|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đức chìm vào ác mộng năng lượng: Trách Nga không bằng tự trách mình

10:38 | 29/07/2022
Chia sẻ
Theo tờ Economist, chính sách năng lượng của Đức là ước muốn viển vông đã kéo dài quá lâu. Nếu muốn đảm bảo an ninh năng lượng và thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga, Đức cần hành động thực tiễn hơn.

(Hình minh họa: Peter Schrank/Economist). 

Chuyện cổ tích từ xưa

Câu chuyện của nước Đức đã được thuật lại nhiều lần dưới nhiều hình thức khác nhau. Phiên bản cổ tích được ghi lại hơn 200 năm trước bởi Anh em nhà Grimms, viết về người chăn cừu Karl Katz ở cao nguyên Harz, miền trung nước Đức.

Vào một đêm, con dê lạc đàn dẫn Katz vào sâu trong một hang động. Bị cám dỗ bởi những người đàn ông lạ mặt, anh ta uống một lọ thuốc và ngủ thiếp đi. Khi thức dậy, Katz nhận ra đã nhiều năm trôi qua. Thế giới xung quanh ông đã thay đổi.

Nhiều người Đức hiện nay cũng đang trải qua cảm giác bàng hoàng y hệt Katz khi thức giấc. Trong những năm qua, đất nước giàu có nhất châu Âu đã sống trong một giấc mộng. Sau khi thống nhất hai miền và đạt được nhiều thành công kinh tế và ngoại giao, người Đức đã đắm chìm vào niềm tin rằng hệ thống của họ đang hoạt động một cách gần như hoàn hảo.

Theo tờ Economist, chính phủ Đức dần coi nhẹ thực tế và để chính sách được dẫn dắt nhiều hơn bởi tính tự huyễn hoặc. Các nhà lãnh đạo lôi kéo cử tri bằng những lời hứa ngọt ngào về sự thịnh vượng vĩnh cửu và tất nhiên là cả về cái đích không phát thải.

Khác với ông già Katz tự tỉnh giấc, người Đức bị đánh thức một cách thô lỗ bởi tiếng xe tăng Nga tràn vào Ukraine. Theo một cách nào đó, Đức không thấy mình đã đến tương lai, mà lùi lại hàng chục năm trong quá khứ.

Thay vì tận hưởng thời đại hợp tác hòa bình, Đức vội vàng mua thêm súng ống và đón thêm binh lính từ Mỹ. Sự thịnh vượng của Đức hóa ra không chỉ phụ thuộc vào sự cần cù của người dân như trong phiên bản cổ tích, mà còn vào năng lượng và sức lao động nhập khẩu giá rẻ.

Và Tổng thống Vladimir Putin, người nhiệt tình đổ đầy các đường ống dẫn khí sang Đức trong thời gian qua, lại lạnh lùng siết chặt van lại và để châu Âu run rẩy trong sợ hãi.  

Nói tóm lại, nhiều năm trời tự mãn đã đẩy Đức vào tình thế nguy ngập. Nhưng ngay cả khi chính phủ nhận ra quy mô của vấn đề và thách thức to lớn của việc chuyển hướng, các cuộc hội thoại trong nước Đức vẫn thiếu đi sự khẩn cấp.

Đức phụ thuộc một cách tai hại vào nhiên liệu của Nga. Điều này xảy ra không chỉ vì ông Putin đã quyến rũ giới doanh nghiệp và chính trị gia với khí đốt giá rẻ, qua đó tăng tỷ trọng nguồn cung của Nga trong lượng khí đốt mà Đức tiêu thụ hàng năm lên 55% từ mức 30% của 20 năm trước. Chính tự bản thân Đức đã ra quyết định thu hẹp nguồn cung năng lượng của mình.

Trong số hàng loạt ví dụ thiếu khôn ngoan như vậy, năng lượng hạt nhân là trường hợp nổi bật nhất. Khi một đợt sóng thần đánh vào nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản ở Fukushima hồi năm 2011, chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel hoảng hốt, đóng cửa một nửa công suất phát điện hạt nhân của Đức gần như chỉ sau một đêm.

