|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc thắng đậm nhờ xung đột Ukraine, xuất khẩu tăng trưởng 140%

12:56 | 08/03/2023
Chia sẻ
Xung đột Ukraine đã giúp ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc tăng trưởng ba con số. Tuy nhiên, Seoul vẫn cẩn trọng để cân bằng giữa lợi ích kinh tế, áp lực từ đồng minh với quan hệ cùng Moscow.

Lựu pháo tự hành K9 "Thunder" của Hanwha Aerospace - doanh nghiệp quốc phòng lớn nhất tại Hàn Quốc. (Ảnh: Jun Michael Park/New York Times).

Cuộc xung đột Ukraine đã thúc đẩy nỗ lực toàn cầu nhằm sản xuất thêm tên lửa, xe tăng, đạn pháo và các loại vũ khí khác. Và Hàn Quốc đã hành động nhanh chóng để tăng sản lượng.

Năm ngoái, xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc tăng trưởng 140%, đạt mức kỷ lục là 17,3 tỷ USD, bao gồm các thỏa thuận trị giá 12,4 tỷ USD để bán xe tăng, lựu pháo, máy bay chiến đấu và pháo phản lực cho Ba Lan.

Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn từ chối viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine. Thay vào đó, Seoul tập trung vào việc lấp đầy kho vũ khí của những quốc gia đang nỗ lực hỗ trợ cho Ukraine, cũng như áp đặt các quy tắc kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt với sản phẩm của mình.

Sự cảnh giác của Hàn Quốc một phần xuất phát từ hi vọng hợp tác với Nga trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên. Cùng với Hàn Quốc, một loạt các quốc gia tại khu vực Mỹ Latinh, Israel và những nơi khác cũng từ chối viện trợ vũ khí trực tiếp cho Ukraine.

Tuy vậy, ít ngành công nghiệp quốc phòng nào lại bùng nổ nhờ cuộc xung đột Ukraine như Hàn Quốc. Và bất chấp những lời kêu gọi từ Kiev và NATO, Seoul vẫn cân bằng giữa liên minh với Washington và lợi ích kinh tế, quốc gia của chính mình.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (trái) tiếp nhận lô lựu pháo tự hành K9 và xe tăng chủ lực K2. (Ảnh: Mateusz Slodkowski/AFP).

Nỗ lực từ thời chiến tranh Lạnh

Các nước châu Âu đã thu hẹp quy mô quân đội cũng như năng lực sản xuất vũ khí vào cuối Chiến tranh Lạnh. Ngược lại, Hàn Quốc vẫn tiếp tục duy trì chuỗi cung ứng quốc phòng nội địa mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của lực lượng vũ trang và đề phòng Triều Tiên.

Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, các nhà cung cấp vũ khí Mỹ đã phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lực sản xuất nghiêm trọng. Đức và những quốc gia khác cũng gặp khó khăn để kiếm đủ xe tăng gửi tới Ukraine.

Khi Đông Âu đang chạy đua nhằm tái trang bị và nâng cấp quân đội sau khi gửi vũ khí thời Liên Xô cho Ukraine, Hàn Quốc trở thành một lựa chọn hấp dẫn.

Ba Lan đã ký hợp đồng mua xe tăng và pháo của Hàn Quốc vào cuối tháng 8. Mất hơn ba tháng để lô hàng này được chuyển tới tay Ba Lan.

Những đơn đặt hàng với Warsaw giúp chính phủ của Tổng thống Yoon Suk-Yeol tiến gần hơn với mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 4 thế giới vào năm 2027, đứng sau Mỹ, Nga và Pháp.

 

Từ năm 2017 đến 2021, Hàn Quốc có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 25 nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Năm 2021, Seoul xếp thứ 8, chiếm 2,8% thị trường toàn cầu, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Số liệu của SIPRI chưa bao gồm các hợp đồng mới ký kết với Ba Lan, Ai Cập và UAE vào năm ngoái.

Hanwha Aerospace, nhà thầu quốc phòng lớn nhất của Hàn Quốc, đang bận rộn hơn bao giờ hết và lên kế hoạch tăng gấp ba lần năng lực sản xuất vào năm tới.

