|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Putin cáo buộc Mỹ cố tình kéo dài cuộc chiến ở Ukraine và khiêu khích Trung Quốc

06:36 | 17/08/2022
Chia sẻ
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa mới chỉ trích Mỹ và các đồng minh phương Tây, khẳng định Washington muốn kéo dài cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Putin tố Mỹ cố tình kéo dài chiến sự

Chia sẻ tại một hội nghị về an ninh quốc tế tại Moscow tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lớn tiếng chỉ trích Mỹ. Ông nói: “Tình hình tại Ukraine cho thấy Mỹ đang cố kéo dài cuộc xung đột”.

Ông chủ Điện Kremlin cũng khẳng định Mỹ đang dốc sức duy trì vị thế bá chủ của mình trên thế giới và phương Tây muốn mở rộng “hệ thống khối” phòng thủ của họ sang châu Á, tờ Interfax đưa tin.

“Chúng ta cũng thấy rằng tập thể phương Tây đang tìm cách mở rộng hệ thống khối của mình sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tương tự như NATO ở châu Âu”, ông Putin bày tỏ.

“Vì mục đích này, các liên minh quân sự - chính trị đang hình thành, chẳng hạn như liên minh ba bên AUKUS [mà Australia, Anh và Mỹ ký kết năm ngoái]…”, Tổng thống Nga nói thêm.

Ngoài ra, ông Putin còn gọi chuyến thăm gần đây của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan là một “hành động khiêu khích Trung Quốc đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng”.

Vị tổng thống nói rằng chuyến thăm “liều lĩnh” này là “một phần trong chiến lược có mục đích, có ý thức của Mỹ nhằm gây mất ổn định và làm hỗn loạn tình hình khu vực cũng như thế giới”.

Chưa kể, ông còn cho rằng chuyến công du của bà Pelosi là “một biểu hiện xấc xược, cho thấy sự thiếu tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác…”, theo đưa tin của Interfax.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại hội nghị an ninh mới đây. (Ảnh: Reuters).

Ông Putin cũng một lần nữa bảo vệ cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, tuyên bố cuộc chiến diễn ra là “để bảo vệ an ninh cho nước Nga và người dân Nga”. Trước đó, Moscow khẳng định “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine là nhằm “giải phóng” các khu vực ly khai thân Nga ở Donbass.

Chiến sự tại Ukraine đã tàn phá cơ sở vật chất trên diện rộng và gây thương vong trong dân thường. Đầu tuần này, Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 5.500 dân thường Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh, dù con số thực tế có thể cao hơn nhiều do khó khăn trong khâu thu thập dữ liệu thời chiến.

Hành động của Nga đã khiến quốc tế lên án và ban hành các lệnh trừng phạt nặng nề lên các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế xứ sở Bạch Dương cũng như các doanh nghiệp và cá nhân có liên hệ với Điện Kremlin.

Chia sẻ với CNBC, các nhà phân tích chính trị cho biết những tuyên bố của ông Putin về chính phủ Ukraine là vô nghĩa, cho thấy thái độ vô lý và đánh giá sai lệch đối với giới lãnh đạo Kiev và đường hướng của họ.

Mặt khác, đến nay Mỹ và các đồng minh châu Âu trong NATO vẫn đang tìm cách hỗ trợ Ukraine bảo vệ chủ quyền lãnh thổ dưới nhiều hình thức như cung cấp vũ khí, tài chính và nhân đạo. Phương Tây nhấn mạnh Nga không được phép thành công và chiếm lấy lãnh thổ Ukraine.

Tuy nhiên, chính quyền Moscow cho rằng sự giúp đỡ của phương Tây dành cho Ukraine chỉ là đỉnh điểm của thái độ chống đối Nga nhiều năm qua. Moscow cũng đổ lỗi cho NATO là đã khơi mào cuộc chiến.

Hệ thống an ninh của châu Âu

Căng thẳng dẫn đến cuộc chiến tại Ukraine bắt đầu từ cuối năm 2021, khi Nga đưa hơn 100.000 quân tới biên giới với nước láng giềng nhưng khẳng định họ không có kế hoạch động binh.

Tháng 12 cùng năm, Nga yêu cầu NATO đảo bảo rằng Ukraine sẽ không được phép gia nhập liên minh quân sự trong tương lai, mặc dù các bên không có kế hoạch cụ thể nào. Đồng thời, Nga còn yêu cầu NATO giảm bớt sự hiện diện tại Đông Âu.

Ngoài ra, Moscow cũng tìm kiếm sự đảm bảo rằng NATO sẽ không mở rộng thêm lần nữa về phía biên giới của Nga, dù giới phân tích không thấy có khả năng NATO làm như vậy vào thời điểm đó.

NATO cho biết hai bên có thể đàm phán nhưng đã bác bỏ các yêu cầu chính của Nga. Đến ngày 24/2, Nga phát động cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine với hy vọng có thể giành chiến thắng nhanh chóng và lật đổ chính quyền thân phương Tây ở Kiev.

Gần 6 tháng trôi qua và chiến sự hiện không có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc, bởi việc quân đội Ukraine được hỗ trợ bằng vũ khí hạng nặng từ phương Tây đang tạo ra sự khác biệt rõ ràng trong hướng đi của cuộc chiến.

Cuộc tấn công cũng gây ra những hậu quả không lường trước được cho Moscow, như NATO đang đoàn kết hơn bao giờ hết. Những nước tụt hậu trong chi tiêu quốc phòng tại châu Âu như Đức cũng cam kết tăng cường mua sắm vũ khí để đáp trả Nga.

Hơn nữa, các quốc gia có truyền thống không liên kết như Thuỵ Điển và Phần Lan hiện đã nộp đơn xin gia nhập NATO. Động thái này có thể tăng gấp đôi đường biên giới trên bộ giữa NATO và Nga.

Vì lẽ đó, Moscow đã lên án việc mở rộng của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh và đe doạ sẽ trả đũa dù chưa đề cập cụ thể nước này sẽ dùng biện pháp nào.

Bất chấp cuộc tấn công vào Ukraine, Nga đã đổ lỗi cho phương Tây vì đã làm thay đổi cấu trúc an ninh của châu Âu. Tại sự kiện mới đây, ông Putin nói trong bài phát biểu của mình rằng “tập thể phương Tây đang âm mưu phá huỷ hệ thống an ninh châu Âu, thành lập các liên minh quân sự mới”.

“Khối NATO đang hướng về phía đông…họ xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự, bao gồm cả việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa và tăng cường khả năng tấn công của các lực lượng tấn công”, ông Putin nói.

“Động thái đó được tuyên bố một cách đạo đức giả là để tăng cường an ninh ở châu Âu. Nhưng trên thực tế, điều ngược lại đang xảy ra”, Tổng thống Nga nhấn mạnh tại hội nghị. “Các đề xuất do Moscow đưa ra vào tháng 12 năm ngoái về một số biện pháp an ninh chung đã bị phớt lờ một lần nữa”.

Khả Nhân