Các quan chức ấn định ngày đóng cửa ba nhà máy cuối cùng vào tháng 12/2022. Chỉ đến khi nguy cơ thiếu năng lượng trầm trọng lộ rõ, mục tiêu này mới bị đặt câu hỏi. Tờ Reuters cho biết ba nhà máy này tạo ra 6% sản lượng điện của Đức trong quý đầu tiên của năm 2022.

Đến tận bây giờ, các đảng phái chính trị vẫn còn mải tranh cãi xem liệu có nên nối dài thời gian hoạt động của ba nhà máy điện hạt nhân không. Đây chính là bằng chứng cho thấy bầu không khí chính trị ở Đức vẫn đang thiếu vắng sự khẩn trương.

Tuy nhiên, có lẽ bàn “phản lưới nhà” khủng khiếp nhất của Đức là việc bỏ bê ngành khí tự nhiên quốc gia. Đức không may mắn bằng người láng giềng Hà Lan, nước có mỏ Groningen khổng lồ đã cung cấp khoảng 500 tỷ USD khí đốt kể từ năm 1995. Nhưng trữ lượng của Đức cũng không hề nhỏ.

Vào đầu những năm 2000, Đức bơm ra khoảng 20 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm, đủ để cung cấp gần 1/4 nhu cầu trong nước. Các nhà địa chất cho rằng Đức sở hữu ít nhất 800 tỷ m3 khí tự nhiên có thể khai thác. Dẫu vậy, sản lượng khí đốt của nước này không đi lên mà lại sụp đổ xuống còn 5-6 tỷ m3, tương đương 10% lượng nhập khẩu từ Nga.

Chuyện kinh dị thời hiện đại

Lý do rất đơn giản. Gần như tất cả khí đốt của Đức chỉ có thể được khai thác thông qua công nghệ phá khối đá phiến bằng thủy lực (fracking), nhưng công chúng Đức lại có nỗi sợ phi lý về fracking.

Đến mức năm 2017, chính quyền của Thủ tướng Merkel đã thông qua đạo luật có bản chất là cấm hoạt động fracking thương mại, dù giới doanh nghiệp Đức đã sử dụng kỹ thuật này kể từ thập niên 1950. Trong suốt khoảng thời gian đó, Đức không hề ghi nhận báo cáo nào về thiệt hại môi trường nghiêm trọng vì fracking.

Không khó để tìm ra nguyên nhân khiến người dân Đức sợ hãi. Năm 2008, đại gia dầu mỏ Mỹ Exxon đề xuất mở rộng việc sử dụng fracking tại một địa điểm ở miền Bắc nước Đức. Khi các nhà hoạt động vì môi trường đổ xô đi phản đối, Đảng Xanh quyết định nhập hội.

Tương tự, đài Russia Today của Nga cũng phát cảnh báo rằng fracking gây ra phóng xạ, dị tật bẩm sinh, mất cân bằng hormone, giải phóng một lượng lớn khí mê-tan và chất thải độc hại. Thậm chí, Tổng thống Putin còn tuyên bố trước một hội nghị quốc tế rằng fracking khiến vòi nước của người dân chảy ra “thứ dịch màu đen”.

Người Đức có vẻ rất thích chuyện cổ tích. Ông Hans-Joachim Kümpel, cựu lãnh đạo cơ quan tư vấn cho chính phủ Đức về khoa học địa lý, thở dài: “Cuối cùng, chúng tôi từ bỏ việc giải thích rằng fracking hoàn toàn an toàn. Nhưng tôi cũng không thể trách những người không hiểu về địa chất vì tất cả những gì họ được nghe là chuyện kinh dị”.

Các nhà sản xuất khí đốt của Đức nói rằng nếu được trao cơ hội, họ sẽ tăng gấp đôi sản lượng chỉ trong vòng 18-24 tháng. Và điều này có thể đạt được bằng công nghệ fracking an toàn hơn, thân thiện với môi trường hơn trước.

Với mức công suất này, Đức sẽ có đủ trữ lượng để sản xuất khí đốt cho tới tận thế kỷ sau. Nền kinh tế sẽ tiết kiệm được 15 tỷ USD nhập khẩu mỗi năm. Viễn cảnh này hoàn toàn có thực, chứ không phải một câu chuyện cổ tích.

Giang

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.