Gã khổng lồ ngành chip Đài Loan rơi vào chảo lửa sau chuyến thăm của bà Pelosi
Cuộc gặp đáng lưu tâm
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã rời Đài Loan nhưng chuyến thăm này đã lần nữa khiến công chúng đổ dồn sự chú ý vào vai trò của hòn đảo trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu và đặc biệt là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới - Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (hay TSMC).
Chuyến thăm gây tranh cãi của bà Pelosi khiến Bắc Kinh thực sự tức giận. Đáng chú ý là trong thời gian ngắn ngủi lưu lại đảo Đài Loan, Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã gặp mặt ông Mark Liu - Chủ tịch TSMC.
Cuộc gặp là một dấu hiệu cho thấy chất bán dẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ, cũng như vai trò không thể thiếu của TSMC trong việc tạo ra những con chip tiên tiến nhất thế giới.
Trong vài năm qua, chất bán dẫn - thành phần có trong hầu hết mọi sản phẩm từ điện thoại thông minh đến ô tô và tủ lạnh, đã trở thành một khía cạnh trong cuộc đối đầu công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Gần đây, tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu đã khiến chính phủ Mỹ phải cố gắng bắt kịp châu Á và duy trì thế dẫn đầu so với Trung Quốc trong lĩnh vực thiết yếu này.
Bà Reema Bhattacharya - trưởng bộ phận nghiên cứu về thị trường châu Á của Verisk Maplecroft, cảnh báo: “Vấn đề ngoại giao chưa được giải quyết của Đài Loan sẽ vẫn là nguồn gốc của bất ổn địa chính trị.
Chuyến đi của bà Pelosi cũng nhấn mạnh Đài Loan quan trọng như thế nào đối với cả hai nước. Nguyên nhân rõ ràng là tầm quan trọng chiến lược của hòn đảo với tư cách là một nhà sản xuất lớn trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu”.
Chuyến thăm của bà Pelosi và cuộc gặp với Chủ tịch TSMC cho thấy Mỹ không thể làm điều đó một mình và cần hợp tác với các công ty châu Á chiếm ưu thế trong lĩnh vực này, CNBC nhận định.
Vai trò trọng yếu của TSMC
TSMC có thể được coi là một “xưởng đúc”, tức là hãng này sản xuất chip do các công ty khác thiết kế. TSMC có một danh sách dài các khách hàng từ Apple cho đến Nvidia - một số nằm trong top những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới.
Khi Mỹ bị bỏ lại phía sau trong lĩnh vực sản xuất chip trong hơn 15 năm qua, các cái tên như TSMC và Samsung Electronics của Hàn Quốc đã tiến lên bằng các kỹ thuật chế tạo chip tiên tiến.
Mặc dù các hãng này vẫn còn phụ thuộc vào công cụ và công nghệ từ Mỹ, châu Âu cùng một số nơi khác, TSMC nói riêng đã cố gắng củng cố vị trí của mình với tư cách là nhà sản xuất chip số một thế giới.
Theo TrendForce, TSMC hiện chiếm khoảng 54% thị phần chế tạo chip toàn cầu. Mặt khác, Đài Loan chiếm hơn 60% thị trường sản xuất chip toàn cầu. Điều này làm bật lên tầm quan trọng của hòn đảo trên thị trường bán dẫn thế giới.
Khi thêm Samsung vào phép so sánh thì châu Á có thể nói là đang thực sự thống trị lĩnh vực sản xuất chip. Samsung đang nắm khoảng 17% thị phần chế tạo chip toàn cầu.
Đó là lý do tại sao bà Pelosi lại gặp mặt Chủ tịch của TSMC.
Nỗi lo Đài Loan bị tấn công
Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Do đó, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã dành nhiều tuần cảnh báo Chủ tịch Hạ viện Mỹ không nên đến Đài Loan.
Ngay khi bà Pelosi đến hòn đảo, Trung Quốc đã tuyên bố tiến hành tập trận quân sự quanh khu vực eo biển Đài Loan. Máy bay dân sự và tàu thuyền được yêu cầu không đi vào vùng tập trận.
Một số chuyên gia lo lắng rằng nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, cán cân quyền lực trên thị trường chip toàn cầu có thể bị ảnh hưởng nặng nề, qua đó giúp Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát các công nghệ mà trước đây họ chưa có.
