|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao đòn thương mại mà Trung Quốc đánh vào Đài Loan chỉ như 'muối bỏ bể'?

15:41 | 11/08/2022
Chia sẻ
Theo nhiều nhà phân tích, những hạn chế thương mại mà Trung Quốc mới áp đặt lên Đài Loan không ảnh hưởng nhiều tới tổng thể giao thương giữa hai bên. Những mặt hàng mà Bắc Kinh nhắm tới không mang tính chiến lược và có thể dễ dàng được thay thế.

Theo CNBC, hạn chế thương mại mà Trung Quốc vừa áp đặt lên đảo Đài Loan chỉ chiếm 0,04% tổng thương mại hai chiều. Đòn tấn công này của Bắc Kinh dường như mang tính chính trị hơn là kinh tế.

Bắc Kinh hành động sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới thăm hòn đảo vào đầu tháng này, bất chấp những lời cảnh báo từ phía Trung Quốc.

Động thái hạn chế thương mại của Trung Quốc bao gồm ngừng nhập khẩu các loại cam, quýt, cá đông lạnh, đồ ngọt và bánh quy cũng như dừng xuất khẩu cát sang đảo Đài Loan.

Một số mặt hàng trong danh sách hạn chế nhập khẩu từ đảo Đài Loan của Trung Quốc. (Ảnh: SCMP, Việt hóa: Minh Quang).

Dữ liệu thương mại

Dữ liệu từ cục thương mại đảo Đài Loan cho thấy trong năm 2021, xuất khẩu của hòn đảo này tới đại lục đạt 113 tỷ USD và nhập về khoảng 82 tỷ USD, bao gồm cả tái xuất và tái nhập khẩu.

Phần lớn các mặt hàng được trao đổi giữa hai bên là máy móc, đồ điện tử và linh kiện công nghệ. Tuy nhiên, những hàng hóa này không phải là mục tiêu của lệnh cấm.

Khi nói đến hàng nhập khẩu của đảo Đài Loan từ đại lục, hơn một nửa trong số 82 tỷ USD là máy móc, đồ điện tử và linh kiện công nghệ cũng như lò phản ứng hạt nhân và nồi hơi.

65% tỷ trọng xuất khẩu của đảo Đài Loan sang Trung Quốc cũng là những mặt hàng tương tự như máy móc, đồ điện tử và linh kiện công nghệ.

Đảo Đài Loan xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là mặt hàng công nghệ. Các loại mặt hàng nông nghiệp có giá trị rất nhỏ.

Muối bỏ bể

Lượng hàng hóa mà Bắc Kinh đang nhắm tới khá nhỏ. Hoạt động xuất khẩu cát tự nhiên tới đảo Đài Loan chỉ như muối bỏ bể so với tổng kim ngạch thương mại. Vào năm 2021, dữ liệu từ cơ quan thương mại đảo Đài Loan cho biết tổng giá trị mặt hàng này chỉ đạt 3,5 triệu USD.

Đồng thời, Australia và Việt Nam cũng là những nhà xuất khẩu cát tự nhiên tới đảo Đài Loan lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Tổng cộng hai quốc gia cung cấp khoảng 64 triệu USD loại nguyên liệu này, chiếm 70% tổng nguồn cung của đảo Đài Loan.

Tương tự, mặc dù Trung Quốc là người mua lớn nhất nhưng cam quýt xuất khẩu của Đài Loan cũng chỉ có tổng giá trị khoảng 10 triệu USD vào năm ngoái.

Những sản phẩm khác trong danh sách như bánh mỳ, bánh ngọt, bánh quy tới đại lục đạt tổng giá trị 50 triệu USD vào năm 2021. Bắc Kinh cũng ngừng nhập khẩu hai loại các đông lạnh là cá thu và cá hố, với tổng giá trị hơn 3 triệu USD năm ngoái.

Đảo Đài Loan chỉ chiếm 2,3% tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc.

“Biện pháp trả đũa kinh tế chống lại đảo Đài Loan là một chiến lược ngoại giao lâu dài của Trung Quốc. Tuy nhiên, quyết định nhắm đến những hàng hóa có giá trị thấp cho thấy giới hạn của các công cụ trong tay Bắc Kinh nhằm gây áp lực kinh tế”, nhà phân tích thương mại toàn cầu của Economist Intelligence Unit, ông Nick Marro cho biết.

“Việc hạn chế khách du lịch tới đảo Đài Loan, đã có hiệu lực trong vài năm, còn mang nhiều ý nghĩa kinh tế hơn. Các sản phẩm nông nghiệp hiện nay chỉ chiếm một phần nhỏ trong giỏ hàng xuất khẩu của đảo Đài Loan. Vì vậy, ảnh hưởng tới hòn đảo sẽ không đáng kể”, ông Marro nói.

Những tiền lệ

Việc Trung Quốc hạn chế thương mại với đảo Đài Loan không phải là hiện tượng mới. Trong những năm trước, căng thẳng giữa hai bên đã khiến đại lục cấm du khách tới hòn đảo này.

Năm ngoái, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu dứa từ đảo Đài Loan với với lý do kiểm dịch chống lại các “sinh vật gây hại” đi kèm loại quả này. Bắc Kinh là người mua dứa lớn nhất của hòn đảo này vào năm 2021.

Ngân hàng đầu tư Natixis cho biết các hạn chế thương mại gần đây của Trung Quốc tập trung vào “những mặt hàng thực phẩm dễ dàng thay thế” chứ không nhắm đến lĩnh vực công nghệ, nơi hai nước có giá trị giao dịch lớn nhất.

Ngân hàng này cũng cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục nhập khẩu từ đảo Đài Loan khi cần hàng hóa, tương tự như trong những xung đột thương mại với Australia và Mỹ trước đây.

Trong tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Australia vào năm 2020, Bắc Kinh đã hạn chế việc nhập khẩu một số mặt hàng như đại mạch và than, nhưng vẫn tiếp tục thu mua quặng sắt, một loại hàng hóa quan trọng trong ngành thép của Trung Quốc và chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại hai nước.

Các nhà phân tích cho biết, chuyến công du của của bà Pelosi có thể ảnh hưởng tới thương mại trong khu vực. Chẳng hạn, các cuộc tập trận tại eo biển Đài Loan có thể khiến các chuyến hàng bị chậm.

“Việc những tuyến vận tải trên ngừng hoạt động, cho dù chỉ là tạm thời, sẽ gây ra hậu quả không chỉ cho đảo Đài Loan mà còn tới dòng chảy thương mại tới Nhật Bản và Hàn Quốc”, ông Marro nói.

“[Tình hình trên eo biển Đài Loan] không chỉ là câu chuyện giữa đảo Đài Loan và Trung Quốc, mà còn với cả những người hàng xóm nữa”, ông cho biết.

Phân tích bởi nền tảng logistics Container xChange cho biết thay đổi hải trình để tránh khu vực tập trận sẽ gặp nhiều trở ngại khi thế giới bước vào mùa cao điểm của hoạt động vận tải biển.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của Container xChange, ông Christian Roeloffs cho biết chuỗi cung ứng đã trở nên bền bỉ hơn nhiều sau đại dịch COVID.

Phản hồi từ khách hàng cho thấy hoạt động thay đổi tuyến đường tránh khỏi eo biển Đài Loan sẽ khiến hải trình dài thêm vài ngày, nhưng ông Roeloffs không kỳ vọng giá logistics sẽ tăng quá mạnh.

Minh Quang