|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Chiến tranh tiêu hao' khiến nền kinh tế Nga khổ sở, nhưng Mỹ và đồng minh cũng chẳng thể đắc chí

15:56 | 18/07/2022
Chia sẻ
Chiến tranh kinh tế đang nổ ra giữa hai thế lực lớn trên thế giới. Một bên là Nga, bên còn lại là Mỹ và châu Âu. Cuộc chiến này đang biến thành thử thách xem ai có thể chịu đựng được nhiều tổn thất hơn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Financial Times). 

Nga hứng nhiều tổn thất 

Theo nhận định của giới phân tích, cho đến nay Nga có vẻ chịu nhiều tổn thất hơn, khi nền kinh tế sẽ suy giảm rõ rệt trong năm nay, chi phí sinh hoạt leo thang và hàng trăm doanh nghiệp ngoại quốc cuốn gói ra đi.

Nhưng Mỹ và châu Âu cũng đang hứng chịu phí tổn nghiêm trọng, chủ yếu bởi giá năng lượng nhiều khả năng sẽ tăng chóng mặt trong mùa đông tới. Tỷ lệ thất nghiệp cũng được dự đoán sẽ cao hơn khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để ghìm cương lạm phát.

Những tháng tới sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp quyết định bên nào sẽ giành được lợi thế trong cuộc chiến tranh kinh tế hiện tại. Nga đang vật lộn tìm đồ nhập khẩu cho quân đội và nền kinh tế, còn các nước phương Tây cũng gặp khó khăn trong việc thay thế nguồn cung năng lượng từ Nga.

Tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) ước tính cuộc chiến kinh tế sẽ tiêu tốn khoảng 1.000 tỷ USD sản lượng toàn cầu trong năm nay. EIU giờ dự đoán kinh tế thế giới năm 2022 tăng trưởng 2,8% thay vì dự đoán trước chiến sự Nga-Ukraine là 3,9%.

Ông Tymofiy Mylovanov, giáo sư thuộc Đại học Pittsburgh, nhận xét: “Nga thử thách phương Tây và phương Tây cũng đang đáp trả tương tự. Đây là chiến tranh tiêu hao – không chỉ trên chiến trường giữa Nga và Ukraine, mà còn là cuộc chiến tinh thần giữa Nga và phương Tây”.

Theo tờ Wall Street Journal, cuộc quyết đấu hiện nay sát sao hơn nhiều những gì các nhà quan sát dự kiến ban đầu, khi mà hầu hết hỏa lực kinh tế đều chĩa về phía Nga. 

Mỹ và các đồng minh đã giáng vào Nga những đòn trừng phạt chưa từng thấy: Hạn chế các giao dịch với ngân hàng trung ương, du lịch, thương mại và đầu tư nước ngoài của Nga. Mục tiêu là “gây tổn thất áp đảo cho Nga” và “phòng tránh tác động lan tỏa không mong muốn đến Mỹ hay nền kinh tế toàn cầu”.

Viện Tài chính Quốc tế dự đoán GDP của Nga năm 2022 sẽ giảm 15% so với năm 2021. JPMorgan đưa ra con số thấp hơn nhiều – giảm 3,5%. Nhưng trong cả hai kịch bản, sự suy yếu của nền kinh tế Nga cũng nghiêm trọng hơn mức giảm 3,1% của sản lượng toàn cầu năm 2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho hay.

Tỷ lệ lạm phát chính thức của Nga đã vọt lên 15,9% vào tháng 6, cao hơn hẳn Mỹ và châu Âu. Các nhà phân tích đoán rằng tỷ lệ thất nghiệp cũng sẽ gia tăng trong nửa cuối năm. Ông Claus Vistesen, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics đánh giá: “Chắc chắn Nga đang gặp vấn đề - đặc biệt là giới trung lưu đang không thể làm rất nhiều thứ vốn là chuyện thường với họ”.