Chưa kể, các chuyên gia còn lo sợ rằng một cuộc tấn công tiềm tàng của Trung Quốc vào Đài Loan có thể làm nghẽn nguồn cung chất bán dẫn tiên tiến cho phần còn lại của thế giới.
Ông Abishur Prakash - đồng sáng lập công ty tư vấn Center for Innovating the Future, cảnh báo: “Rất có thể Trung Quốc sẽ ‘quốc hữu hoá’ TSMC và bắt đầu tích hợp công ty cũng như công nghệ của họ vào ngành công nghiệp bán dẫn của nước này”.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với CNN hồi đầu tuần, Chủ tịch Liu của TSMC cho biết nếu Trung Quốc gây xung đột với Đài Loan, nhà máy của họ sẽ “không thể hoạt động được”.
Mỹ đang làm gì?
Mỹ đang tập trung cao độ vào việc đưa các nhà máy sản xuất chất bán dẫn trở lại nước này. Dưới thời CEO Pat Gelsinger, Intel đã tìm cách cải tổ mảng sản xuất chip sau khi bị tụt lại phía sau TSMC trong nhiều năm.
Tuy nhiên, Mỹ cũng đang cố gắng thuyết phục các hãng chip nước ngoài xây dựng cơ sở trên đất của mình. TSMC hiện đang xây dựng một nhà máy trị giá 12 tỷ USD ở Arizona để sản xuất chip tiên tiến.
Tuần trước, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật Chip và Khoa học, dự kiến tài trợ 52 tỷ USD cho các doanh nghiệp để thúc đẩy lĩnh vực chế tạo chất bán dẫn trong nước và cải thiện khả năng cạnh tranh với Trung Quốc.
Ngoài ra, Mỹ cũng đã tìm cách hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ của Trung Quốc. Năm 2020, Washington quy định các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải có giấy phép trước khi bán chất bán dẫn cho Huawei của Trung Quốc.
TSMC từng chế tạo chip cho các dòng smartphone của Huawei. Song, sau động thái của Mỹ, hãng không thể cung ứng chip cho Huawei nữa. Kết quả là, mảng điện thoại thông minh của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã bị ảnh hưởng.
Cùng năm đó, Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC) - công ty chế tạo chip lớn nhất tại Trung Quốc, bị liệt vào danh sách đen về xuất khẩu công nghệ của chính phủ Mỹ.
Trung Quốc có đứng yên?
Trong vài năm qua, Bắc Kinh đã coi việc thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn là một ưu tiên chiến lược, với trọng tâm là làm sao để Trung Quốc có thể tự lực sản xuất chip mà không cần công nghệ Mỹ.
SMIC đóng vai trò rất quan trọng đối với tham vọng của Trung Quốc, nhưng các lệnh trừng phạt đã cắt đứt nguồn cung công nghệ chủ chốt mà công ty này cần.
Kết quả là SMIC đang tụt lại so với các đối thủ cùng ngành đến nhiều năm và ngành công nghiệp chip của Trung Quốc vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nước ngoài.
TSMC hiện có hai nhà máy chế tạo chip ở Trung Quốc nhưng các cơ sở này sản xuất chip ít phức tạp hơn so với nhà máy ở Arizona, theo CNBC.
Liên minh sản xuất chip
Mỹ cũng đang tìm cách thiết lập quan hệ đối tác về chất bán dẫn với các đồng minh châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc, nhằm mục đích đảm bảo nguồn cung linh kiện quan trọng và duy trì vị thế dẫn đầu so với Trung Quốc.
Giữa lúc đó, TSMC đang bị kẹt trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo lời ông Prakash, hãng chip Đài Loan có thể buộc phải chọn phe. Cam kết của TSMC với nhà máy ở Arizona có thể là dấu hiệu cho thấy hãng đang đứng về phía nước nào.
“Trên thực tế, TSMC đã chọn xong phe. Họ đầu tư vào Mỹ để hỗ trợ việc sản xuất chip của Mỹ. Đồng thời, TSMC cũng từng nói rằng họ muốn làm việc với các ‘nền dân chủ’ như châu Âu…”, vị chuyên gia lập luận.
“Câu hỏi đặt ra là khi căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc leo thang, liệu TSMC có thể duy trì vị thế của mình (tức là vẫn liên kết với phương Tây) hay sẽ buộc phải điều chỉnh lại chiến lược địa chính trị của họ”, ông Prakash nêu vấn đề.