Kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga: Công cụ có thể giúp ông Putin đảo ngược tình thế?
Vụ khí hạt nhân chiến thuật là gì?
Đầu đạn hạt nhân chiến thuật được chế tạo để tạo ra sự linh hoạt trên chiến trường cho các tướng lĩnh chỉ huy. Vào giữa những năm 1950, khi các loại bom nhiệt hạch được chế tạo và thử nghiệm, các tướng lĩnh cho rằng vũ khí nhỏ hơn với tầm bắn ngắn hơn sẽ hữu ích hơn trong các tình huống giao tranh.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể phá hủy sân bay, bến cảng, căn cứ quân sự, xe tăng hoặc kho lương, với sức công phá từ dưới 1 kiloton lên đến 50 kiloton (tương đương 50.000 tấn thuốc nổ TNT). Quả bom thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945 chỉ có sức công phá 15 kiloton và đã gây ra những thiệt hại khủng khiếp.
Tính đến nay, chưa có quốc gia nào phá vỡ điều cấm kỵ kéo dài 7 thập kỷ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân kể từ khi thành phố Nagasaki bị phá hủy năm 1945.
Theo trang Al Jazeera, mặc dù kho vũ khí hạt nhân hiện nay thấp hơn nhiều so với thời Chiến tranh Lạnh, song vẫn dư sức tiêu diệt phần lớn nhân loại trong vài giờ.
Hầu hết các nhà phân tích và chính trị gia đều lo sợ sự leo thang nhanh chóng và thiếu kiểm soát trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược sẽ dẫn đến sự hủy diệt của cả nền văn minh.
Các chuyên gia lưu ý kể cả khi một quốc gia chỉ sử dụng một vũ khí hạt nhân, mối nguy hiểm là động thái này sẽ gây ra phản ứng dữ dội từ phía đối phương với việc sử dụng nhiều hơn.
Theo học thuyết quân sự MAD (Mutually Assured Destruction – Hủy diệt lẫn nhau), bất cứ cuộc tấn công hạt nhân nào cũng sẽ bị trả đũa bằng một cuộc tấn công hủy diệt tương tự. Nỗi sợ hãi về nguy cơ hủy diệt đã khiến các quân đội luôn được kiểm soát chặt chẽ trong suốt Chiến tranh Lạnh cho đến tận ngày nay.
Sức hấp dẫn của vũ khí hạt nhân
Nhiều nhà quan sát đã đặt câu hỏi rằng bất chấp nguy cơ hủy diệt của vũ khí hạt nhân, tại sao các nhà lãnh đạo vẫn cân nhắc sử dụng chúng?
Theo các chuyên gia, Moscow đang mắc kẹt khi các lực lượng vũ trang Nga hứng chịu những thất bại đáng kể và danh tiếng của một cường quốc đang bị mai một. Cuộc phản công hiệu quả của Ukraine đang đẩy lùi các lực lượng Nga khỏi các thị trấn mà họ đã chiếm được ở phía đông bắc.
Lệnh động viên 300.000 quân dự bị của Nga, một cú sốc tâm lý đối với người dân “xứ bạch dương” và là đợt triệu tập đầu tiên kể từ Thế chiến II, vẫn chưa đem lại sự khác biệt trên chiến trường Ukraine. Trong khi đó, các lực lượng thiện chiến của Ukraine cũng sắp kiệt quệ sau nhiều tháng chiến đấu liên tục.
Tờ Al Jazeera nhận định tại thời điểm hiện nay, việc sử dụng vũ khí hạt nhân có nguy cơ xảy ra cao nhất và có ba kịch bản có thể xảy ra.
Ba kịch bản
Kịch bản ít có khả năng xảy ra nhất là một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào một mục tiêu quân sự rõ ràng trên đất Ukraine. Kế hoạch này không chỉ kém hiệu quả do sự phân tán của các lực lượng Ukraine, mà còn có thể dẫn đến một cuộc tấn công trả đũa trực tiếp và đáng kể từ Mỹ và NATO.
Kịch bản thứ hai là một cuộc tấn công trên Biển Đen trong vùng biển quốc tế. Mặc dù gây ra tình trạng ô nhiễm trên diện rộng, động thái này sẽ không phải là nhân tố gây ra phản ứng mạnh mẽ từ NATO và nguy cơ leo thang tấn công hạt nhân vẫn có thể được ngăn chặn.
Theo kịch bản thứ ba, Nga có thể tiến hành một cuộc thử vũ khí hạt nhân trên đất Nga, tại một trong những bãi thử hạt nhân cũ của Liên Xô ở phía bắc, như Novaya Zemlya. Điều này sẽ phá vỡ Hiệp ước cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong khí quyển, nhưng sẽ không gây ra phản ứng quân sự từ NATO.
Một cuộc thử nghiệm như vậy sẽ nhắc nhở thế giới rằng Nga có các vũ khí đáng sợ và họ sẽ sử dụng chúng nếu nước này bị “dồn vào chân tường”.
Dù kịch bản nào xảy ra, việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể sẽ gây ra sự hoảng loạn trên toàn thế giới, kéo theo sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán toàn cầu khi các đồng tiền và cổ phiếu rớt giá.