Nga vượt lên dẫn trước trong cuộc chiến thông tin ngay trên sân nhà của Mỹ
Theo Nikkei Asia, Nga đang đuổi kịp Ukraine trong cuộc chiến thông tin trên mạng xã hội. Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự vào tháng 2, trên mạng xã hội Twitter, nhiều người phương Tây quan tâm đến những bài đăng có quan điểm ủng hộ Ukraine hơn là Nga.
Tuy nhiên giờ đây, những quan điểm nghiêng về Nga lại đang ngày càng dễ tiếp cận hơn với người dùng phương Tây, do nỗi lo lạm phát và Moscow tăng cường các công cụ tuyên truyền.
Twitter là mạng xã hội có trụ sở tại Mỹ, được sử dụng chủ yếu ở các nước phương Tây. Vì vậy, những thành công gần đây của Nga trên Twitter không khác nào chiến thắng ngay trên "sân nhà" của Mỹ.
Lật ngược thế cờ
Công ty phân tích an ninh mạng Terilogy Worx có trụ sở tại Tokyo đã phân tích các bài đăng trên Twitter, tập trung vào 10 cụm từ (hastag bắt đầu bằng #) thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine, bao gồm "#standwithukraine" và 10 cụm từ ủng hộ Nga, chẳng hạn như "#standwithrussia".
Công ty này chỉ đếm những bài đăng đã được “Retweet” (tương tự như nút “Chia sẻ” trên Facebook”) ít nhất 8 lần.
Trong hai tháng kể từ sau khi xung đột nổ ra, những bài đăng (tweet) ủng hộ Ukraine đã được retweet lại trung bìnhg 120 lần. Trong khi đó, với những bài đăng có quan điểm ủng hộ Nga, con số này chỉ là 55 lần.
Tương tự, trung bình có 500 lượt "thích" cho các bài tweet ủng hộ Ukraine, so với 180 cho các bài ủng hộ Nga. Điểm "tương tác" trung bình, một số liệu chính cho thấy tầm ảnh hưởng của mỗi tweet, là 620 đối với các bài đăng ủng hộ Ukraine và 210 đối với những thông điệp ủng hộ Nga.
Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu thay đổi trong khoảng thời gian từ ngày 24/5 đến ngày 6/6. Khoảng ba tháng sau khi xung đột nổ ra, các tweet ủng hộ Ukraine được retweet trung bình 90 lần, so với 105 lần của các bài đăng có quan điểm nghiêng về Nga.
Các tweet ủng hộ Ukraine thu được trung bình 410 lượt thích, so với 280 của Nga, trong khi điểm tương tác là 500 cho các bài đăng ủng hộ Ukraine và 390 cho phía Nga.
Một nhà quản lý của Terilogy Worx cho biết: “Những phản ứng tích cực đối với nội dung ủng hộ Nga đã trở nên rõ ràng hơn khi sự quan tâm đến cuộc xung đột bắt đầu suy yếu trên toàn thế giới”.
Các bài đăng bằng tiếng Italy cho thấy sự ủng hộ lớn nhất dành cho Nga, chiếm 32% trong tổng số các tweet ủng hộ Nga từ ngày 24/2 đến ngày 20/4, tiếp theo là tiếng Tây Ban Nha với 20%. Khoảng 67% tweet ủng hộ Ukraine được viết bằng tiếng Anh.
Nhiều thông điệp bằng tiếng Italy có cụm từ "EX Star 5", được sử dụng bởi những người ủng hộ trước đây của Phong trào Năm Sao, một đảng dân túy tại Italy.
Một số bài đăng bao gồm cả những video với các tuyên bố chưa được kiểm chứng, chẳng hạn như: “Quân đội Ukraine đã tấn công những người dân xếp hàng chờ hỗ trợ lương thực”.
Sau khi những video này được đăng, truyền thông Nga, bao gồm cả hãng thông tấn nhà nước Sputnik đã tích cực lan truyền chúng trên mạng.
Tất nhiên, Ukraine cũng sử dụng những chiến thuật tương tự trong suốt cuộc xung đột, nhưng dường như Nga đã tìm ra cách thức để truyền tải thông tin một cách hiệu quả hơn.
Tiếp cận công chúng hiệu quả hơn
Giáo sư Yoko Hirose của Đại học Keio cho biết: “Nga đã nỗ lực khiến công chúng dễ dàng tiếp nhận quan điểm của mình hơn bằng cách ủng hộ các đảng chống Liên minh châu Âu ở Italy”.
Moscow cũng tiến hành chiến dịch tuyên truyền nhắm vào những nhóm người có quan điểm chống Washington tại Mỹ Latin như một cách để ảnh hưởng đến những người gốc Tây Ban Nha (thường là người dân di cư từ Nam Mỹ) tại Mỹ.
Tuyên truyền của Nga hầu hết lôi cuốn những người không hài lòng với nền chính trị hiện tại. Trung bình, chỉ có 17% người Mỹ khẳng định “chắc chắn” hoặc “có thể” đúng khi nghe các tuyên bố của Nga cho rằng các video đánh bom được Ukraine công bố là giả mạo.
Tuy nhiên, theo một khảo sát của tạp chí The Economist, tỷ lệ này tăng lên đến 57% với những người ủng hộ QAnon, một nhóm cực hữu theo thuyết âm mưu.
Một số chuyên gia cho biết công chúng phương Tây đang cảm thấy "mệt mỏi" trước cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine, chuyển lo lắng sang những vấn đề như lạm phát.
Ông Takahisa Kawaguchi, cố vấn trưởng tại Tokio Marine dR, một công ty quản lý rủi ro có trụ sở tại Tokyo, cho biết: “Nga đã tuyên truyền rằng sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine và các lệnh trừng phạt chống lại Nga đang làm tổn hại đến chính cuộc sống của người dân phương Tây”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chứng kiến xếp hạng tín nhiệm của mình lao dốc khi công chúng ngày càng bất bình vì lạm phát. Đảng Dân chủ cũng được cho là sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến ngày càng khó khăn trong đợt bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.
- TIN LIÊN QUAN
-
Lãnh đạo châu Âu vật lộn trong cơn bão chính trị từ cuộc xung đột Ukraine 21/07/2022 - 11:37
Một số nhà lãnh đạo châu Âu đã phải từ chức, trong khi số khác dính vào các bê bối. Truyền thông phương Tây từ ca ngợi cuộc chiến của người dân Ukraine chuyển sang đặt những câu hỏi về tham nhũng hay cơ hội chiến thắng của Kiev.
Trong khi Mỹ và nhiều nước châu Âu coi cuộc xung đột Ukraine là cuộc chiến bảo vệ “nền dân chủ” và “trật tự thế giới”, một vài nhà lãnh đạo châu Âu lại thể hiện sự ủng hộ với Moscow, đặt ra thách thức cho sự thống nhất giữa các đồng minh phương Tây.