đã dự báo mức suy giảm 12% trong năm 2022 do các lệnh trừng phạt”, Bloomberg cho biết.

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng triển vọng GDP của Nga trong năm nay thêm 2,5 điểm phần trăm, dự báo nền kinh tế sẽ chỉ còn suy giảm 6%.  

Còn tốt hơn cả dự báo lạc quan nhất

Những phân tích của The Economist cho thấy nền kinh tế Nga đang vận hành còn tốt hơn cả những dự báo lạc quan nhất.

Ví dụ, “Chỉ số hoạt động hiện tại” được tổng hợp bởi ngân hàng Goldman Sachs đã sụt giảm đáng kể vào tháng 3 và tháng 4, ở quy mô tương đương với Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 hay cuộc xung đột Ukraine năm 2014. Tuy nhiên, chỉ số này đã nhanh chóng phục hồi vào những tháng tiếp theo.

Hoạt động kinh tế của Nga đang phục hồi nhanh chóng.

Các thước đo khác cũng kể một câu chuyện tương tự về một cuộc suy thoái, nhưng không quá sâu. Vào tháng 6, sản lượng công nghiệp của Nga đã giảm 1,8% so với một năm trước đó, theo JPMorgan.

Chỉ số về tăng trưởng khu vực dịch vụ, được tổng hợp bằng cách gửi khảo sát cho các nhà quả lý, cho thấy tác động khủng hoảng lần này nhẹ hơn những lần trước.

Mức tiêu thụ điện dường như đang tăng trở lại sau khi sụt giảm vào những tháng đầu. Trong khi khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt đang được giữ ổn định.

Lạm phát dần được kiểm soát. Từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 5, giá tiêu dùng đã tăng khoản 10%. Đồng ruble giảm khiến hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn, sự rút lui của doanh nghiệp phương Tây đã làm giảm nguồn cung.

Tuy nhiên, theo Rosstat, giá cả hiện đang giảm. Dữ liệu độc lập của State Street Global Market và PriceStats tổng hợp từ giá hàng hóa online cũng củng cố cho quan điểm trên.

Trong các tuyên bố của mình, Ngân hàng trung ương Nga (CBR) hiện đang lo lắng về cả giá giảm cũng như lạm phát. Đồng ruble mạnh lên giúp hạ chi phí nhập khẩu và kéo theo kỳ vọng lạm phát người dân Nga giảm.

Dữ liệu từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Cleveland, công ty tư vấn Morning Consult và Giáo sư Raphael Schoenle của Đại học Brandeis cho thấy kỳ vọng lạm phát tại Nga trong năm tới đã giảm từ 17,6% trong tháng 3 xuống chỉ còn 11% vào tháng 7.

Với nguồn nhiên liệu dồi dào, Nga khó có khả năng đối mặt với kiểu lạm phát năng lượng như châu Âu.  

 

Theo The Economist, tỷ lệ thất nghiệp 3,9% được Nga tuyên bố có thể không phản ánh đúng thực tế. Nhiều doanh nghiệp cho công nhân nghỉ phép không lương để tránh phải sa thải.

Tuy nhiên, cũng không có nhiều bằng chứng về một thảm họa trên thị trường lao động. Dữ liệu từ HeadHunter, một trang web việc làm của Nga cho thấy tỉ lệ người tìm việc/công việc tuyển dụng đã tăng từ 3,8 vào tháng 1 lên 5,9 trong tháng 5.

Dữ liệu từ Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga, cho thấy mức lương thực tế trung bình đã tăng mạnh kể từ mùa xuân. Sberbank cũng cho biết trong tháng 7, chi tiêu thực tế của người tiêu dùng không thay đổi nhiều so với đầu năm.

Nhập khẩu giảm mạnh vào mùa xuân, một phần do nhiều doanh nghiệp phương Tây ngừng cung cấp hàng hóa cho Nga. Tuy nhiên, sự sụt giảm này không quá nghiêm trọng nếu so với các cuộc suy thoái gần đây, và nhập khẩu đang phục hồi nhanh chóng.

Ba nguyên nhân 

Theo The Economist, có ba yếu tố giải thích tại sao Nga tiếp tục vượt qua các dự báo. 

Đầu tiên là chính sách. CBR có đầy những chuyên gia tầm cỡ, những người đã nhanh chóng hành động để ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế. Việc tăng gấp đôi lãi suất vàng tháng 2 và kết hợp với các biện pháp kiểm soát vốn đã đẩy đồng ruble lên và hạ lạm phát. Công chúng Nga cũng hiểu rằng Thống đốc Elvira Nabiullina rất nghiêm túc trong việc bình ổn giá cả.

 

Nguyên nhân thứ hai liên quan đến lịch sử kinh tế Nga trong vài chục năm trở lại đây. Vào tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigui từ nói với chính phủ Anh rằng người Nga “có sức chịu đựng hơn bất cứ ai”.

Trong 25 năm, Nga đã đối mặt với 5 cuộc khủng hoảng kinh tế: 1998, 2008, 2014 và 2020. Bất cứ ai trên 40 tuổi đều có ký ức về cuộc khủng hoảng kinh tế sau khi Liên Xô sụp đổ. Người dân Nga đã học được cách thích nghi, thay vì hoảng loạn.

Nhiều bộ phận trong nền kinh tế Nga từ lâu đã khá tách biệt với phương Tây. Sau năm 2014, Tổng thống Putin đã quyết tâm biến Nga trở thành “Pháo đài kinh tế”. 

Tất nhiên, Moscow phải trả giá bằng tốc độ tăng trưởng chậm hơn, nhưng sự cô lập cũng đồng nghĩa với ít sự đau đớn hơn khi đối diện với các lệnh trừng phạt.

Kinh tế Nga tương đối độc lập so với các quốc gia trên thế giới, ít phụ thuộc vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Năm 2019, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nga tương đương 30% GDP, so với mức trung bình toàn cầu là 49%. Trước cuộc xung đột, chỉ khoảng 0,3% người Nga làm việc cho doanh nghiệp Mỹ, so với mức trung bình của thế giới là 2%. Moscow cũng không cần nhập khẩu quá nhiều nguyên liệu thô từ nước ngoài.

Nguyên nhân thứ ba liên quan tới năng lượng. Theo một báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các biện pháp trừng phạt không có nhiều tác động tới sản lượng dầu của Nga.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự, Moscow đã bán 85 tỷ USD nhiên liệu hóa thạch cho EU. Cách Nga chi tiêu số ngoại tệ này vẫn là một điều bí ẩn, tuy nhiên, sự thật không thể bàn cãi là năng lượng đang giúp Moscow tiếp tục nhập khẩu hàng hóa, trả lương cho binh lính và mua vũ khí.

The Economist cho rằng các nhà đầu tư phương Tây sẽ không muốn dính dáng đến Nga trong một khoảng thời gian dài và các biện pháp trừng phạt vẫn sẽ còn hiệu lực.

CBR phải thừa nhận rằng dù Nga không phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu từ nước ngoài, nhưng Moscow lại rất cần máy móc. Theo thời gian, các lệnh trừng phạt sẽ gây thêm tác động, khiến hàng hóa Nga sản xuất kém chất lượng đi, với chi phí cao hơn.

Tuy nhiên, cho đến nay, “pháo đài Nga” vẫn bám trụ kiên cường.

Minh Quang