|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phương Tây đứng ngồi không yên vì tuyên bố hạt nhân từ Nga: Ông Putin định làm thật hay chỉ dọa?

18:11 | 29/09/2022
Chia sẻ
Cảnh báo mới đây nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc ông sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột với Ukraine đã khiến cho châu Âu và Mỹ phải đặt câu hỏi: Cựu điệp viên KGB này đang nói thật hay nói đùa?

Trước khi bước chân vào con đường chính trị và trở thành Tổng thống Nga, Vladimir Putin có 16 năm làm việc tại Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô (KGB) và thăng đến quân hàm trung tá.

Vì ông Putin là người dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực tình báo và gián điệp nên giới quan sát Phương Tây luôn hết sức dè chừng mọi động thái của ông, cố đánh giá xem đâu là thật, đâu là ảo, dụng ý là gì?

Theo Reuters, bài phát biểu gay gắt của ông Putin hôm 21/9 vừa qua đã một lần nữa khiến giới chính trị và ngoại giao phương Tây cảm thấy hoang mang và chia rẽ.

“Nếu toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta bị đe dọa, chúng ta chắc chắn sẽ sử dụng mọi công cụ trong tay để bảo vệ nước Nga và người dân Nga. Đây không phải chỉ là lời nói thách. Và những kẻ nào muốn dùng vũ khí hạt nhân để đe dọa chúng ta nên biết rằng gió có thể đổi chiều và thổi ngược lại bọn chúng”, ông Putin tuyên bố với nhân dân cả nước.

Một số nhà phân tích phương Tây cho rằng ông Putin có thể sử dụng một hoặc một số vũ khí hạt nhân chiến thuật (sức phá hoại nhỏ) để cố tránh khỏi thất bại quân sự, giữ ghế tổng thống, làm phương Tây khiếp sợ và buộc Ukraine đầu hàng.

Sau bài phát biểu của Tổng thống Nga, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev – một đồng minh thân cận của ông Putin và đã từng giữ chức Thủ tướng cũng như Tổng thống Nga – tái khẳng định nước này có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ và tuyên bố đây “chắc chắn không phải chỉ là lời dọa dẫm”.

“Ukraine đã thực hiện những hành động gây hấn trên quy mô lớn, làm nguy hại tới sự tồn vong của nước Nga. Thử tưởng tượng Nga bị dồn ép đến mức phải dùng tới loại vũ khí đáng sợ nhất chống lại chế độ Ukraine”, ông Medvedev viết trên mạng xã hội Telegram.

Ông Putin (bên phải) và ông Medvedev năm 2020. (Ảnh: Kremlin).

 

Những tuyên bố cứng rắn của ông Putin và ông Medvedev cho thấy Điện Kremlin đang xem xét leo thang xung đột sau khi Nga sáp nhập 4 khu vực ở phía đông và nam Ukraine.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý do Nga tổ chức cho thấy đa số người dân tại 4 khu vực Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia đều muốn rời bỏ Ukraine để gia nhập Liên bang Nga. Ukraine và phương Tây tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý này là bất hợp pháp và không công nhận kết quả.

Theo Reuters, Quốc hội Nga dự kiến sẽ chính thức tuyên bố 4 khu vực này thuộc về Nga vào ngày 4/10. Sau đó, giới lãnh đạo Moscow sẽ tự cho mình quyền phòng vệ chính đáng nếu cảm thấy các vùng lãnh thổ mới bị đe dọa.

Tuy nhiên, việc dùng đến vũ khí hạt nhân sẽ là một dấu hiệu của sự tuyệt vọng. Vì vậy, ông Putin có dùng tới quân bài cuối cùng này hay không sẽ phụ thuộc vào việc Nga cảm thấy mình bị thất thế đến đâu. Cho đến nay, Ukraine chưa thể đánh bại hoàn toàn một siêu cường quân sự như Nga nhưng cũng đã khiến Nga chịu nhiều tổn thất to lớn.

Ông Putin nắm trong tay kho vũ khí hạt nhân lớn nhất hành tinh, bao gồm thế hệ vũ khí siêu vượt âm loại mới và lượng đầu đạn hạt nhân chiến thuật nhiều gấp 10 lần phương Tây. Mỹ nói riêng và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói chung đang rất nghiêm túc theo dõi từng động thái của ông Putin.

 Nga có nhiều vũ khí hạt nhân nhất thế giới. 

