|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga đặt mục tiêu tự sản xuất 1.000 máy bay trong 7 năm, tuyên bố không còn cần đến Boeing hay Airbus

15:16 | 29/09/2022
Chia sẻ
Tập đoàn công nghiệp Rostec cho biết ngành công nghiệp hàng không của Nga sẽ phát triển mà không cần đến phương Tây.

Reuters dẫn tuyên bố từ Rostec cho biết bằng việc sử dụng linh kiện sản xuất trong nước, tới năm 2030, Nga dự kiến sẽ sản xuất 1.000 máy bay và không còn phải phụ thuộc vào Boeing hay Airbus.

Tuyên bố của Rostec, tập đoàn sở hữu nhà sản xuất máy bay dân dụng duy nhất của Nga là dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy ngành hàng không nước này coi cuộc đối đầu hiện tại với phương Tây sẽ mang đến sự chia cắt mãi mãi.

Phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc nhất trong lịch sử hiện đại sau khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, từ đó tạo ra thay đổi lớn nhất trong nền kinh tế Nga kể từ khi Liên Xô tan rã.

Sau thời Liên Xô, máy bay nước ngoài, chủ yếu đến từ Boeing và Airbus vận chuyển 95% hành khách Nga. Tuy nhiên các lệnh trừng phạt đồng nghĩa với việc Moscow sẽ không thể kiếm được phụ tùng thay thế và bảo dưỡng.

Vào tháng 8, Reuters cho biết những hãng hàng không của Nga, chẳng hạn như Aeroflot đang tháo rời các máy bay để lấy những linh kiện thay thế không còn mua được do các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, Tập đoàn Rostec, được điều hành bởi ông Sergei Chemezov, người từng làm việc với Tổng thống Vladimir Putin vào những năm 1980 lại xem những biến cố hiện tại như cơ hội để xây dựng một ngành công nghiệp hàng không mạnh mẽ, tự chủ. 

13 chiếc máy bay đang đặt của Airbus đã bị hoãn giao hàng do các lệnh trừng phạt. Hiện đa số máy bay mà Aeroflot khai thác đến từ phương Tây.

“Máy bay nước ngoài sẽ bị loại khỏi phi đội”, Rostec trả lời câu hỏi của Reuters về tình hình và kế hoạch của ngành hàng không Nga. “Chúng tôi tin rằng quá trình này là không thể thay đổi, máy bay của Boeing và Airbus sẽ không bao giờ được chuyển đến Nga nữa”.

Rostec đã vận hành những ngành công nghiệp trọng điểm của Nga như quốc phòng và cơ khí kể từ khi Tổng thống Putin thành lập tập đoàn vào năm 2007.

Những hãng hàng không của Nga, bao gồm Aeroflot đã dựa vào máy bay Boeing và Airbus để xây dựng phi đội sau biến cố chính trị vào những năm 1990. Việc xây dựng một phi đội từ máy bay nội địa sẽ rất khó khăn.

Tổng thống Putin (trái) gặp mặt ông Sergei Chemezov hôm 18/5. (Ảnh: Mikhail Klimentyev/Sputnik).

Nhiệm vụ bất khả thi

Theo nhà phân tích hàng không vũ trụ Richard Aboulafia, mục tiêu sản xuất 1.000 máy bay dân dụng vào năm 2030 là “bất khả thi”.

“Ngay cả khi Nga từng có được linh kiện bán dẫn và các thành phần quan trọng khác từ phương Tây, thì việc sản xuất chỉ một vài máy bay cũng đã khó khăn rồi”, ông nói. Để so sánh với mục tiêu trong 7 năm tới của Rostec thì toàn bộ Liên bang Xô Viết chỉ sản xuất tổng cộng 2.000 máy bay phản lực dân sự cỡ lớn, ông Aboulafia cho biết.

Nhà sản xuất máy bay dân dụng duy nhất của Nga là United Aircraft Corporation (UAC) gặp nhiều thách thức do thiếu các mẫu máy bay, năng lực sản xuất và phụ thuộc vào linh kiện từ nước ngoài.

Hơn một nửa thành phần và công nghệ được sử dụng trong ngành công nghiệp máy bay của Nga vào năm 2021 đến từ nước ngoài, theo một tài liệu của Moscow. Rostec sẽ phải tìm kiếm linh kiện, hoặc tự sản xuất chúng.

“Mục tiêu tiếp theo của chúng tôi, trong thời gian ngắn sẽ là hoàn thành việc thay thế những linh kiện nhập khẩu trên các dự án hàng không tiềm năng như SSJ-New và MS-21”, Rostec tuyên bố.

“Made in Russia”

Theo kế hoạch phát triển ngành hàng không đến năm 2030 của chính phủ, Nga dự kiến sẽ sản xuất 20 máy bay phản lực tầm ngắn Superjet-New mỗi năm bắt đầu từ 2024, và 72 máy bay tầm trung MS-21 vào 2029, với 6 máy bay đầu tiên xuất xưởng vào 2024.

Nga đang thử nghiệm máy bay MS-21 với động cơ PD-14 được sản xuất trong nước thay thế cho PW1400G được công ty Pratt & Whitney của Mỹ sản xuất. MS-21 là nỗ lực của Nga nhằm đặt chân vào phân khúc thị trường máy bay dân dụng đang được Airbus và Boeing thống trị.

Máy bay phản lực MC-21-310 với động cơ PD-14 sản xuất trong nước đang thử nghiệm hôm 10/8. (Ảnh: Marina Lystseva/Reuters).

Tuy nhiên, Moscow đang gặp rắc rối trong việc thay thế các bộ phận của Superjet, bao gồm động cơ SaM-146, được thiết kế bởi liên doanh với công ty Safran của Pháp. Động cơ này hiện không còn được sản xuất do các lệnh trừng phạt.

UAC tiếp tục sản xuất Superjet với động cơ SaM-146 tồn kho và sẽ chuyển giao thêm 20 chiếc nữa, Rostec cho biết.

“[Lô 20 máy bay] sẽ là những chiếc cuối cùng sử dụng động cơ của Safran. Sau đó, chúng tôi sẽ lắp động cơ PD-8 trên dòng máy bay này”, Rostec cho biết. PD-8 cũng được sản xuất tại Nga.

“Từ năm nay, chúng tôi sẽ không còn dựa vào sự hợp tác với các nước phương Tây”, Rostec tuyên bố. “Chúng tôi có thể khẳng định một cách tự tin rằng MS-21 với động cơ Mỹ sẽ không được giao tới thị trường Nga”.

Từ năm 2022 đến 2030, Nga dự kiến sẽ giao 1.036 máy bay dân dụng. Bao gồm 142 Superjet-New, 270 MS-21 và 70 máy bay động cơ turbine cánh quạt Il-114, 70 chiếc tầm bay trung bình Tu-214 và 12 máy bay thân rộng Il-96.

“Chúng tôi không kỳ vọng các lệnh trừng phạt sẽ được nới lỏng, nên sẽ tự mình sản xuất máy bay”, Rostec tuyên bố.

Minh Quang

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.