|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các tập đoàn nước ngoài tính đường rời Đài Loan, tránh bi kịch Nga - Ukraine lặp lại

08:24 | 15/08/2022
Chia sẻ
Các tập đoàn đa quốc gia tại Đài Loan đang chuẩn bị các kịch bản để sơ tán nhân sự cũng như tài sản trong trường hợp xung đột vũ trang nổ ra.

Lính hải quân Trung Quốc tham gia tập trận quanh đảo Đài Loan hôm 5/8/2022. (Ảnh: Xinhua).

Theo South China Morning Post (SCMP), các doanh nghiệp nước ngoài vẫn chưa quyết định chắc chắn sẽ rời đi. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho biết các đợt tập trận liên tiếp của quân đội Trung Quốc đã khiến nhiều công ty lập ra kế hoạch dự phòng hoặc xem xét lại các kế hoạch đã lập trước đó để đảm bảo sự an toàn của nhân sự và tài sản nếu chiến tranh hoặc phong tỏa diễn ra. 

Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) bắt đầu các cuộc diễn tập bắn đạn thật quanh Đài Loan sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm hòn đảo này vào tối 2/8.

Chính phủ ở Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh của mình và có thể sẽ dùng vũ lực để thống nhất với Trung Quốc đại lục nếu cần thiết. Bắc Kinh cực lực phản đối việc các lãnh đạo cấp cao của nước ngoài tự ý đến thăm Đài Loan và coi hành động này là sự đi ngược lại với nguyên tắc “Một Trung Quốc”.

Những nước có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, bao gồm Mỹ và châu Âu, thừa nhận sự tồn tại của nguyên tắc “Một Trung Quốc”, trong đó có nội dung Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng hoàn toàn đồng ý với các yêu sách của Bắc Kinh.

Chính phủ Mỹ không công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập nhưng cũng không đồng ý để bất cứ thế lực nào chiếm hòn đảo này bằng vũ lực. Theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, Mỹ tiếp tục cung cấp nhiều vũ khí hiện đại cho hòn đảo này hàng năm.

SCMP dẫn lời ông Rupert Hammond-Chambers, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - Đài Loan, nhận định: “Các doanh nghiệp đang tạo dựng nên các cấu trúc tốt hơn trước để giám sát và phân tích những thay đổi mang tính địa chiến lược, đồng thời lập ra các kịch bản để chuyển dịch nhân sự và chuỗi cung ứng nếu như Đài Loan bị bao vây phong tỏa”.

“Các doanh nghiệp đang cảm thấy rất căng thẳng và bất an vì hòa bình mong manh trên eo biển Đài Loan, đồng thời không có sự lựa chọn thay thế hợp lý nào nếu như chuỗi cung ứng bị đứt đoạn”, ông Hammond-Chambers nói thêm.

7 công ty trong danh sách Fortune 500 (nhóm công ty lớn nhất nước Mỹ theo doanh thu) đã đề nghị công ty chứng khoán Global Guardian tại Mỹ đánh giá xem trong kịch bản nào thì việc đưa nhân sự, hạ tầng và tài sản rời khỏi Đài Loan là cần thiết, CEO Dale Buckner trả lời tờ Politico.

“Một số doanh nghiệp đang rất nghiêm túc xem xét vấn đề Đài Loan vì họ không muốn những điều vừa xảy ra ở Nga lặp lại. Tại Nga, các tập đoàn nước ngoài đã mất hàng tỷ USD tài sản tài chính cũng như vật chất”, ông Buckner nói thêm.

Theo thống kê của Statista, ít nhất 37 tập đoàn đa quốc gia, trong đủ loại lĩnh vực từ năng lượng đến ngân hàng và xe hơi, đã mất ít nhất 100 triệu USD vì cuộc xung đột Nga – Ukraine. Dẫn đầu danh sách thiệt hại là đại gia dầu khí BP khi tập đoàn Anh Quốc này mất trắng 24 tỷ USD trong liên doanh đầu tư với Rosneft của Nga.

Hai đại gia dầu khí BP và Sheel thiệt hại nặng nề nhất khi chấm dứt làm ăn với Nga.

Trong thập kỷ vừa qua, các tập đoàn quốc tế như Microsoft và Google đã mở rộng hoạt động ở Đài Loan để thu hút nhân tài trong các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI). Apple thì phụ thuộc vào một số doanh nghiệp lớn của Đài Loan, ví dụ như Foxconn, để vận hành chuỗi cung ứng sản xuất iPhone.

Trong 4 tháng đầu năm nay, cơ quan phụ trách kinh tế của Đài Loan đã ghi nhận 729 dự án đầu tư nước ngoài tổng trị giá 3,1 tỷ USD, gấp đôi cùng kỳ 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đài Loan giai đoạn 1996 – 2022 đạt trung bình 570 tỷ USD, theo TradingEconomics.

Ông Gareth Leather, chuyên gia kinh tế cao cấp về các nước châu Á mới nổi tại Capital Economics, nhận xét: “Chắc chắn những rủi ro mà doanh nghiệp nước ngoài phải đối mặt đã tăng lên vì các cuộc tập trận, và nguy cơ xung đột – có thể do vô tình hoặc cố ý – cũng đã cao hơn trước”.

 

Ông Rupert Hammond-Chambers, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - Đài Loan, cho rằng các doanh nghiệp sẽ không thay đổi hoạt động kinh doanh tại Đài Loan trong ngắn hạn, và hiện không có thành viên nào chủ động tính chuyện rời đi.

Các khoản đầu tư vào Đài Loan sẽ tiếp tục bởi “những cam kết” nghiên cứu và phát triển và quan điểm cho rằng Đài Loan “vượt trội” trong lĩnh vực bảo vệ tài sản trí tuệ, ông Hammond-Chambers nói.

Ông John Eastwood, chuyên gia tại công ty luật Eiger ở Đài Bắc, nhận định các tập đoàn nước ngoài sẽ rút tài sản và con người ra khỏi Đài Loan nếu nhận thấy dấu hiệu quân đội đang tập trung để chuẩn bị cho một cuộc tấn công.

“Trung Quốc, theo tính toán của chính họ, vẫn chưa sẵn sàng để tấn công. Và 145 km biển khơi ngăn cách đại lục và Đài Loan đòi hỏi nhiều sự chuẩn bị về hậu cần rất dễ bị phát hiện sớm bằng vệ tinh và các công nghệ khác”, ông Eastwood nói. “Khi đó, những người nước ngoài sẽ đưa gia đình về nước bằng các chuyến bay thương mại chứ không đợi đến lúc súng nổ rồi mới chạy”.

Đức Quyền