Đảo Đài Loan không chỉ mạnh về chip bán dẫn, là mắt xích quan trọng của kinh tế toàn cầu
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đảo Đài Loan là nhà xuất khẩu lớn thứ 15 và nhập khẩu lớn thứ 18 thế giới vào năm 2020. Đảo Đài Loan cũng nắm giữ một lượng ngoại hối lên tới gần 549 tỷ USD vào cuối tháng 5/2022.
GDP bình quân đầu người của hòn đào vào năm 2020 là 28.371 USD. Tuy nhiên, nếu điều chỉnh theo ngang giá sức mua, GDP bình quân đầu người của đảo Đài Loan gần tương đương với Iceland hoặc Thụy Điển. Năm 2020, quy mô nền kinh tế của hòn đảo này đạt 668,5 tỷ USD, tương đương với Thụy Sĩ hoặc Ba Lan.
Nông nghiệp
Theo Britannica, với đất núi lửa màu mỡ, nhiều mưa và khí hậu thuận lợi, đảo Đài Loan đã thu hút được những người di cư từ Trung Quốc đại lục từ sớm. Khi bị Nhật Bản chiếm đóng giai đoạn 1895 - 1945, đảo Đài Loan đã xuất khẩu lượng lớn gạo và đường tới đất nước mặt trời mọc.
Hiện nay, tỷ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế đã không còn lớn, nhưng vẫn có những lĩnh vực tăng trưởng mạnh mẽ. Đảo Đài Loan đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu hoa lan hàng đầu thế giới. Nhiều người so sánh ngành trồng hoa của đảo Đài Loan như Hà Lan tại khu vực châu Á.
Theo cơ quan nông nghiệp đảo Đài Loan, nghề trồng hoa đem lại cho hòn đảo này khoảng 600 triệu USD mỗi năm. Trong đó, khoảng 1/3 đến từ việc xuất khẩu những loại hoa giá trị cao như lan tới Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan ...
Các loại hoa quả, thủy hải sản cũng là thế mạnh của hòn đảo này. Để đáp trả chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới đảo Đài Loan hôm 3/8/2022, Bắc Kinh đã cấm nhập khẩu một loạt mặt hàng nông sản từ các loại hải sản, bánh mỳ cho tới trái cây.
Công nghiệp
Đảo Đài Loan khởi đầu bằng công nghiệp nhẹ như dệt may và đồ điện gia dụng nhỏ. Hòn đảo này nhanh chóng chuyển sang sản xuất những mặt hàng thâm dụng lao động và vốn cao hơn như radio, các thiết bị điện tử, máy tính, vi mạch, chip bán dẫn.
Ngành công nghiệp hóa chất của đảo Đài Loan đặc biệt phát triển, sử dụng nguồn nhiên liệu nhập khẩu để sản xuất ra các sản phẩm như nhựa, thuốc và đầu vào ngành dệt may.
Tập đoàn nhựa Formosa của đảo Đài Loan là doanh nghiệp hóa chất lớn thứ 5 trên thế giới. Tên gọi Formosa trong tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là "xinh đẹp", bản thân đảo Đài Loan từng có tên gọi Isla de Formosa, nghĩa là hòn đảo xinh đẹp.
Tập đoàn nhựa Formosa sở hữu nhiều nhà máy nhựa tại Mỹ và đảo Đài Loan. Sản lượng nhựa PVC của Formosa chỉ thua công ty Shin-Etsu Chemical đến từ Nhật Bản.
Ngoài mặt hàng nhựa, công ty con Formosa Petrol Chemical còn là doanh nghiệp sản xuất bán dẫn lớn nhất trên thị trường chứng khoán Đài Loan. Bên cạnh đó, tập đoàn này còn đầu tư mạnh vào sản xuất thép, chế tạo ô tô, vi mạch và cách thiết bị bán dẫn hiện đại. Tại Việt Nam, Formosa hợp tác xây dựng nhà máy thép tại tỉnh Hà Tĩnh.
