Trò chơi khí đốt của ông Putin: Đùa giỡn với nguồn cung và khiến lãnh đạo châu Âu run rẩy
"Không thể đoán trước"
Ở châu Âu hiện nay có hai cuộc chiến. Cuộc chiến thứ nhất diễn ra trên đất Ukraine với súng ống và bom đạn. Cuộc chiến thứ hai diễn ra trên toàn châu Âu với khí đốt là vũ khí.
Các nước châu Âu sợ hãi chờ đợi xem liệu Tổng thống Vladimir Putin có cho đường ống Nord Stream dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang khu vực có quay trở lại vận hành sau 10 ngày bảo trì hay không. Hôm 19/7, ông Putin tuyên bố Nga sẽ thực hiện các nghĩa vụ của mình nhưng cảnh báo rằng dòng chảy có thể sụt giảm nếu các lệnh trừng phạt cản trở việc bảo dưỡng.
Trong suốt nhiều tháng, lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu ít hơn hẳn công suất đầy đủ của nước này. Giới lãnh đạo châu Âu lên án động thái mới nhất là nỗ lực của ông Putin trong việc sử dụng tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom để làm cho khách hàng hoang mang.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, chỉ trích gay gắt: “Các hành động của Gazprom cho thấy họ là nhà cung cấp không đáng tin cậy. Và như chúng ta đã biết, đằng sau Gazprom là ông Putin. Do đó chúng ta không thể đoán được điều gì sẽ xảy ra”.
Các nhà phân tích và giới đầu tư dự đoán ông Putin sẽ không cắt đứt hoàn toàn dòng chảy khí đốt - động thái cực đoan sẽ đẩy châu Âu vào suy thoái sâu và khiến hàng triệu người phải chịu giá rét. Một phần nguyên nhân là vì một khi phát súng này được bắn ra thì ông Putin cũng không còn viên đạn nào.
Thay vào đó, giới phân tích và đầu tư nghĩ rằng ông Putin sẽ cho khí đốt chảy nhỏ giọt sang châu Âu. Chiến lược này sẽ giữ cho giá cả cao, tăng cường doanh thu để Nga tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine và cho phép Điện Kremlin duy trì sức ảnh hưởng của mình.
Ông Richard Morningstar, Chủ tịch sáng lập Trung tâm Năng lượng Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương, nhìn nhận: “Ông Putin có thể chơi trò úp mở với châu Âu: Đóng đường ống, mở ra một chút, đồng thời vẫn kiếm được doanh thu đáng kể nhờ giá cao. Putin từng là điệp viên tình báo tại KGB. Ông ta là một nhà chiến lược. Ông ta đang chơi trò đấu trí và hy vọng có thể bắt châu Âu phải quỳ gối trong khi vẫn kiếm được tiền”.
Các chuyên gia năng lượng nói rằng mục đích của ông Putin là chia rẽ khối liên minh phương Tây đã đoàn kết lại với nhau chống lại Moscow kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine mở màn. Tính toán của ông Putin có lẽ là những đợt cắt điện và thiếu hụt năng lượng sẽ làm giảm sự ủng hộ của công chúng châu Âu dành cho Ukraine và khiến các đồng minh NATO trở mặt với nhau khi mỗi nước tìm cách tích trữ khí đốt cho riêng mình.
Khi được sử dụng làm công cụ chiến tranh, khí đốt mang lại cho Nga đòn bẩy đặc biệt. Theo tờ Wall Street Journal, nguồn doanh thu chính của Nga đến từ dầu mỏ, không phải khí đốt. Điều này có nghĩa là nước này có thể sống mà không có doanh thu từ đường ống dẫn khí trong một khoảng thời gian. Ngược lại, cho tới tận năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) vẫn phụ thuộc khoảng 40% vào khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Đức và các nước châu Âu khác đã cấp tốc tìm đường để đa dạng hóa khỏi nguồn năng lượng từ Nga. Tỷ trọng của Nga trong nhập khẩu khí đốt của EU đã giảm một nửa còn 20% trong năm 2022. EU đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm của Nga khỏi nguồn cung năng lượng của khối trong 5 năm tới.
