|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới: Mỹ góp 40, Trung Quốc có 8

08:49 | 07/12/2022
Chia sẻ
100 doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới kiếm được 592 tỷ USD trong năm 2021. Thống trị danh sách này là các tập đoàn quốc phòng đến từ Mỹ.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), tổng doanh số vũ khí và dịch vụ quân sự của 100 doanh nghiệp đầu ngành trên thế giới đã đạt 592 tỷ USD vào năm 2021, tăng 1,9% so với 2020. 

2021 là năm thứ 7 liên tiếp hoạt động kinh doanh vũ khí trên toàn cầu tăng trưởng dương. Tốc độ tăng trưởng trong năm 2020-2021 nhanh hơn nhiều so với mức 1,1% của năm 2019-2020, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình của ba năm trước đại dịch COVID (3,7%).

 

SIPRI cho biết các thách thức trong chuỗi cung ứng đã làm chậm tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu trong năm 2021, và dự kiến sẽ tiếp tục vào 2022. 

40 công ty từ Mỹ góp mặt trong danh sách 100 doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu trên thế giới. Tổng doanh số của những công ty này vào năm 2021 là 299 tỷ USD, giảm 0,8% trên thực tế so với 2020 do lạm phát cao. 

Kể từ 2018, 5 công ty quốc phòng hàng đầu thế giới đều đến từ Mỹ, bao gồm Lockheed Martin, Raytheon, Boeing, Northrop Grumman, General Dynamics.

Hôm 2/12 vừa qua, lần đầu tiên trong vòng 30 năm, Mỹ đã công bố máy bay chiến ném bom chiến lược thế hệ tiếp theo B-21 Raider, có khả năng mang theo bom hạt nhân và dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2027. 

Northrop Grumman cho biết giá của một chiếc B-21 sẽ là 700 triệu USD, rẻ hơn đáng kể so với mức giá hơn 2 tỷ USD của người tiền nhiệm B-2 Spirit. Mỹ dự kiến sẽ đặt hàng 100 chiếc B-21. 

Nhiều doanh nghiệp quốc phòng lớn của Mỹ sẽ hưởng lợi từ dự án này, bao gồm Raytheon Technologies, công ty quốc phòng và hàng không vũ trụ, đã sản xuất nhiều loại vũ khí như tên lửa (HIMARS), tên lửa hành trình (Tomahawk), máy bay không người lái, động cơ. Pratt & Whitney, công ty con của Raytheon, sẽ sản xuất động cơ cho B-21. 

Máy bay ném bom chiến lược B-21 được công bố hôm 2/12. (Ảnh: Không quân Mỹ).

Lockheed Martin, công ty quốc phòng dẫn đầu trong danh sách của SIPRI đã chứng kiến sự sụt giảm doanh số 0,6% vào năm 2021 so với 2020. Lockheed Martin là nhà sản xuất nhiều loại máy bay đang phục vụ trong quân đội Mỹ như F-22, F-35, P-3, cũng như một số loại tên lửa và vệ tinh. 

Boeing cũng chứng kiến doanh số sụt giảm 2,1% trong năm 2021. Boeing là nhà sản xuất các loại máy bay như F-18, C-17, các loại tên lửa, vệ tinh, tàu vũ trụ … 

Tương tự như Boeing, doanh số của General Dynamics, công ty chế tạo xe tăng M1 và các loại máy bay như F-16, cũng đi xuống 2,1% vào năm 2021.

Nhà sản xuất BAE Systems đến từ Anh, công ty sản xuất xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley, các loại máy bay, tàu chiến, tàu ngầm, đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng của SIPRI. Vào năm 2021, Anh có 8 đại diện góp mặt trong danh sách của SIPRI.

Xe tăng VT-4 do tập đoàn NORINCO của Trung Quốc sản xuất. (Ảnh: Military-Today).

4 vị trí sau đó thuộc về các tập đoàn công nghiệp quốc phòng đến từ Trung Quốc, tất cả đều có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Kể từ năm 2015, các doanh nghiệp quốc phòng đến từ Trung Quốc đều góp mặt trong danh top 10 của SIPRI.

Trong năm 2021, Trung Quốc có 8 đại diện góp mặt trong danh sách 100 doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới theo doanh số.

Ông Xiao Liang, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình chi tiêu quân sự và sản xuất vũ khí của SIPRI, cho biết: “Đã có một làn sóng hợp nhất trong ngành công nghiệp vũ khí Trung Quốc kể từ giữa những năm 2010”. 

“Năm 2021, CSSC của Trung Quốc trở thành công ty đóng tàu quân sự lớn nhất thế giới, với doanh thu 11,1 tỷ USD, sau sự sáp nhập với CSIC”. 

Các doanh nghiệp nằm trong top 10 doanh thu của SIPRI bao gồm Norinco, chuyên sản xuất vũ khí bộ binh, đạn dược, xe tăng, xe bọc thép, hệ thống phòng không; AVIC, chuyên sản xuất các loại máy bay; CASC, chuyên sản xuất tên lửa, hệ thống phòng không, vệ tinh; và CETC, chuyên sản xuất thiết bị điện tử trong tên lửa, radar, vệ tinh.

Minh Quang