|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

6 cách Trung Quốc có thể trả đũa chuyến thăm đảo Đài Loan của bà Pelosi

14:16 | 03/08/2022
Chia sẻ
Sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã đặt chân tới đảo Đài Loan vào tối 2/8 và gặp gỡ nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, cả thế giới đang chờ đợi các phản ứng từ Bắc Kinh về quân sự, chính trị cũng như ngoại giao, kinh tế.

Theo Bloomberg, trong cuộc điện đàm tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Joe Biden rằng “Những kẻ đùa với lửa sẽ bị thiêu rụi”, ám chỉ tới chuyến công du của bà Pelosi.

Tất nhiên, cả Bắc Kinh và Washington đều không muốn tạo ra một cuộc xung đột gây ảnh hưởng tới kinh tế tại quê nhà. Cuộc điện đàm tuần trước cho thấy nhà lãnh đạo hai nước đã có kế hoạch gặp mặt trực tiếp trong những tháng tới.

Bà Nancy Pelosi (trái) và nhà lãnh đạo Thái Anh Văn hôm 3/8. (Ảnh: Reuters).

Mặc dù Mỹ đã hủy bỏ hiệp ước phòng thủ chung với đảo Đài Loan từ năm 1979, Trung Quốc cũng cần suy xét đến trường hợp quân đội Washington sẽ can dự.

Vào tháng 5, ông Biden đã khẳng định rằng Mỹ sẽ bảo vệ đảo Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc tấn công, nhưng sau đó Nhà Trắng đính chính rằng ý của Tổng thống là Washington sẽ cung cấp vũ khí theo những thỏa thuận đã ký kết.

Ông Andrew Gilholm, Giám đốc phân tích Trung Quốc và Bắc Á tại Control Risks cho biết: “Hạn chế lớn đối với cả hai bên đó là nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh tốn kém”.  Theo Bloomberg, Trung Quốc có thể đáp trả bằng những cách sau:

1. Tăng cường bay vào không phận Đài Loan

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vốn dĩ đã thường xuyên đưa máy bay vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Vì vậy, Trung Quốc sẽ cần phải gửi đi một lượng rất lớn máy bay hoặc thực hiện những chuyến bay bất thường để thể hiện một thông điệp mới.

Theo cơ quan phụ trách quốc phòng của đảo Đài Loan, tối ngày 2/8, khoảng 21 máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã đi vào ADIZ của hòn đảo.

 

Kỷ lục được thiết lập vào ngày 4/10/2021 khi 56 máy bay đã đi vào vùng nhận dạng phòng không của đảo Đài Loan, trùng với thời điểm Mỹ tập trận. Vào tháng 11/2021, 15 máy bay đã bay sang phía đông của hòn đảo, thay vì theo hướng tây nam thông thường, sau khi đoàn nghị sĩ Quốc hội Mỹ tới thăm đảo Đài Loan. 

Mỗi lần máy bay Trung Quốc tiến vào không phận Đài Loan, các phi công Đài Loan cũng phải cất cánh để canh chừng. Trung Quốc có thể duy trì mức độ khiêu khích này nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, làm cạn kiệt năng lực của hệ thống Không quân đảo Đài Loan.

Ông Amanda Hsiao, nhà phân tích cấp cao tại Crisis Group cho biết Trung Quốc sẽ phải đáp trả quân sự “theo cách leo thang hơn so với những lần phô trương sức mạnh trước đây”.

2. Cho máy bay quân sự lượn qua đảo Đài Loan

Tờ Global Times (Thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc) gợi ý rằng Trung Quốc nên tiến hành các chuyến bay qua lãnh thổ đảo Đài Loan, buộc chính quyền đảo Đài Loan phải xem xét việc bắn hạ máy bay.

Năm ngoái, người đứng đầu cơ quan quốc phòng đảo Đài Loan, ông Khâu Quốc Chính cảnh báo: “Trung Quốc càng tới gần, chúng tôi sẽ càng đáp trả mạnh mẽ”.

Ngoài ra, việc gửi các máy bay quân sự vào sâu hoặc qua đường trung tuyến eo biển Đài Loan sẽ tạo áp lực lên lực lượng quân đội của hòn đảo. Máy bay của PLA đã liên tục vượt qua ranh giới này vào tháng 9/2020 khi cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ tới thăm hòn đảo.

Theo Reuters, sáng hôm 2/8, một số máy bay của PLA đã bay gần đường trung tuyến của eo biển.

