|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Quân đội Mỹ làm mất 6 vũ khí hạt nhân, tìm hàng chục năm vẫn chưa thấy

19:32 | 12/10/2022
Chia sẻ
Từ năm 1950 đến năm 1980, đã có 32 vụ tai nạn vũ khí hạt nhân. Cho đến nay, Mỹ đã mất 6 vũ khí hạt nhân và chưa thể tìm lại. Dưới đây là những tình huống dẫn đến thống kê gây sốc này.

Một máy bay của Không quân Mỹ. (Ảnh: Library of Congress//Getty Images)

Ngày 13/2/1950

Sau khi nhận nhiệm vụ mô phỏng một cuộc tấn công hạt nhân, phi hành đoàn trên máy bay ném bom Convair B-36 của Không quân Mỹ đã gặp sự cố động cơ khi trên đường từ Căn cứ Không quân Eielson, Alaska đến Carswell, Texas. Không muốn để xảy tai nạn với đầu đạn hạt nhân, phi hành đoàn được lệnh thả quả bom Mark 4 (Fat Man) sức công phá 30 kiloton (tương đương 30.000 tấn thuốc nổ TNT) xuống Thái Bình Dương.

Theo báo cáo chính thức, quả bom không chứa lõi plutonium cần thiết cho một vụ nổ hạt nhân, nhưng vẫn chứa một lượng đáng kể uranium. Đây là vũ khí hạt nhân bị mất tích lâu nhất khi không thể tìm thấy trong suốt 72 năm qua.

Ngày 10/3/1956

Sáu năm sau khi mất quả bom đầu tiên, Mỹ mất thêm hai lõi hạt nhân khi một máy bay ném bom B-47 nhiều khả năng bị rơi ở Biển Địa Trung Hải khi đang trên đường từ căn cứ MacDill, Florida đến căn cứ Không quân Ben Guerir, Maroc.

Chiếc máy bay này đã thành công trong lần tiếp nhiên liệu trên không đầu tiên, song đã mất liên lạc với một máy bay tiếp dầu trong lần tiếp nhiên liệu thứ hai và được thông báo là mất tích.

Loại vũ khí cụ thể trong vụ việc này không được tiết lộ, nhưng B-47 thường mang bom hạt nhân Mark 15 nặng 3.400 kg. Hiện vẫn chưa có thông tin về việc tìm thấy máy bay cũng như các lõi hạt nhân.

Ngày 5/2/1958

Trong một nhiệm vụ chiến đấu mô phỏng gần Savannah, bang Georgia, một máy bay ném bom B-47 khác của Không quân Mỹ đã va chạm với một chiếc F-86 khi đang mang vũ khí Mk 15.

Sau nhiều lần cố gắng hạ cánh, phi hành đoàn đã quyết định thả quả bom để giảm trọng lượng và đảm bảo nó sẽ không phát nổ khi hạ cánh khẩn cấp. Quả bom được thả xuống Wassaw Sound gần cửa sông Savannah và đến nay vẫn chưa được thu hồi.

Ngày 24/1/1961

Sau khi một chiếc B-52 bị rơi ngay sau khi cất cánh, một lõi uranium có khả năng bị chôn vùi trong một cánh đồng gần Goldsboro, North Carolina. Nó là một lõi trong cặp bom hạt nhân có sức công phá 24 megaton (tương đương 24 triệu tấn TNT). Điều đáng lo ngại về vụ việc này là ba trong số bốn cơ chế kích nổ vũ khí trên quả bom đầu tiên đã được kích hoạt.

Phần đuôi của quả bom thứ hai được tìm thấy ở độ sâu 6m tại một cánh đồng lầy lội. Tuy nhiên, lõi uranium đã không thể thu hồi. Do đó, quân đội Mỹ đã mua một lại quyền sở hữu khu đất để hạn chế việc đào bới.

Ngày 5/12/1965

Một máy bay tiêm kích A-4E Skyhawk, được trang bị vũ khí nhiệt hạch sức công phá 1 megaton, đã rơi khỏi tàu sân bay USS Ticonderoga cách chuỗi đảo Ryuki của Nhật Bản khoảng 130km. Phi công, máy bay và quả bom nhanh chóng chìm xuống độ sâu gần 5.000 mét và đến nay vẫn chưa được tìm thấy.

15 năm sau, Hải quân Mỹ mới thừa nhận về vụ tai nạn. Do vụ việc này, chính phủ Nhật Bản hiện cấm Mỹ đưa vũ khí hạt nhân vào lãnh thổ của nước này.

Mùa xuân năm 1968

Quả bom cuối cùng bị thất lạc và không được thu hồi liên quan đến vụ chìm tàu ngầm hạt nhân USS Scorpion của Hải quân Mỹ cách quần đảo Azores khoảng hơn 640 km về phía tây nam. Ngoài thiệt hại về người, chiếc tàu ngầm còn mang theo một cặp vũ khí hạt nhân có sức công phá lên tới 250 kiloton.

 

Bất chấp những thống kê gây lo ngại trên, điều đáng mừng là trong hơn 50 năm qua, không có thêm vũ khí hạt nhân nào mất tích.

Hồi tháng 1, trong một lần đồng thuận hiếm hoi về một chủ đề an ninh toàn cầu, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp đều nhất trí rằng trong chiến tranh hạt nhân sẽ không có người chiến thắng và đây là tình huống mà tất cả các bên đều muốn tránh xảy ra.

Tuy nhiên, hiện nay, với những cảnh báo từ Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng Tổng thống Vladimir Putin không nói đùa khi nhắc đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, đồng thời cảnh báo: “Tôi nghĩ sẽ không có chuyện dễ dàng sử dụng vũ khí hạt nhân mà không dẫn tới với Armageddon (Ngày tận thế)".

Theo thống kê của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), hiện có gần 13.000 đầu đạn hạt nhân nằm trong tay 9 quốc gia. Đứng đầu danh sách là Nga và Mỹ với kho vũ khí tổng cộng hơn 11.000 đầu đạn.

Trà My