|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chuyên gia dự báo Mỹ sẽ mất một nửa không quân nếu muốn bảo vệ đảo Đài Loan khỏi tấn công quân sự

10:49 | 11/08/2022
Chia sẻ
Trò chơi chiến tranh được các cựu quan chức quốc phòng Mỹ thực hiện cho thấy cái giá khủng khiếp mà Mỹ sẽ phải trả nếu muốn bảo vệ được đảo Đài Loan.

Theo Bloomberg, khi Trung Quốc đang tiến hành những đợt tập trận quy mô lớn ngoài khơi đảo Đài Loan vào tuần trước thì một nhóm các chuyên gia quốc phòng tại Washington cũng đang mô phỏng một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung nhằm kiểm soát hòn đảo.

Trò chơi chiến tranh mô phỏng (war game) được thực hiện tại tầng 5 của một văn phòng không xa Nhà Trắng. Trong trò chơi này, quân đội Mỹ phải đối đầu với cuộc tấn công của Trung Quốc lên đảo Đài Loan vào năm 2026.

Mặc dù chiến thắng thuộc về phía Mỹ, nhưng cái giá phải trả là vô cùng lớn.

Mỹ hiện vượt trội hơn Trung Quốc về số lượng xe tăng, máy bay, tàu ngầm và tàu chiến cỡ lớn.

Chiến thắng thuộc về Mỹ

“Kết quả mô phỏng cho thấy trong đa số trường hợp, đảo Đài Loan có thể đẩy lùi một cuộc đổ bộ”, ông Mark Cancian, một cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết.

“Tuy nhiên, tổn thất tới cơ sở hạ tầng và nền kinh tế của đảo Đài Loan cũng như lực lượng hải quân của Mỹ tại Thái Bình Dương là vô cùng cao”, ông khẳng định.

Trong những phiên họp kéo dài đến tháng 9, các tướng lĩnh và sĩ quan Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu và cựu quan chức Lầu Năm Góc sẽ cùng tham gia với CSIS.

Những quan chức kỳ cựu và chuyên gia sẽ di chuyển lực lượng được mô tả bằng các hộp màu xanh lam, đỏ và các hình vuông nhỏ bằng gỗ trên bản đồ của tây Thái Bình Dương và đảo Đài Loan. Kết quả sẽ được công bố rộng rãi vào tháng 12.

Mỹ có nhiều căn cứ quân sự xung quanh đảo Đài Loan.

Giả thiết được dùng trong đa số kịch bản mô phỏng là: Trung Quốc tấn công đảo Đài Loan nhằm thống nhất đất nước và Mỹ quyết định can thiệp mạnh mẽ bằng biện pháp quân sự.

Một giả định không chắc chắn khác là: Nhật Bản cho phép mở rộng quyền sử dụng các căn cứ Mỹ nằm trên lãnh thổ, và không can thiệp trực tiếp trừ khi bị tấn công.

Vũ khí hạt nhân không được sử dụng trong các kịch bản mô phỏng. Vũ khí của mỗi phe dựa trên khả năng mà các quốc gia đã chứng minh hoặc có kế hoạch cụ thể để triển khai vào năm 2026.

Việc Bắc Kinh bắn thử tên lửa trong những ngày gần đây để đáp lại chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã làm nổi bật những khả năng của Trung Quốc được giả định trong trò chơi.

Cái giá quá đắt

Trong 18 trên 22 vòng của trò chơi được thực hiện cho tới nay, tên lửa của Trung Quốc đã đánh chìm một phần lớn hạm đội mặt nước của Mỹ và Nhật Bản cũng như phá hủy “hàng trăm máy bay trên mặt đất”, ông Cancian cho biết.

“Tuy nhiên, cuộc phản công bởi lực lượng không quân và hải quân của Mỹ đã đập tan hạm đội tàu đổ bộ và mặt nước không được bảo vệ của Trung Quốc. Kết quả đánh chìm khoảng 150 con tàu”, ông nói.

“Nguyên nhân khiến thiệt hại của Mỹ cao như vậy là vì Washington không thể thực hiện một chiến dịch có hệ thống để phá hủy hệ thống phòng thủ của Trung Quốc trước khi tới gần”, ông Cancian cho hay.

“Mỹ phải gửi lực lượng tấn công hạm đội của Trung Quốc, đặc biệt các tàu đổ bộ, trước khi thiết lập ưu thế trên không và trên biển”, ông nói thêm.

“Để mọi người hiểu được quy mô thiệt hại thì trong lần mô phỏng gần nhất, Mỹ đã mất hơn 900 máy bay tiêm kích/cường kích trong vòng 4 tuần. Con số này tương đương với khoảng một nửa số máy bay trong tay Hải quân và Không quân”.

Trung Quốc không có nhiều lựa chọn để đổ bộ lên đảo Đài Loan.

