|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tình báo phương Tây nói Nga đang gặp khó khăn, phải lùng mua thêm vũ khí nước ngoài

14:07 | 10/08/2022
Chia sẻ
Một tàu buôn bị Mỹ trừng phạt đã đi qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước. Tình báo phương Tây cho rằng con tàu này thực chất đã chở vũ khí quân sự từ Syria đến cho Nga.

Nga lùng mua thêm vũ khí

Cuối tháng trước, một tàu buôn đang bị chính phủ Mỹ trừng phạt đã đi qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ, trên đường từ Syria đến Nga. Các quan chức tình báo châu Âu theo dõi Sparta II nói con tàu này chở các phương tiện quân sự để hỗ trợ cho cuộc chiến của Tổng thống Vladimir Putin tại Ukraine.

Hành trình của Sparta II tới cảng Novorossiysk ở Biển Đen cho thấy nỗ lực của Điện Kremlin nhằm bổ sung nguồn lực cho quân đội Nga, khi các tuyến tiếp tế đều căng thẳng dưới áp lực của chiến sự. Đến nay, cuộc xung đột đã sắp bước sang tháng thứ 6.

Trong khi Ukraine nhận được hàng tỷ USD vũ khí từ Mỹ và châu Âu, Nga phải dựa vào nguồn lực của chính mình để hỗ trợ cho tiền tuyến, trong bối cảnh có nhiều báo cáo về thiệt hại lớn.

Bloomberg dẫn thông tin từ Washington cho biết, hàng chục nghìn binh lính Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương, đồng thời đã có hàng nghìn xe bọc thép bị phá huỷ trong vài tháng qua.

Một quan chức quen thuộc với tình hình nói chính phủ Mỹ tin rằng Nga đã sử dụng các tàu buôn để chuyển hàng hoá quân sự đến Biển Đen, tương tự với các báo cáo của tình báo châu Âu.

Sparta II gần như chắc chắn đã vận chuyển các phương tiện quân sự từ cảng Tartus của Syria đến Nga, theo nhận định của giới chức tình báo và hình ảnh vệ tinh của Bloomberg trong giai đoạn ngày 17 - 25/7.

Các nguồn tin không biết chính xác phương tiện trên tàu là gì. Song, con tàu đã được nhìn thấy tại Syria với một số máy móctrong hầm, sau đó bị phát hiện băng qua eo biển Bosphorus và cuối cùng được xác định ở cảng Novorossiysk với ít nhất 11 phương tiện có khả năng sắp hạ tải.

Con tàu Sparta II tại eo biển Bosphorus vào tháng 5 năm nay. (Ảnh: Marine Traffic).

Dữ liệu hàng hải cho thấy Sparta II thuộc sở hữu của Oboronlogistika OOO - một công ty do Bộ Quốc phòng Nga Kiểm soát và bị Mỹ trừng phạt vào tháng 5. Con tàu quả thực đã ra biển vào những ngày đó và có vẻ không bị thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ gây khó dễ.

Ankara đã viện dẫn Công ước Montreux để đóng eo biển Bosphorus đối với các tàu chiến ngay sau khi Nga động binh hồi cuối tháng hai, nhưng tàu thương mại vẫn có thể đi qua tuyến đường này.

Theo nguồn tin của Bloomberg, Nga đã sử dụng các tàu chở hàng của Oboronlogistika trên cùng tuyến đường biển vào những dịp khác trong năm nay. Công ty này đã vận chuyển hàng hoá quân sự nhiều lần từ Nga đến Syria trong quá khứ.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã chuyển các câu hỏi về vấn đề này cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói tàu buôn sẽ chỉ bị kiểm tra nếu có dấu hiệu sai phạm hoặc bị nghi ngờ có hành vi sai trái.

Iran và Triều Tiên vào tầm ngắm

Chính phủ Nga đã tích trữ kho vũ khí khổng lồ theo chương trình hiện đại hoá quân sự kéo dài một thập kỷ do ông Putin giám sát và các quan chức Điện Kremlin phủ nhận mọi vấn đề liên quan đến tiếp tế vật tư quân đội.

Song, giới chức Mỹ và châu Âu cho rằng việc mất một số lượng lớn xe tăng và xe bọc thép chở quân đang buộc Moscow phải dùng đến các thiết bị cũ hơn, bao gồm cả xe tăng T-62 đã có tuổi đời hàng chục năm.

Tương tự Nga, Ukraine cũng không tiết lộ quy mô tổn thất quân sự của mình, dù nước này đã phải đối mặt với những thách thức về hậu cần trước một kẻ thù lớn hơn nhiều, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.

Trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal cuối tháng 7, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết thương vong trên chiến trường đã giảm từ mức cao nhất là 100 - 200 người mỗi ngày trong tháng 5 và 6 xuống còn 30 người mỗi ngày.

Ngoài ra, còn có dấu hiệu Điện Kremlin đang cố gắng tìm kiếm nguồn cung vũ khí từ các nơi khác. Tại một diễn đàn an ninh tháng trước, Giám đốc CIA William Burns nói Nga đang tìm tới Iran để mua thêm máy bay không người lái có vũ trang.

Theo ông Burns, điều đó chỉ ra “những khiếm khuyết của ngành công nghiệp quốc phòng Nga ngày nay và những khó khăn mà nước này gặp phải sau loạt tổn thất lớn thời gian vừa qua”.

Một nguồn tin khác am hiểu về chính sách quốc phòng của Nga cho biết, Triều Tiên có thể trở thành nguồn cung cấp pháo mới cho Nga bởi nước này có các hệ thống chất lượng tốt và tháng trước đã công nhận hai nước cộng hoà ly khai Donetsk và Luhansk mà Điện Kremlin hậu thuẫn ở miền đông Ukraine.

Khả Nhân