|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vị trí địa lý chiến lược khiến Đài Loan cực quan trọng với cả Trung Quốc và Mỹ

12:47 | 04/08/2022
Chia sẻ
Với vị trí chiến lược về cả mặt quân sự và kinh tế, địa hình khó tiến công dễ phòng thủ, đảo Đài Loan là một nhân tố không thể phớt lờ trong sự phát triển của Trung Quốc cũng như nỗ lực của Mỹ nhằm gia tăng ảnh hưởng ở Đông Á.

Vị trí chiến lược

Đảo Đài Loan nằm ở phía đông nam Trung Quốc, cách đại lục khoảng 130 km. Chia cắt giữa hòn đảo này và Trung Quốc là eo biển Đài Loan dài khoảng 180 km. Tổng diện tích của đảo Đài Loan khoảng 35.000 km2, nhỉnh hơn một chút so với đảo Hải Nam.

Ban đầu, đảo được nhà Thanh kiểm soát. Vào năm 1895, sau khi thất bại trong cuộc Chiến tranh Trung-Nhật, Nhật Bản đã kiểm soát hòn đảo này.

Tới năm 1945, Nhật thua trận trong Thế chiến II, hòn đảo về tay Trung Quốc. Nội chiến Trung Quốc kết thúc với sự thắng lợi của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Quốc dân đảng của nhà lãnh đạo Tưởng Giới Thạch phải chạy về đảo Đài Loan.

Tuy diện tích không quá lớn, đảo Đài Loan chiếm là một mắt xích quan trọng trong “chuỗi đảo thứ nhất” (first island chain), bao gồm những quốc gia và vùng lãnh thổ thân Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, đảo Đài Loan, Philippines. Những đảo và bán đảo này tạo thành một lá chắn, giúp Mỹ kiểm soát tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.  

"Chuỗi đảo thứ nhất" ôm trọn đường ra biển của Trung Quốc.  

Đảo Đài Loan có lẽ là mắt xích quan trọng nhất trong “chuỗi đảo thứ nhất” do vị trí nằm chính giữa Nhật Bản, Hàn Quốc ở phía đông bắc và Philippines ở phía đông nam. Đồng thời, đảo Đài Loan nằm gần Trung Quốc nhất trong cả 4 hòn đảo, bán đảo trên.

Hàng hóa hay hải quân muốn đi từ Hàn Quốc, Nhật Bản xuống phía nam hay ngược lại đều sẽ qua khu vực ảnh hưởng của đảo Đài Loan. 

Đồng thời, đường ra biển từ những khu vực quan trọng phía nam của Trung Quốc như Quảng Châu, Phúc Kiến hay Hong Kong đều bị đảo Đài Loan và Philippines chặn lại.

Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào biển, vì vậy, đảo Đài Loan nắm một vị trí vô cùng quan trọng tới kinh tế và an ninh của đất nước tỷ dân.

Tuyến hàng hải quan trọng

Theo Bloomberg, eo biển Đài Loan là tuyến đường huyết mạch cho tàu hàng từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sang phía tây, mang theo hàng hóa từ các nhà máy châu Á tới châu Âu, châu Mỹ …

 Eo biển Đài Loan nằm trên tuyến vận tải biển tấp nập nhất thế giới. 

Bất kỳ hành động nào ảnh hưởng tới tuyến vận tải này đều khiến chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã mong manh sau đại dịch COVID và xung đột Ukraine, càng thêm đứt gãy.

Chỉ số Hàng hải và Vận tải Taiex đã sụt giảm 3,2% vào hôm 2/8 trên sàn chứng khoán của đảo Đài Loan. Cổ phiếu hãng vận tải Evergreen Marine cũng đã sụt giảm tới 3,7%.

Trung Quốc, với vai trò là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi bất cứ hành động quân sự nào ảnh hưởng tới tuyến vận tải quan trọng này.

7 tháng đầu năm 2022, khoảng 48% trong tổng số 5.400 tàu container đã đi qua eo biển Đài Loan, chở theo quần áo, đồ gia dụng, điện thoại và chip bán dẫn từ Trung Quốc và đảo Đài Loan đi khắp 5 châu.

Nếu chỉ tính riêng 10 đội tàu lớn nhất thế giới thì tuyến hàng hải này chiếm khoảng 88% tổng lưu lượng toàn cầu. Những đội tàu lớn thường hoạt động xuyên lục địa, tới các thị trường lớn như châu Âu.

Với cuộc tập trận của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sắp diễn ra, tuyến hàng hải quan trọng này sẽ bị ảnh hưởng nghiệm trọng.

Tuy nhiên, theo ông Carl Schuster, cựu Giám đốc vận hành tại Trung tâm Tình báo chung của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho biết: “Việc phong tỏa toàn bộ eo biển sẽ rất khó khăn và có nguy cơ xảy ra đối đầu gây bất lợi cho Trung Quốc”. 

Khu vực tập trận (những ô tứ giác màu sáng) nằm trên tuyến hàng hải tập nập nhất thế giới. 

Dầu thô - mạch sống của Trung Quốc cũng phải đi quan những khu vực nằm trong tầm ảnh hưởng của đảo Đài Loan. Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, khoảng 80% dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc phải đi eo biển Malacca, rồi vòng lên biển Đông.

Mặc dù tàu hàng có thể chuyển hướng đi qua vùng biển nằm giữa Philippines và đảo Đài Loan, nhưng mùa bão ở Biển Đông khiến việc di chuyển trở nên vô cùng mạo hiểm.