3. Thử tên lửa

Vào mùa hè năm 1995, Tổng thống Bill Clinton mời nhà lãnh đạo đảo Đài Loan, ông Lý Đăng Huy tới thăm Mỹ. Bắc Kinh đã đáp trả bằng việc phóng tên lửa ra vùng biển gần với hòn đảo. Trong thời gian thử tên lửa, Trung Quốc đã tuyên bố khu vực loại trừ xung quanh mục tiêu, làm gián đoạn giao thông đường biển và hàng không.

Tháng 4/2020, PLA đã phóng tên lửa đạn đạo “diệt tàu sân bay” vào Biển Đông nhằm đáp trả việc Hải quân Mỹ tập trận.

Theo Tân Hoa Xã, PLA dự kiến sẽ tiến hành bắn đạn thật tầm xa ở eo biển Đài Loan và thử nghiệm tên lửa không mang đầu đạn hạt nhân ở ngoài khơi bờ biển phía đông của hòn đảo, nhằm đáp trả chuyến thăm của bà Pelosi.

Các khu vực Trung Quốc dự kiến tập trận. (Ảnh: People's Daily).

4. Tung đòn kinh tế

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của đảo Đài Loan. Bắc Kinh có thể sử dụng lợi thế này bằng cách cấm vận một số mặt hàng nhập khẩu, tẩy chay hoặc hạn chế thương mại song phương.

Hôm 1/8, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thực phẩm từ hơn 100 nhà cung ứng của đảo Đài Loan. Tuy nhiên, Bắc Kinh cần cẩn thận bởi đại lục vẫn cần chip bán dẫn từ TSMC - nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới có trụ sở ở Đài Loan.

Đảo Đài Loan sản xuất khoảng 64% chip bán dẫn trên toàn cầu, tính theo doanh số năm 2021. 

Trung Quốc cũng có thể làm gián đoạn hoạt động vận tải biển qua eo biển Đài Loan, một tuyến đường giao thương quan trọng. Gần đây, các quan chức quốc phòng Trung Quốc đã tuyên bố với phía Mỹ rằng eo biển không phải là hải phận quốc tế.

Tuy nhiên, bất cứ động thái nào ảnh hưởng tới hoạt động thương mại qua eo biển cũng sẽ gây hại tới nền kinh tế Trung Quốc.

5. Ngoại giao

Tờ Global Times cảnh báo rằng chính quyền Tổng thống Biden sẽ phải đối mặt với một bước lùi “nghiêm trọng” sau chuyến công du của bà Pelosi. Trung Quốc có thể sẽ triệu hồi Đại sứ Tần Cương, người vừa nhận chức năm ngoái.

Vào năm 1995, Bắc Kinh đã triệu hồi Đại sứ Li Daoyu sau khi Washington cho phép nhà lãnh đạo đảo Đài Loan tới thăm Mỹ.

Năm ngoái, Trung Quốc triệu hồi Đại sứ tại Litva (Lithuania) sau khi quốc gia vùng biển Baltic này cho phép đảo Đài Loan mở một văn phòng đại diện tại thủ đô Vilnius dưới tên gọi “Đài Loan”, thay vì Đài Bắc Trung Quốc.

Hôm 2/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh sẽ liên lạc với Đại sứ Mỹ “khi cần thiết”. 

Theo Tân Hoa Xã, giữa đêm 2/8, Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong đã tức tốc triệu tập Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông Nicholas Burns để khiển trách và phản đối mạnh mẽ việc bà Pelosi tới thăm đảo Đài Loan.

6. Chiếm một hòn đảo

Bắc Kinh có nhiều lựa chọn quân sự tốt hơn việc tấn công đảo Đài Loan, chẳng hạn như chiếm một số hòn đảo nhỏ đang do chính quyền Đài Bắc kiểm soát.

Trong những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh, PLA đã pháo kích đảo Kim Môn, nằm ngay sát bờ biển Trung Quốc đại lục. Hàng trăm binh sĩ của phía Đài Loan đã thiệt mạng.

 

Một lựa chọn khác cho PLA là đảo Đông Sa, cách bờ biển đảo Đài Loan khoảng 400 km về phía tây nam. Vào năm 2012, Trung Quốc đã chiếm Bãi cạn Scarborough từ tay Philippines. 

Tuy nhiên, việc chiếm một hòn đảo từ tay chính quyền Đài Bắc có thể khiến Mỹ phản ứng lại bằng các biện pháp trừng phạt và khiến những người hàng xóm châu Á trở nên cảnh giác hơn.

Minh Quang

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.