Moscow giảm hơn một nửa dòng khí đốt chảy vào châu Âu qua Đức bằng đường ống Nordstream vào tháng 6, viện lý do việc tu sửa tuabin bị chậm trễ bởi các lệnh trừng phạt. Giới chức và lãnh đạo doanh nghiệp năng lượng châu Âu bác bỏ lý do này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: “Nga đang sử dụng năng lượng làm vũ khí chiến tranh”.
Các kỹ sư tiếp tục tiến hành bảo trì theo kế hoạch, giảm lượng khí xuất khẩu qua Nord Stream về 0. Một trong những dấu hiệu đáng ngại là gần đây Gazprom đã gửi thư cho công ty Đức Uniper để tuyên bố trường hợp bất khả kháng – điều khoản pháp lý được thiết kế để miễn trách nhiệm cho nhà cung cấp khi thiếu hụt khí đốt.
Nga cũng đang động đến các đường ống khác đến châu Âu, bao gồm một đường ống đi qua Ukraine. Moscow đã ngừng chuyển khí đốt đến Đức qua một con đường khác sau khi trừng phạt chủ sở hữu đoạn đường ống chạy qua Ba Lan của tuyến đường ống Yamal-Châu Âu.
Châu Âu rạn nứt
Bất kể ông Putin làm gì, châu Âu cũng đối mặt với thách thức trong việc kiếm đủ khí đốt để sống qua mùa đông. Trong tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng châu Âu phải thực hiện những bước khẩn cấp để hạn chế nhu cầu trong mùa hè và mùa thu để đổ đầy các kho lưu trữ. Đây là nhiệm vụ khó khăn do châu Âu đang hứng chịu nắng nóng kỷ lục và nhiều khả năng các nước sẽ phải tăng tiêu thụ khí đốt để phát điện chạy điều hòa nhiệt độ, tờ Wall Street Jounal cho biết.
Nguồn cung suy giảm đang gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế châu Âu, đẩy lạm phát trong khu vực đồng euro lên mức kỷ lục và tạo ra rung chấn trong các thị trường tài chính mong manh của khu vực.
Nhà nghiên cứu Frank Umbach, người cố vấn cho các chính phủ và NATO về thị trường năng lượng, nhận định ông Putin tin rằng các nền dân chủ phương Tây sẽ mất đi ý chí duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Moscow và phải ngừng việc giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine bởi chiến lược gây sức ép qua năng lượng của Nga.
Sự chia rẽ đã nổi lên. Chính phủ Hungary đã ra lệnh cấm xuất khẩu các loại nhiên liệu bao gồm khí đốt tự nhiên. Kiev phản đối quyết định của Canada về việc miễn trừng phạt đối với tuabin khí mà Gazprom nói rằng Nord Stream cần, cho phép tuabin quay trở lại Đức.
Châu Âu đang quay cuồng tìm kiếm các lựa chọn thay thế. Theo Morgan Stanley, châu Âu đang thu mua gần 1/3 lượng khí tự nhiên hóa lỏng xuất khẩu trên thế giới, đồng thời ký kết thỏa thuận dài hạn với các nhà sản xuất khí đốt như Azerbaijan.
Chừng nào vẫn còn một lượng khí đốt nhỏ được bơm sang châu Âu với giá cao, Gazprom vẫn sẽ có được doanh thu. Ông Vitaly Yermakov, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, đưa ra ước tính rằng doanh thu của Gazprom từ việc xuất khẩu khí đốt bằng đường ống có thể tăng gấp đôi trong năm nay lên 100 tỷ USD, hoặc nhiều hơn thế nữa.
Nhưng về lâu dài, Moscow sẽ thua thiệt khi cắt đứt thị trường lớn nhất của Gazprom. Dầu có thể được chất lên thuyền để chuyển đến thị trường mới, nhưng phần lớn khí đốt lại phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng đường ống.
Ông Daniel Yergin, Phó Chủ tịch S&P Global, ước tính Nga sẽ cần 4 hoặc 5 năm để xây dựng hạ tầng đường ống cần thiết đến Trung Quốc nhằm thay thế thị trường châu Âu. Ông dự đoán: “Tôi nghĩ trong hai hoặc ba năm tới, Nga sẽ là nhà sản xuất dầu khí lớn, nhưng sẽ không còn là siêu cường năng lượng nữa. Nga sẽ phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc hơn hẳn hiện nay”.