Lực lượng tên lửa của Trung Quốc có “sức mạnh lớn nếu kho vũ khí vẫn còn”. Vì vậy, lực lượng tàu ngầm và máy bay ném bom của Mỹ với các tên lửa tầm xa đóng vai trò “đặc biệt quan trọng”.

“Với đảo Đài Loan, tên lửa chống hạm rất quan trọng, còn các tàu mặt nước và máy bay thì không hẳn”. Các tàu mặt nước “khó mà tồn tại khi Bắc Kinh vẫn còn tên lửa tầm xa”.

Trò chơi mô phỏng vẫn chưa tính đến số lượng người thiệt mạng hoặc tác động kinh tế sâu rộng do cuộc đụng độ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới gây nên.

Năng lực phòng thủ của đảo Đài Loan là một biến số đặc biệt quan trọng trong việc tính toán, bởi lực lượng của hòn đảo này sẽ có nhiệm vụ làm chậm và ngăn chặn những đợt đổ bộ bởi Trung Quốc từ phía nam.

“Thành công hay thất bại của cuộc chiến trên bộ phụ thuộc hoàn toàn vào lực lượng của đảo Đài Loan”, ông Cancian cho biết. “Trong tất cả các lần mô phỏng cho tới nay, Trung Quốc có thể thiết lập một vị trí đổ bộ, nhưng trong đa số trường hợp không thể tiến xa hơn”.

“Sự tiêu hao của hạm đội đổ bộ hạn chế lực lượng mà Trung Quốc có thể triển khai và duy trì. Trong một số trường hợp, Bắc Kinh có thể nắm giữ một phần nhưng không chiếm được toàn bộ hòn đảo”, ông giải thích.

Các loại tên lửa chống hạm như Harpoon của Mỹ và những vũ khí của đảo Đài Loan sẽ đóng vai trò lớn trong việc phá hủy lực lượng đổ bộ đường biển của Trung Quốc.

Tuy nhiên, hải quân và một nửa không quân của đảo Đài Loan sẽ bị phá hủy chỉ trong một ngày đầu của cuộc xung đột.

“Đảo Đài Loan có diện tích lớn và quân đội cũng không hề nhỏ”, ông Eric Heginbotham, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế MIT, người cũng tham gia trò chơi mô phỏng cho biết.

“Nhưng từ quan điểm định tính, quân đội đảo Đài Loan có tiềm năng trở nên lớn mạnh hơn, và chúng tôi đã tính đến vấn đề này trong mô phỏng. Kế hoạch xây dựng quân đội hoàn toàn dựa trên lính tình nguyện đã được bãi bỏ, và mặc dù lính nghĩa vụ vẫn là một thành phần quan trọng, nhưng những người lính này chỉ được phục vụ trong quân ngũ 4 tháng", ông nói.

Có lẽ điều đáng lo ngại nhất đối với Washington là: Chi phí tốn kém của một cuộc xung đột được giả định cho tới nay vẫn chưa phải giả thuyết thách thức nhất. “Chúng tôi vẫn chưa thử trường hợp bi quan nhất, khi Trung Quốc chiếm toàn bộ hòn đảo”, ông Cancian nói.

Ông cho biết 4 ván còn lại của trò chơi chiến tranh sẽ “nghiên cứu một số giả thiết khác, chẳng hạn như Mỹ trì hoãn sự hỗ trợ tới đảo Đài Loan, Nhật Bản duy trì sự trung lập và một trường hợp bi quan cho Trung Quốc nhiều lợi thế”.

Không quân Trung Quốc tập trận hôm 7/8. (Ảnh: Xinhua).

Ông David Ochmanek, một nhà nghiên cứu cao cấp của viện nghiên cứu RAND cho biết trò chơi chiến tranh mô phỏng của CSIS được “điều hành tốt và đáng tin cậy”.

Ông Ochmanek, người đã tham gia hàng chục trò chơi chiến tranh Trung - Mỹ, cho biết: “Trò chơi lần này sao chép kết quả những lần khác mà tôi đã từng tham gia với điều kiện là cùng mốc thời gian và sử dụng kịch bản cơ bản”.

Chìa khóa của “bất kỳ trò chơi mô phỏng tốt nào là có được những người tham gia với kiến thức, có thể mô phỏng một cách trung thực và sáng tạo những gì lực lượng của quốc gia họ sẽ làm".

“Đồng thời trò chơi cũng cần có được những người phán xử hay trọng tài để đánh giá một cách đáng tin cậy kết quả của các cuộc giao tranh và trận chiến”, ông Ochmanek nói.

Các trò chơi chiến tranh được chơi thường xuyên bởi các chính phủ và các tổ chức trên toàn thế giới. Mặc dù Lầu Năm Góc “đã tiến hành nhiều trò chơi chiến tranh, nhưng tất cả đều là tuyệt mật”. 

Minh Quang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.