Theo Cơ quan Quản lý Dịch vụ Khí quyển, Địa vật lý và Thiên văn Philippines, không ở đâu trên thế giới có nhiều bão nhiệt đới như Philippines. Trung bình, khu vực này đối mặt với khoảng 20 cơn bão một năm.

Vào năm 2021, ba cơn bão đã đi qua Hong Kong và Thượng Hải, làm các tàu trôi khỏi cảng, gây ra đứt gãy lớn trong chuỗi cung ứng.

"Tàu sân bay không thể bị đánh chìm"

Theo TaiwanNews, Thống tướng Douglas MacArthur, người đóng vai trò vô cùng quan trọng trên mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II, từng mô tả đảo Đài Loan như một “tàu sân bay không thể bị đánh chìm”. Ông khẳng định rằng hòn đảo này không được “rơi vào tay những thế lực đối địch [với Mỹ]”. 

Khi Thống tướng MacArthur nhắc đến đảo Đài Loan như một tàu sân bay không thể bị nhấn chìm, ông ca ngợi hòn đảo trong những chiến lược được Mỹ sử dụng nhằm kìm hãm Trung Quốc thời Chiến tranh Lạnh.

Ông ví von đảo Đài Loan như vũ khí mạnh mẽ nhất của Hải quân Mỹ - tàu sân bay. Máy bay chiến đấu có thể cất cánh từ hòn đảo chỉ cách bờ biển Trung Quốc khoảng 130 km.

Đảo Đài Loan có tiềm lực quân sự đứng thứ 21 trên toàn thế giới, cao hơn 1 bậc so với Ukraine.

Năm 1972, Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, chính thức công nhận Bắc Kinh là chính quyền hợp pháp duy nhất và nắm được tuyên bố của Bắc Kinh rằng đảo Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Từ đó về sau, hòn đảo này lại mang ý nghĩa khác.

Với sức mạnh quân sự và tầm ảnh hưởng ngày một lớn mạnh của Trung Quốc, đảo Đài Loan không mang nhiều sức mạnh răn đe (như một con tàu sân bay) mà mang ý nghĩa phòng thủ, cản trở Bắc Kinh phóng tầm ảnh hưởng ra thế giới.

Khó công, dễ thủ

Không chỉ về mặt vị trí mà cả địa hình của đảo Đài Loan cũng xứng với danh xưng “tàu sân bay không thể bị đánh chìm”. Bao bọc 4 bề là nước, bất cứ cuộc tấn công nào lên đảo Đài Loan cũng sẽ phải bằng đường không, hoặc đường biển. 

Theo RT, để đổ bộ lên đảo Đài Loan, chỉ có hai hướng là bắc/đông bắc và tây nam.Tuy nhiên, những dải đất này đều tương đối hẹp và đô thị dày đặc. Các thành phố của đảo Đài Loan đều có mật độ dân số cao, khiến việc tấn công có thể trở thành thảm họa nhân đạo.

Khác với đảo Đài Loan, địa hình của Ukraine là một đồng bằng rộng lớn. Thiết giáp, pháo binh của Nga có thể dễ dàng vượt qua. Trong khi đó, phía tây đảo Đài Loan là các đô thị lớn, phía đông là các dãy núi cao, chia đôi hòn đảo.

Đào Đài Loan chỉ có thể đổ bộ từ đường biển, ở hướng tây, qua các đô thị đông dân cư,

Xung đột Ukraine giờ đã bước sang tháng thứ 5 nhưng Nga mới chỉ kiểm soát được khoảng 20% diện tích, bất chấp những lợi thế về địa hình. Moscow, với quân đội mạnh thứ hai trên thế giới, phải mất tới 82 ngày để kiểm soát hoàn toàn thành phố Mariupol với khoảng 500.000 dân. 

Các thành phố trên đảo Đài Loan, chẳng hạn như Đài Bắc hay Cao Hùng, có dân số và diện tích lớn gấp nhiều lần Mariupol. Các đô thị của đảo Đài Loan có mật độ xây dựng cao, và được trang bị nhiều hầm trú bom, có thể chứa hàng chục triệu người.

Phía đông và đông nam của hòn đảo vô cùng khó để đổ bộ do địa hình cao, có những dãy núi với độ cao trên 3.000 mét. Cách duy nhất để tiếp cận những khu vực này là sử dụng trực thăng, hoặc nhảy dù. 

Đồng thời, bất cứ cuộc đổ bộ nào lên đảo Đài Loan cũng sẽ khiến Mỹ phải can thiệp. Mặc dù không rõ Washington sẽ tham gia đến mức nào, tuy nhiên việc chia sẻ thông tin tình báo với chính quyền đảo Đài Loan gần như là chắc chắn.

Việc tập hợp binh lính, chuyển lên trực thăng, và tàu đổ bộ chắc chắn sẽ bị vệ tinh biết trước nhiều ngày. Vào năm 1944, trong cuộc đổ bộ lên Normandy, Phát xít Đức phải đoán xem quân Đồng Minh sẽ tấn công vào đâu và khi nào.

Câu hỏi “ở đâu” với đảo Đài Loan đã được trả lời vào năm 1949, còn “khi nào” thì sẽ được Mỹ báo trước ít nhất là một ngày.

Lực lượng không quân và hải quân của đảo Đài Loan không quá mạnh, những cũng không quá yếu trong khu vực. Nếu đợt tấn công phủ đầu không thể loại bỏ được những lực lượng này, thì phe tấn công có thể sẽ phải chịu nhiều tổn thất to lớn.

Minh Quang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.