Ngân sách quốc phòng gấp hơn chục lần Nga, tại sao NATO vẫn không có đủ đạn dược để cung cấp cho Ukraine?
Theo Financial Times, vào tháng 5, Washington đặt hàng 1.300 tên lửa vác vai đất đối không Stinger để thay thế cho lô hàng đã gửi đến Ukraine. Giám đốc điều hành của Raytheon, công ty sản xuất loại vũ khí trên, cho biết: “Việc sản xuất sẽ mất một thời gian”.
Paris đã gửi 18 lựu pháo tự hành Caesar tới Kiev, tương đương 1/4 số lựu pháo công nghệ cao của Pháp. Công ty Nexter cho biết sẽ cần tới 18 tháng để sản xuất bổ sung số vũ khí này.
Cuộc xung đột Ukraine đã làm lộ ra sự hạn chế trong kho dự trữ quốc phòng của phương Tây, đặc biệt là những loại quân nhu không hào nhoáng nhưng cốt yếu như đạn pháo.
Thiếu năng lực sản xuất, lao động và đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là chip máy tính, đồng nghĩa với việc sẽ cần nhiều thời gian hơn để bổ sung lại kho vũ khí.
Các quan chức quốc phòng và nhà phân tích tin rằng phương Tây đã tự mãn trước mối đe dọa tiềm tàng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Sự tôn sùng vũ khí công nghệ cao và sản xuất tinh gọn làm lu mờ tầm quan trọng của việc đảm bảo kho dự trữ những trang bị cơ bản.
Ông Jamie Shea, cựu Giám đốc hoạch định chính sách của NATO, hiện là cộng sự tại viện nghiên cứu Chatham House cho biết: “Ukraine là bài học về việc xung đột vẫn thường được chiến thắng thông qua các yếu tố cổ điển như pháo binh, bộ binh và chiếm đóng”.
“Cán cân quân sự từng xoay trục từ cổ điển sang hiện đại giờ cần được đặt trở lại”, ông nói.
Sự trở lại của "chiến tranh công nghiệp"
Những sự thiếu thốn đang cản trở nỗ lực của phương Tây trong việc viện trợ cho xung đột Ukraine.
Ví dụ, tổng sản lượng đạn pháo 155 mm của Mỹ hàng năm chỉ đủ cho chưa đến hai tuần giao tranh tại Ukraine, Trung tá Alex Vershinin, chuyên gia mua sắm quốc phòng của Mỹ cho biết. Ông Vershinin cho rằng cuộc xung đột đánh dấu “sự trở lại của chiến tranh công nghiệp”.
- TIN LIÊN QUAN
-
Phương Tây đang lặp lại sai lầm của Đức trong Thế chiến II khi viện trợ cho Ukraine 18/06/2022 - 08:11
“Xung đột Ukraine giống như cuộc khủng hoảng đạn pháo hồi Thế chiến I”, ông Jamie Shea nhắc lại vụ bê bối năm 1915 khi việc sử dụng nhiều đạn pháo trong chiến tranh dưới hào đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ của Anh. Kết quả là thương vong tăng cao và Thủ tướng H.H. Asquith phải từ chức.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết các quốc gia phương Tây sẽ khó có thể tiến hành một cuộc xung đột kéo dài như Nga đang làm tại Ukraine, bởi nguồn dự trữ đạn dược của phương Tây “không đủ cho những mối đe dọa đang phải đối mặt”.
Trong một trò chơi chiến tranh vào năm ngoái, đạn dược của Anh hết sau 8 ngày.
Sự tự mãn của phương Tây
Không ai tin rằng phương Tây sắp cạn kiệt lượng vũ khí cơ bản chỉ vì cung cấp cho Ukraine. Các quan chức cho biết hầu hết các trang thiết bị cung cấp cho Ukraine vẫn có sẵn hoặc có thể được hoán đổi cho các hệ thống tương tự.
Ngân sách quốc phòng của Nga năm ngoái là 66 tỷ USD, kể cả khi cộng thêm Trung Quốc là 293 tỷ USD, vẫn không thể sánh ngang với mức chi tiêu 1.100 tỷ USD của NATO.
