|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cuộc khủng hoảng thật sự trên đảo Đài Loan chỉ bắt đầu khi bà Pelosi trở về Mỹ

08:37 | 04/08/2022
Chia sẻ
Mặc dù Mỹ-Trung tạm tránh được một cuộc đối đầu quân sự trực diện, nhưng dư chấn từ chuyến thăm đảo Đài Loan có thể chỉ được cảm nhận khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi về nước.

Theo YonhapNews, máy bay chở bà Nancy Pelosi đã hạ cánh xuống Hàn Quốc vào tối hôm 3/8, sau chuyến thăm chóng vánh tới đảo Đài Loan.

Lãnh đạo cơ quan đối ngoại đảo Đài Loan Joseph Wu (trái) chào tạm biệt bà Pelosi (giữa). (Ảnh: Cơ quan ngoại giao đảo Đài Loan).

Những lo ngại ban đầu về một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc đã qua đi. Tuy nhiên, The Washington Post nhận định, ảnh hưởng từ chuyến công du sẽ chỉ bắt đầu sau khi bà Pelosi trở về nhà, trong vòng nhiều tuần, nhiều tháng hay thậm chí hàng năm.

Tốc độ và cường độ cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ngày càng leo thang, làm thay đổi mãi mãi mối quan hệ hai nước, và đảo Đài Loan sẽ bị kẹt lại ở giữa.

Hai bên cùng kiềm chế

Trong vài tuần, các quan chức an ninh cấp cao của Tổng thống Biden đã cố gắng thuyết phục bà Pelosi trì hoãn chuyến đi, cho rằng rủi ro bị Trung Quốc trả đũa không xứng đáng với lợi ích có thể đạt được vào thời điểm này.

Nhưng khi chuyến thăm được xác nhận, Ngoại trưởng Antony Blinken đã công khai bày tỏ sự ủng hộ và kêu gọi Trung Quốc không leo thang tình hình vốn đã căng thẳng.

Để tránh những hành động khiêu khích, máy bay của Không quân Mỹ chở phái đoàn Chủ tịch Hạ viện Pelosi đã bay vòng qua Philippines trên đường từ Kuala Lumpur đến Đài Bắc.

 

Không có chiến đấu cơ Mỹ nào hộ tống máy bay của bà Pelosi, mặc dù Washington có sự hiện diện quân sự rất lớn tại khu vực này. Ưu tiên cấp thiết của chính quyền Tổng thống Biden là giảm nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu.

Và dù quân đội Trung Quốc có khả năng thực hiện một số động thái gây hấn hơn nữa, Bắc Kinh cũng cố gắng tránh một cuộc đối đầu trực diện, ít nhất vào thời điểm hiện tại.

Một cái cớ hoàn hảo

Một số quan chức Mỹ cho biết, phản ứng của Bắc Kinh sẽ theo từng giai đoạn và chủ yếu không phải trong lĩnh vực quân sự. Những sự trả đũa này có thể thay đổi mãi mãi quan hệ Mỹ-Trung và khiến đảo Đài Loan phải gánh chịu tổn thất lâu dài.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết: “Trung Quốc dường như sẽ có những bước tiến xa hơn trong những ngày tới và cả trong tương lai lâu dài”.

Trong cuộc điện đàm tuần trước với Chủ tịch Tập Cận Bình, một mặt, ông Biden bảo vệ chuyến đi của bà Pelosi, mặt khác tái khẳng định chính sách của Mỹ đối với vấn đề đảo Đài Loan.

Các quan chức Mỹ đã nói chính phủ Trung Quốc rằng chuyến đi của bà Pelosi không phải là một hành động khiêu khích có chủ ý, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc không tin rằng Tổng thống Biden hoàn toàn bất lực trong việc ngăn chặn Chủ tịch Hạ viện.

Một số quan chức Mỹ tin rằng một nhóm lãnh đạo Bắc Kinh đang muốn sử dụng chuyến đi của bà Pelosi như một cái cớ để thay đổi hiện trạng giữa Trung Quốc và đảo Đài Loan. 

Phía Mỹ tin rằng đòn trả đũa ngắn hạn của Bắc Kinh có thể sẽ nhắm vào nền kinh tế và xã hội của Đài Loan. Trước khi bà Pelosi hạ cánh, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố cấm hơn 100 mặt hàng xuất khẩu từ đảo Đài Loan. 

Cuộc tập trận này của Trung Quốc bao vây xung quanh đảo Đài Loan. ADIZ là vùng nhận dạng phòng không.

Về lâu dài, Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng chuyến công du của bà Pelosi như một cái cớ để nới rộng cán cân quân sự trên eo biển Đài Loan.

Trung Quốc cũng có thể tăng cường các cuộc tấn công mạng và chiến tranh thông tin vào đảo Đài Loan. Hôm 1/8, Bắc Kinh đã đóng cửa ứng dụng truyền thông và mạng xã hội Weibo tại hòn đảo này.

Một quan chức Mỹ cho biết: “Bắc Kinh có rất nhiều công cụ để làm tổn thương đảo Đài Loan”. 

“Những gì chúng tôi học được trong nhiều năm là khi Trung Quốc nhận thấy bước đi sai lầm của đối thủ, họ thường quyết liệt bước lên để giành lợi thế", quan chức này nói.

Về mặt song phương, Bắc Kinh hiện đã có cớ để từ chối lời đề nghị từ chính quyền Tổng thống Biden về việc đặt "giới hạn" cho cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.

Khi Trung Quốc cố gắng thay đổi hiện trạng qua eo biển vào năm 1995, được gọi là Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ ba, chính quyền Tổng thống Clinton đã thể hiện quyết tâm, và sau 9 tháng căng thẳng, cuối cùng phía Trung Quốc đã nhượng bộ.

Một cuộc khủng hoảng năm 1995 đã được ngăn chặn, nhưng trò chơi chiến lược từ đó đã thay đổi mãi mãi. Kể từ đó, Trung Quốc đã bắt đầu cái mà các quan chức quân sự Mỹ gọi là “công cuộc xây dựng quân đội lớn nhất trong lịch sử”.

Mặc dù các nhà lập pháp có thể thăm đảo Đài Loan thoải mái mà không bị trừng phạt, nhưng gánh nặng về sự trả đũa của Trung Quốc có thể ảnh hưởng nhiều tới hòn đảo này. Và chính quyền Tổng thống Biden cũng có một phần trách nhiệm.

Minh Quang