Khi nói về công nghiệp của đảo Đài Loan thì không thể không nhắc đến ngành bán dẫn. Vị thế của hòn đảo này trong ngành sản xuất chip bán dẫn chẳng khác gì Arab Saudi trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Vào năm 2021, TSMC chiếm khoảng 56% thị phần bán chế tạo bán dẫn toàn cầu (sản xuất chip theo thiết kế từ Intel, Google hay Apple). Các nhà sản xuất khác tại đảo Đài Loan nắm thêm 10% còn lại của thị trường bán dẫn.
DW cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden phải thừa nhận rằng: “Mỹ phụ thuộc lớn vào một công ty duy nhất: TSMC để sản xuất những loại chip bán dẫn tiên tiến hàng đầu”.
Việc chỉ có TSMC và Samsung sản xuất được những loại chip hiện đại nhất (tiến trình 5 nm) đã “tạo ra rủi ro cung ứng cho những cơ sở hạ tầng quan trọng và an ninh quốc gia của Mỹ trong hiện tại và tương lai”.
Ngoài TSMC, đảo Đài Loan cũng có hàng loạt những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn như Foxconn (đối tác gia công hàng đầu của Apple), MediaTek (công ty đứng đầu thị phần chip bán dẫn điện thoại), Chunghwa Telecom, Delta Electronics, Cathay Financials ...
Ngành công nghiệp quốc phòng của đảo Đài Loan cũng rất đáng nể, khi hòn đảo nhỏ bé này tự chủ sản xuất được một số vũ khí hiện đại như xe tăng, máy bay phản lực, tên lửa, tàu chiến.
Thương mại và dịch vụ
Vị trí đặc biệt nằm trên tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới đã giúp đảo Đài Loan trở thành trung tâm thương mại của khu vực Đông Á.
Nhìn chung, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trong nhất của đảo Đài Loan, đứng thứ hai là Mỹ. Hòn đảo này xuất khẩu 42% hàng hóa tới đại lục, và nhập khẩu về 22%. Vào năm 2020, tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ trao đổi giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đạt 166 tỷ USD.
Đảo Đài Loan cũng là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào đại lục. Theo chính quyền Đài Bắc, kể từ năm 1991 đến cuối tháng 5/2021, các doanh nghiệp Đài Loan đã đầu tư khoảng 194 tỷ USD trong các dự án ở Trung Quốc.
Ví dụ điển hình nhất về đầu tư giữa đại lục và đảo Đài Loan là Foxconn. Các nhà máy Foxconn tại Trung Quốc gia công iPhone cho Apple, điện thoại Galaxy cho Samsung và máy chơi game Playstation cho Sony.
Có thể coi đảo Đài Loan như một công xưởng của ngành bán dẫn thế giới. Trung Quốc cung cấp những nguyên liệu thô như đất hiếm và các linh kiện sản xuất hàng loạt như bảng mạch, Mỹ cung cấp thiết kế chip, Hà Lan và Nhật Bản cung cấp máy quang khắc và Đài Loan sản xuất chip bán dẫn.
Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của đảo Đài Loan là kim loại, nhựa, cao su, hóa chất và máy móc. Những đối tác thương mại chủ yếu của Đài Bắc là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia và Đức.
Trong khi đó, đảo Đài Loan nhập khẩu các loại máy móc, đồ điện gia dụng, nhiên liệu hóa thạch, khoáng sản và hóa chất. Các quốc gia nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Australia, Đức và Hà Lan.
Ngành dịch vụ chiếm gần 2/3 GDP của đảo Đài Loan, bao gồm các hoạt động như bán buôn, bán lẻ, dịch vụ công, tài chính và bảo hiểm, bất động sản, vận tải, chăm sóc sức khỏe, lưu trú, giáo dục và văn hóa.
Hệ thống tài chính của đảo Đài Loan rất phát triển. Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, cơ quan tiền tệ của Đài Loan đã góp phần ngăn chặn cuộc khủng hoảng lan rộng ra các quốc gia láng giềng. Sàn chứng khoán Đài Loan (TWSE) đứng thứ 17 trên thế giới về vốn hóa.