Chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi đã khép lại, nhưng ảnh hưởng tới thị trường toàn cầu thì chưa
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng. Thêm vào đó, chuỗi cung ứng mong manh cũng đang đứng trước một áp lực mới và công chúng đang đồn đoán rằng liệu Bắc Kinh có vũ khí hoá lượng trái phiếu Kho bạc Mỹ khổng lồ mà nước này đang nắm giữ.
Từ các sự việc nêu trên, các nhà đầu tư nhận định rằng chuyến thăm đảo Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có thể có tác động lâu dài đến thị trường toàn cầu, theo hãng tin Bloomberg.
Chuyến đi của bà Pelosi một lần nữa nêu bật lên rủi ro thị trường khi mối quan hệ cạnh tranh giữa hai siêu cường ngày càng gay gắt. Nếu tình hình tiếp tục xấu đi, điều đó có thể tác động đến các khoản đầu tư chiến lược vào thị trường Trung Quốc, hàng hoá toàn cầu và các tài sản trú ẩn.
Ông Michael Every - trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tài chính châu Á tại Rabobank, cho hay: “Ảnh hưởng của quan hệ Mỹ - Trung tới thị trường sẽ kéo dài hơn nhiều so với mức độ quan tâm của các nhà đầu tư”.
“…các chiến lược gia địa chính trị nhìn chung đều nhất trí rằng chúng ta vẫn có nguy cơ chứng kiến một cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ tư”, ông cảnh báo với Bloomberg.
Các nhà đầu tư đang tiếp tục phân tích tin tức để tìm hiểu xem Trung Quốc có thể trả đũa chuyến thăm của bà Pelosi như thế nào, ngoài các cuộc tập trận quân sự và hạn chế thương mại với Đài Loan.
"Vũ khí hoá" trái phiếu Kho bạc?
Khi lợi suất trái phiếu Kho bạc tăng mạnh trong phiên ngày 2/8, một số người đã tranh luận rằng liệu Trung Quốc sẽ làm gì với lượng trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá gần 1.000 tỷ USD mà họ đang nắm giữ.
Ông Ian Lyngen, chiến lược gia tại hãng tài chính BMO Capital Markets, bình luận: “...chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi người ta đồn đoán rằng Trung Quốc sẽ sử dụng trái phiếu Kho bạc để trả đũa chuyến thăm của bà Pelosi”.
“Nếu kịch bản đó xảy ra, chúng tôi e là xu hướng giảm giá trên thị trường trái phiếu Kho bạc sẽ khá hạn chế vì ảnh hưởng [từ động thái trả đũa của Trung Quốc] trong ngắn hạn có thể sẽ bị lu mờ bởi tác động tiêu cực đến triển vọng vĩ mô toàn cầu”, ông Lyngen dự đoán.
Khối nợ của Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ cho thấy mức độ gắn bó của cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, mối quan hệ song phương giữa hai nước đã thay đổi trong 6 năm qua bởi các tranh chấp về thương mại, cạnh tranh công nghệ, an ninh và khả năng doanh nghiệp Trung Quốc bị huỷ niêm yết tại Mỹ.
Chia sẻ với Bloomberg, ông Xiadong Bao - nhà quản lý quỹ tại Edmond de Rothschild Asset Management, cho hay: “Sự trở lại chính thức của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương chắc chắn sẽ đẩy nhanh sự tách biệt giữa Mỹ và Trung Quốc”.
“Bởi xu hướng này vẫn đang tiếp tục, các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho một cuộc kiểm tra tâm lý mới có thể khiến thị trường biến động mạnh trong ngắn hạn”, ông Bao khuyến nghị.
Phân bổ tài sản và rắc rối chuỗi cung ứng
Các nhà phân tích khác cũng vạch ra một cái nhìn dài hạn hơn, cho thấy chuyến thăm của bà Pelosi có thể trở thành một thời khác quan trọng trong lịch sử châu Á - Thái Bình Dương và có khả năng thay đổi việc phân bổ tài sản trong khu vực.
Nhà quản lý quỹ Huang Huiming của Nanjing Jing Heng Investment Management nói có thể Bắc Kinh sẽ sử dụng “chiến thuật cắt lát salami” và gợi ý tác động của đòn này tới chuỗi cung ứng vốn đã rất mong manh. Chiến thuật cắt lát salami là một cách tiếp cận từng phần nhằm gây chia rẽ và chiến thắng đối thủ.
“Quan sát kỹ các vùng tập trận, chúng ta có thể nhận ra đây là khu vực gần Đài Loan nhất từ trước đến nay và Trung Quốc đang bao vây hòn đảo. Tất cả các động thái quân sự ban đầu đều được nguỵ trang thành tập trận”, ông Huang cho hay.
“Chúng ta có thể lo ngại rằng các cuộc tập trận có thể ngày càng kéo dài và căng thẳng hơn, từ đó tác động đến chuỗi cung ứng. Chỉ là chúng ta hiện chưa thấy dấu hiệu cho thấy điều đó đang xảy ra ngay bây giờ”, nhà quản lý quỹ nói thêm.
Khi tình hình có vẻ bất ổn và khó lường, đôi khi các giao dịch lớn nhất lại là mua vào những tài sản trú ẩn truyền thống như trái phiếu Kho bạc và đồng USD, bà Jessica Amir tại Saxo Capital Markets nhận định.
“Căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gia tăng. Các nhà đầu tư rồi sẽ tìm về các tài sản trú ẩn an toàn và đồng USD sẽ được mua vào rất mạnh”, vị chiến lược gia của Saxo Capital cho hay.
Kinh tế trưởng Shan Oliver của AMP Capital Markets có cùng quan điểm với bà Amir. Ông nói: “Về lâu dài, chúng ta sẽ chứng kiến sẽ leo thang căng thẳng thời chiến tranh lạnh giữa phương Tây và Trung Quốc/Nga. Điều này đồng nghĩa rằng phần bù rủi ro sẽ tăng cao hơn”.