Phương Tây lục đục nội bộ

Các nhà phân tích đánh giá chiến tranh tiêu hao cũng đang gây thiệt hại cho phương Tây. Gián đoạn thương mại gây ra bởi các lệnh trừng phạt cùng với lo ngại của nhà đầu tư về sự thiếu hụt năng lượng đã đẩy giá dầu, khí tự nhiên và các mặt hàng khác lên cao.

Cơn sốt giá năng lượng góp phần kéo lạm phát lên đỉnh hàng thập kỷ, khiến ngân hàng trung ương Mỹ, Australia, Canada và Anh tăng lãi suất và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) chuẩn bị noi theo.

Nhưng chiến sự không phải nguyên nhân duy nhất gây áp lực giá. Dù có trừ đi lương thực và năng lượng, lạm phát vẫn cao, đặc biệt là ở Mỹ, dù nước này không dễ bị ảnh hưởng bởi giá khí tự nhiên như châu Âu. Các nhà phân tích Barclays dự kiến khu vực đồng euro sẽ rơi vào suy thoái trong quý IV năm nay.

Trong khi đó, các nhà kinh tế do tờ Wall Street Journal  khảo sát trong tháng này dự đoán Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 0,7% trong quý IV so với một năm trước, thấp hơn hẳn ước tính trước đây là 3,3%.

Triển vọng có thể sẽ còn tệ hơn nếu khủng hoảng năng lượng trầm trọng thêm. Nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt đứt hoàn toàn, nhiều khả năng sản lượng của Đức sẽ giảm 5% trong năm nay so với các dự báo hiện tại, ngân hàng trung ương Đức cho biết.

Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói rằng các lệnh trừng phạt đang tạo ra tác động như ý và chính quyền Tổng thống Biden tin rằng Mỹ đang thắng lợi trong cuộc chiến kinh tế. Vị này lập luận rằng khi nền kinh tế Nga xấu đi, Tổng thống Vladimir Putin sẽ phải đối mặt với áp lực, có thể buộc ông thay đổi ý định. 

Nhưng có vẻ như Nga đang làm tốt hơn kỳ vọng của ông Biden. Hồi cuối tháng 3, ông Biden viết trên Twitter rằng “đồng ruble gần như ngay lập tức biến thành đồ bỏ. Nền kinh tế Nga sẽ bị cắt giảm còn một nửa”.  

Đúng là ban đầu đồng ruble lao dốc nhưng kể từ đó đã phục hồi – nhờ vào các đợt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương, các biện pháp kiểm soát vốn, tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu. Ngay cả các dự báo tiêu cực nhất cũng không cho rằng sản lượng của Nga sẽ giảm mạnh như những gì ông Biden tuyên bố.

Trên một số phương diện, các đòn trừng phạt đã làm tổn thương những nước áp đặt chúng và giúp đỡ Nga. Tuy Nga xuất khẩu ít dầu hơn trước, nhưng nhờ giá tăng mà nước này được cho là sẽ kiếm được nhiều doanh thu từ dầu hơn dự đoán ban đầu, theo lưu ý nghiên cứu gần đây của JPMorgan.

Lạm phát cao còn góp phần tạo ra mâu thuẫn chính trị ở phương Tây. Tuần trước, Thủ tướng Italy Mario Draghi đã đệ đơn từ chức vì tranh cãi xung quanh cách phản ứng với chiến sự ở Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mất thế đa số ở Quốc hội trong cuộc bầu cử vừa qua, khi cử tri lo ngại rằng chi phí sinh hoạt sẽ leo thang. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chức trong tháng này dưới áp lực từ các nhà lập pháp Đảng Bảo thủ. Những người cùng đảng lo ngại rằng các vụ bê bối của ông Johnson sẽ cản trở khả năng ứng phó với lạm phát của chính phủ.

Chưa kể, JPMorgan cho biết dự định cấm vận dầu mỏ Nga của châu Âu trong năm nay có thể kéo giá năng lượng lên cao hơn nữa và đẩy Mỹ cùng châu Âu vào suy thoái.

Giang

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.