Cân bằng khó khăn

Seoul đã lên án Nga, và Tổng thống Yoon cũng đã thề sẽ bảo vệ các giá trị như “tự do” và trật tự quốc tế “dựa trên luật lệ”. Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng đang cố gắng cân bằng mối quan hệ với Moscow.

Tổng thống Vladimir Putin đã cảnh báo Hàn Quốc không hỗ trợ quân sự cho Ukraine bởi động thái trên có thể hủy hoại quan hệ giữa Moscow và Seoul, cũng như đưa Nga đến gần hơn với Triều Tiên. Trong khi đó, Bình Nhưỡng công khai ủng hộ Moscow. Mỹ cũng cáo buộc Triều Tiên vận chuyển đạn pháo, tên lửa và những vũ khí khác đến Nga.

Tổng thống Joe Biden tới Trung tâm Điều hành Không quân tại Căn cứ Không quân Osan ở Pyeongtaek, Hàn Quốc. (Ảnh: Doug Mills/New York Times).

Khi đồng ý bán đạn pháo để giúp Washington bổ sung kho dự trữ, Seoul đã nhấn mạnh điều kiện rằng “người dùng cuối” sẽ phải là Mỹ. Quy tắc này được áp dụng cho mọi thỏa thuận vũ khí khác của Hàn Quốc trong suốt nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, một số công nghệ vũ khí của Hàn Quốc đã tìm đường tới Ukraine. Lựu pháo tự hành Krab của Ba Lan được gửi đến Ukraine sử dụng khung gầm từ lựu pháo tự hành K9 của Hàn Quốc.

Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng của Hàn Quốc không bình luận về việc liệu những vũ khí được chuyển giao sang Ukraine có vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hay không.

Tập trung vào "vũ khí tầm trung"

Khi Tổng thống Yoon và Tổng thống Joe Biden gặp nhau tại Seoul vào tháng 5, hai nước đã đồng ý hợp tác trong chuỗi cung ứng quốc phòng.

Hanwha - người khổng lồ quốc phòng của Hàn Quốc - hy vọng có thể giúp trang bị cho NATO những vũ khí mà Mỹ không còn sản xuất, hoặc không cung ứng đủ nhanh. Ông Son Jae-Il, Chủ tịch Hanwha Aerospace, cho biết: “Mỹ không thể chế tạo mọi loại vũ khí”.

Trong khi Mỹ chế tạo những vũ khí đắt tiền như tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân và máy bay để cạnh tranh với Nga và Trung Quốc, thì Hàn Quốc đang tầm trung vào những “vũ khí tầm trung như pháo, xe bọc thép và xe tăng”, ông Il cho biết.

Pháo là mặt hàng xuất khẩu nhiều thứ hai của Hàn Quốc, chỉ sau tàu chiến.

Kể từ cuối những năm 1990 cho đến nay, Hanwha đã cung cấp cho quân đội Hàn Quốc gần 1.200 lựu pháo tự hành K9, cũng như xuất khẩu hàng trăm lựu pháo K9 cho Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Estonia, Phần Lan và Na Uy.

Theo các nhà phân tích Hàn Quốc, những chiếc K9 của Hanwha chiếm 55% thị trường xuất khẩu lựu pháo tự hành của thế giới từ 2000 đến 2021. Đơn đặt hàng khổng lồ của Ba Lan sẽ làm tăng thêm tỷ lệ trên. Romania cũng là một quốc gia NATO khác đang đàm phán mua K9 của Hàn Quốc.

Hàn Quốc cũng sẵn sàng chuyển giao công nghệ và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất tại nước đối tác. Thổ Nhĩ Kỳ đã chế tạo xe tăng chủ lực Altay và pháo tự hành T-155 dựa trên thiết kế của Hàn Quốc. 

Hanwha cũng đang xây dựng một nhà máy tại Australia để lắp ráp lựu pháo tự hành K9. Hầu hết số lựu pháo mà Warsaw mua của Hàn Quốc sẽ được sản xuất ngay tại Ba Lan. 

Minh Quang