Các cường quốc châu Âu không cam kết thêm lô vũ khí nào cho Ukraine trong tháng 7
Từ khi xung đột Ukraine nổ ra, các quốc gia châu Âu đã có những thay đổi lịch sử trong chính sách quốc phòng. Những nước như Pháp, Đức, trước xung đột từng không sẵn lòng viện trợ vũ khí sát thương cho Kiev, cũng đã quyết định gửi tới Ukraine tên lửa, xe thiết giáp, pháo tự hành, ...
Tuy nhiên, có vẻ như viện trợ quân sự tới Ukraine sẽ suy yếu ngay khi nước này chuẩn bị cho một cuộc phản công quan trọng.
Tờ Politico trích dẫn những dữ liệu mới nhất được công bố vào hôm 18/8 của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, cơ quan đã duy trì một cơ sở dữ liệu với tên gọi Hệ thống theo dõi Viện trợ tới Ukraine trong suốt cuộc xung đột.
Dữ liệu khẳng định quan điểm mà các quan chức quốc phòng và chính trị gia Ukraine cũng nhiều lần nêu ra: Các cường quốc tại châu Âu không theo kịp viện trợ quân sự đến từ Anh, Ba Lan và Mỹ. Các chuyên gia quân sự và một số thành viên Nghị viện châu Âu cũng đang lặp lại quan điểm này trong những ngày gần đây.
Viện trợ ít dần
Ông Christoph Trebesch, người đứng đầu nhóm biên soạn Hệ thống theo dõi Viện trợ tới Ukraine, cho biết dữ liệu chỉ ra rằng các cam kết viện trợ quân sự của châu Âu dành cho Ukraine đã có xu hướng giảm kể từ cuối tháng 4.
Ông nói: “Bất chấp cuộc chiến đang bước vào giai đoạn quan trọng, các sáng kiến viện trợ mới đã cạn kiệt.”
Các đồng minh phương Tây đã gặp nhau vào tuần trước tại Cophenhagen để cùng cam kết thúc đẩy hỗ trợ 1,5 tỷ EUR cho quân đội Ukraine. Nhưng ông Trebesch cho biết nhóm của ông vẫn đang phân tích số liệu và, cảnh báo rằng 1,5 tỷ EUR lần này “ít ỏi hơn so với những gì đã được đưa ra trong các hội nghị trước đó”.
- TIN LIÊN QUAN
-
Ngân sách quốc phòng gấp hơn chục lần Nga, tại sao NATO vẫn không có đủ đạn dược để cung cấp cho Ukraine? 12/07/2022 - 14:47
Ông Trebesch lập luận rằng các nước châu Âu nên coi xung đột Ukraine giống với cuộc khủng hoảng của khu vực đồng tiền chung Eurozone hoặc đại dịch COVID, hai sự kiện đã thúc đẩy châu lục già tiêu hàng trăm tỷ USD tài trợ cho các biện pháp khẩn cấp.
Ông nói: “Khi bạn so sánh tốc độ cam kết và quy mô số tiền được chuyển [từ những cuộc khủng hoảng trước], thì những gì mà châu Âu cung cấp cho Ukraine là rất nhỏ”.
Ông Trebesch chỉ ra rằng quỹ phục hồi đại dịch COVID của EU với các khoản vay và viện trợ không hoàn lại có trị giá khoảng 800 tỷ EUR. Tổng viện trợ của châu Âu cho Ukraine cho đến nay vẫn chỉ bằng một phần nhỏ so với quỹ trên.
“Tôi cho rằng [viện trợ của EU] thấp một cách đáng ngạc nhiên khi xem xét những gì đang bị đe dọa”, ông nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Artis Pabriks gần đây đã nói với tờ Politico rằng các nước như Pháp và Đức phải làm nhiều hơn nữa cho cho Ukraine. "Nếu muốn xung đột kết thúc càng sớm càng tốt, [Pháp và Đức] cần phải tự hỏi mình đã làm đủ chưa?" ông Pabriks nói.
Ông Pabriks kêu gọi các châu Âu cung cấp vũ khí theo tỷ trọng GDP tương tự như một số quốc gia Trung Âu, đặc biệt là Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Séc.
Cựu giám đốc quốc phòng Estonia Riho Terras, hiện là thành viên Nghị viện châu Âu, kêu gọi châu Âu cần "thức tỉnh" và cho rằng sẽ không có hòa bình cho đến khi chiến thắng Nga. Ông Terras nói: “Hàng trăm người chết mỗi ngày, không chỉ binh lính mà cả phụ nữ và trẻ em. Mọi người không thực sự hiểu, chúng ta đang trong chiến tranh".
Đức đã phải đối mặt với những cáo buộc rằng nước này đang quá chậm trễ trong việc hoán đổi xe tăng với các nước láng giềng châu Âu. Đức đã cam kết khi Ba Lan hay Cộng hòa Séc chuyển xe tăng cho Ukraine, Berlin sẽ gửi đến các nước này những chiếc xe tăng của mình để thế chỗ.
Ông Daniel Fiott, một nhà phân tích quốc phòng tại Đại học Vrije Universiteit Brussel, cho biết các cam kết sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu không trở thành hành động. Ông nói: “Ukraine cần vũ khí chứ không phải mấy lời hứa suông”.
Ông Fiott lập luận rằng những tuần và tháng tới sẽ là bài kiểm tra cho uy tín kinh tế và chính trị của châu Âu. Nhà phân tích Daniel Fiott nói: “Chúng ta nên hy vọng rằng những nhà sản xuất vũ khí của châu Âu có thể bắt kịp với nhu cầu ngày càng tăng, và các chính phủ không cản trở việc giao hàng khi các thiết bị quân sự đã sẵn sàng”.