Trao đổi với Reuters hồi tháng 8, ông Tony Brenton, cựu Đại sứ Anh tại Nga, nhận định: “Nếu Nga phải lựa chọn giữa thất bại trong chiến tranh và phô diễn năng lực hạt nhân thì tôi không thể loại trừ kịch bản Nga chọn phương án hạt nhân”.

Tuyên bố thẳng thắn của ông Putin với những từ ngữ như “dùng mọi công cụ trong tay” hay “sử dụng vũ khí hạt nhân để đe dọa” khác rất nhiều so với các phát biểu thận trọng của những nhà lãnh đạo Liên Xô cũ sau vụ Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 25/9 đã tuyên bố trên sóng truyền hình rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét các phát biểu của ông Putin “một cách cực kỳ nghiêm túc” và đã cảnh báo Moscow về những “hậu quả thảm khốc" nếu đem vũ khí hạt nhân ra dùng.

Washington không nêu cụ thể phương án đối phó, nhưng nếu Mỹ dùng vũ khí hạt nhân để đáp trả thì chiến tranh hủy diệt hàng loạt sẽ ngày càng leo thang.

Vì vậy, đa số chuyên gia tin rằng phương Tây sẽ tổ chức một cuộc tấn công khổng lồ bằng vũ khí truyền thống nhằm vào các cơ sở quân sự của Nga.

Trao đổi với tờ Al Jazeera, hai tướng lĩnh đã nghỉ hưu của quân đội Nga đều cho rằng nếu NATO không đưa quân trực tiếp tham chiến thì Nga sẽ không dùng tới vũ khí hạt nhân ở Ukraine vì không cần thiết và rủi ro quá lớn.

Trung tướng về hưu Evgeny Buzhinsky nói: “Nếu toàn thể phương Tây dùng quân đội truyền thống để tập trung tấn công Nga thì Nga rất có thể sẽ đáp trả bằng hạt nhân do lực lượng thông thường của phía Moscow không thể so được với phương Tây”.

Tuy nhiên, ông Buzhnisky nhấn mạnh rằng Nga sẽ không thu được lợi ích gì nhiều từ việc dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine trong điều kiện hiện nay.

Theo ông Buzhnisky, Nga không cần đến vũ khí hạt nhân để đạt được các mục tiêu chiến lược ở Ukraine, chẳng hạn như phá hủy hạ tầng giao thông được dùng để chuyển vũ khí từ phương Tây, hoặc đánh sập mạng lưới điện.

Trung tướng về hưu Leonid Reshetnikov, người có 40 năm kinh nghiệm trong ngành tình báo nước ngoài của Nga, cũng có đánh giá tương tự. Theo Al Jazeera, ông  Reshetnikov cho rằng khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine hiện nay là “không thể và hầu như không có ý nghĩa quân sự”.

Động thái này sẽ trái ngược hoàn toàn với tư tưởng hạn chế rủi ro ở Ukraine mà Nga theo đuổi bấy lâu, bằng chứng là Điện Kremlin đợi tới gần 7 tháng mới ra lệnh động viên một phần.

Con đường hạt nhân

Nếu ông Putin ra lệnh tấn công hạt nhân trên lãnh thổ Ukraine, đó sẽ là lần đầu tiên vũ khí hạt nhân được dùng trên chiến trường kể từ khi Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản vào tháng 8/1945.

Về mặt lý thuyết, vũ khí hạt nhân tầm ngắn và sức công phá nhỏ phóng từ trên không, trên biển và trên bộ có thể được dùng nhằm vào các mục tiêu quân sự ở Ukraine, nhưng mức độ hiệu quả trong trường hợp này vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi.

Theo các chuyên gia, một lựa chọn khác cho ông Putin là kích nổ một đầu đạn hạt nhân ở một khu vực hẻo lánh không người, hoặc ở một vùng nước như Biển Đen, để phô bày ý chí đáng sợ của mình.

Bụi phóng xạ từ một vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ chỉ bị phát tán trong bán kính khoảng một kilomet nhưng tác động tâm lý và địa chính trị sẽ lan ra toàn thế giới.

“Ông Putin đang chơi trò đối đầu mạo hiểm”, ông Richard K. Betts, Giáo sư về chiến tranh và hòa bình tại Đại học Columbia, nhận xét. “Nếu tôi thích cá cược thì tôi sẽ đặt cửa 3:2 rằng ông Putin sẽ không dùng đến vũ khí hạt nhân cho dù có đang cảm thấy tuyệt vọng, nhưng xác suất như vậy cũng không lấy gì làm khả quan”.