Dù vậy, một phần lớn ngân sách NATO dùng để chi trả cho các hệ thống hiện đại như máy bay chiến đấu, vẫn chưa được phương Tây triển khai trong xung đột Ukraine.
Phần lớn hệ thống quốc phòng của phương Tây trong 20 năm qua hướng tới việc chống lại lực lượng nổi dậy ở Trung Đông hơn là sẵn sàng cho các trận chiến bằng xe tăng và pháo hạng nặng như tại Ukraine.
Hàng thập kỷ tập trung vào sản xuất tinh gọn, hiệu quả tài chính và hợp nhất các tập đoàn công nghiệp đã tạo ra vấn đề về nguồn cung.
Kho dự trữ thấp đồng nghĩa với việc gần đây Anh phải mua lựu pháo từ một quốc gia thứ ba để gửi tới Ukraine. Ở Mỹ, Lầu Năm Góc hiện chỉ làm việc với 5 nhà thầu quốc phòng chính; trong khi đó, vào những năm 1990, con số này là 51.
Một cố vấn quốc phòng cho biết: “Từ lâu phương Tây nghĩ rằng sẽ không bao giờ phải tham gia một cuộc chiến tranh công nghiệp nữa. Kết quả là, hầu như chẳng ai có đủ năng lực để tăng cường sản xuất các trang thiết bị quan trọng”.
Các nhà sản xuất vũ khí phương Tây hiện đang tranh giành để đảm bảo nguồn cung các thành phần và vật liệu khan hiếm nhằm chế tạo vũ khí và đạn dược mà cho đến gần đây hầu như không hề có nhu cầu.
Theo Raytheon, một số thành phần điện tử của tên lửa Stinger, được sản xuất hàng loạt lần cuối cách đây 20 năm, đã không còn được bán trên thị trường.
Ông Alex Cresswell, Giám đốc điều hành của Thales UK, công ty sản xuất tên lửa chống tăng NLAW cho biết: “Anh đã cạn kiệt kho dự trữ [quốc phòng] nhưng lại không đầu tư đủ để tránh bị tụt hậu”.
Với tên lửa phóng loạt dẫn đường do Lockheed Martin chế tạo mà Kiev yêu cầu, Mỹ đã điều động khoảng 1/3 trong tổng số 20.000-25.000 tên lửa dự trữ của mình.
Tuy nhiên, Mỹ không thể dễ dàng thay thế những lô hàng đã gửi đi bằng các phiên bản cũ hơn vì chúng sử dụng đạn chùm đã bị cấm, ông Mark Cancian, cựu quan chức Lầu Năm Góc hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết.
Các quan chức và nhà phân tích cho biết thêm, Nga cũng gặp phải vấn đề về nguồn cung. Nhà sản xuất UralVagonZavod được cho là đang hoạt động ba ca một ngày để tân trang các xe tăng cũ. Nguồn cung đạn dược của Moscow đang được bổ sung một phần từ kho dự trữ lớn ở Belarus.
Tuy nhiên theo ông Mark Galeotti, chuyên gia về Nga tại Anh, việc bổ nhiệm Tướng Gennady Zhidko, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, làm Tổng chỉ huy các lực lượng Nga ở Ukraine đã mang lại cho quân đội “tiếng nói để đảm bảo nền kinh tế sẽ cung cấp những gì cần thiết [cho cuộc xung đột]”.
Các chuyên gia quân sự đang nghiên cứu xung đột Ukraine để có thêm những hiểu biết về chiến tranh quy ước hiện đại. Ông Jack Watling, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh, cho biết: Bài học “số một” cho đến nay là tầm quan trọng của việc duy trì các kho dự trữ vũ khí cơ bản.
“Việc đảm bảo kho dự trữ vũ khí cơ bản là điều mà phương Tây đã quyết tâm bỏ qua trong một thời gian dài,” ông Watling nói. “Những loại vũ khí giá rẻ có thể sử dụng trên quy mô lớn là vô cùng quan trọng".