Theo dõi chặt chẽ

Dữ liệu ngày 24/9 cho thấy Nga đã điều động ít nhất hai máy bay do thám RC-135s Cobra Ball tới gần biên giới của Nga. Đây là loại máy bay chuyên dùng để theo dõi hoạt động của các tên lửa đạn đạo.

Máy bay do thám RC-135s Cobra Ball của Không quân Mỹ. (Ảnh: Jacob Skovo, airforcemag.com) 

Ông Lawrence Freedman, Giáo sư nghiên cứu chiến tranh đã về hưu tại King's College London, cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy Moscow đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc tấn công hạt nhân vào lúc này và nếu có thì Washington sẽ biết “khá nhanh”.

Giáo sư Freedman nhận định: Phớt lờ cảnh báo hạt nhân của ông Putin là một sai lầm, nhưng việc ông Putin dùng vũ khí hạt nhân để bảo vệ những vùng lãnh thổ mới sáp nhập là không hợp lý.

“Việc khơi mào chiến tranh hạt nhân và phạm phải điều cấm kỵ từ năm 1945 là điều hết sức vô lý khi lợi ích có thể thu được quá nhỏ nhoi trong khi người Ukraine đã khẳng định sẽ tiếp tục chiến đấu trong bất cứ hoàn cảnh nào. Và cho dù giao tranh kết thúc thì ông Putin cũng sẽ nhận ra rằng mình không thể bình định được các vùng lãnh thổ mới sáp nhập”, ông Freedman nói.

Do việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong điều kiện hiện nay là hết sức phi lý nên việc đánh giá nghiêm túc lời đe dọa của ông Putin có nghĩa là phương Tây đang lo Tổng thống Nga sẽ ra quyết định dựa trên cảm xúc bộc phát trong lúc tuyệt vọng và cảm thấy bị đe dọa.

Giáo sư Richard Betts đến từ Đại học Columbia cho rằng: “Mọi người có thể thấy những áp lực mà Putin đang phải chịu và lối suy nghĩ trong đầu ông ta rằng việc dùng một vũ khí hạt nhân loại nhỏ có thể phục vụ mục đích đảo ngược tình hình, làm phương Tây hoảng sợ, và đưa ông ta ra khỏi thế khó hiện nay”.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga đang diễu hành qua Quảng trường Đỏ. (Ảnh: Reuters).

“Cuộc chiến sống còn”

Ông Putin tuyên bố rằng Nga đang chiến đấu vì sự tồn vong tại Ukraine sau nhiều năm bị phương Tây sỉ nhục và đòi tiêu diệt. “Trong chính sách chống Nga quyết liệt của mình, phương Tây đã vượt qua mọi lằn ranh”, ông Putin tuyên bố hôm 21/9.

Cuộc xung đột của Nga ở Ukraine đã làm hàng chục nghìn người chết, thổi bùng ngọn lửa lạm phát toàn cầu và châm ngòi cho cuộc chạm trán nghiêm trọng nhất với phương Tây kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Sau 7 tháng, lực lượng Nga đang phải chống chịu với những đợt phản công quyết liệt từ quân đội Ukraine được phương Tây huấn luyện. Giáo sư Richard Betts cho rằng Ukraine càng thắng thế, xác suất ông Putin ra lệnh dùng vũ khí hạt nhân càng cao”.

Học thuyết quân sự của Nga cho phép tấn công hạt nhân sau khi có “hành động gây hấn bằng vũ khí thông thường chống lại Liên bang Nga khi mà sự tồn vong của đất nước bị đe dọa”.

Một số quan chức tại Điện Kremlin cho rằng phương Tây đang tìm cách lật đổ ông Putin, người nắm quyền tại Nga từ năm 1999.

Hồi tháng 3 năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng ông Putin “không thể tiếp tục cầm quyền”. Nhà Trắng sau đó đã làm rõ rằng ông Biden muốn các nước dân chủ trên thế giới chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine, không có ý ủng hộ thay đổi chế độ ở Nga.

Đến tháng 5, ông Biden cho biết ông đang tìm hướng xử lý việc Tổng thống Nga có vẻ không muốn tìm đường lui khỏi cuộc chiến.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy từng phớt lờ những cảnh báo hạt nhân của Nga, nhưng đến ngày 25/9 vừa qua, ông lại cho rằng Tổng thống Putin có thể đang nói nghiêm túc. “Ngày hôm qua có thể chỉ là lời dọa dẫm nhưng đến hôm nay lại trở thành thực tế”, ông Zelenskiy nói trên kênh CBS.

Đức Quyền - Song Ngọc