Không bên nào kiểm soát bầu trời nhưng Ukraine đã bắn hạ 55 máy bay của Nga
Đầu tuần này, Tướng James Hecker - Tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi, cho biết kể từ khi chiến sự nổ ra, Ukraine đã bắn hạ 55 máy bay của Nga. Điều này khiến Moscow không thể đạt được ưu thế trên không.
Tuy nhiên, lực lượng không quân nhỏ bé của Ukraine cũng không thể giành quyền kiểm soát, qua đó tạo ra tình huống mà hai bên cùng bị cuốn vào một cuộc chiến kéo dài gây thương vong trên mặt đất.
“Đó là những gì đang diễn ra ở Ukraine ngay bây giờ. Rất nhiều thương vong vì không nước nào có ưu thế trên không”, Tướng Hecker cho hay. Bình luận của ông đã cung cấp cho công chúng một góc nhìn hiếm hoi về cuộc chiến giành quyền kiểm soát bầu trời tại Ukraine.
Khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine vào tháng 2 năm nay, nhiều quan chức Mỹ dự đoán rằng Moscow sẽ nhanh chóng đạt được lợi thế trên bộ và thiết lập ưu thế trên không, theo Wall Street Journal.
Việc quân đội Nga thất bại trên không là một chủ đề được đem ra thảo luận tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Lực lượng Hàng không và Vũ trụ năm nay - nơi quy tụ các quan chức cao cấp nhất của lực lượng không quân trên khắp thế giới.
Không quân Nga đã chật vật ngay từ đầu khi không thể phá huỷ được hệ thống phòng không của Ukraine và máy bay của họ còn bị bắn hạ bởi các hệ thống tên lửa đất đối không SA-10 và SA-11 của Ukraine, Tướng Hecker nói.
Phía Moscow đang phải điều chỉnh chiến thuật bằng cách bắn tên lửa hành trình tầm xa từ máy bay ném bom qua lãnh thổ Nga và nằm ngoài tầm phòng không của Ukraine, vị tướng tiếp tục.
Để giúp đỡ người dân Ukraine, Mỹ đã đưa ra cảnh báo “thời gian nhạy cảm” về các cuộc tấn công tên lửa nói trên của Nga, Tướng Hecker thông tin thêm.
Ngoài ra, Mỹ cũng cung cấp cho Ukraine các tên lửa HARM có khả năng phát hiện radar của đối phương. Phía Kiev đang bắn số tên lửa này từ các máy bay MiG-29 và Su-27 thời Liên Xô của họ. Theo Tướng Hecker, ít nhất 80% lực lượng không quân của Ukraine vẫn còn nguyên vẹn.
Thời gian qua, Mỹ cũng khuyến khích các nước châu Âu sở hữu vũ khí từ thời Liên Xô gửi thêm các hệ thống SA-10 và SA-11 tới Ukraine. Song, khả năng Moscow tấn công bằng tên lửa hành trình tầm xa đang là nỗi lo lớn của các tướng chỉ huy Ukraine.
Các chỉ huy này đang kêu gọi phương Tây hỗ trợ thêm các hệ thống tầm xa hơn, chẳng hạn như Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) có tầm bắn hơn 300 km.
Đầu tháng 9, ông Valeriy Zaluzhny - Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine và ông Mykhailo Zabrodsky - thành viên Quốc hội Ukraine và là một sĩ quan quân đội cấp cao, tuyên bố rằng tên lửa tầm xa sẽ mang lại cho Kiev một lợi thế đáng kể trong cuộc phản công và giúp đẩy nhanh sự kết thúc của cuộc xung đột.
Hai người bày tỏ: “Kẻ thù có khả năng tổ chức các cuộc tấn công chính xác vào mục tiêu trong toàn bộ chiều sâu lãnh thổ của chúng tôi mà không bị trừng phạt. Chừng nào tình hình này còn tiếp diễn, cuộc chiến có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm”.
Tướng Hecker nhận xét: “Ukraine đang cần mọi thứ. Nếu tôi tham gia một cuộc chiến với Nga, tôi cũng sẽ như họ”.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã vạch ra ranh giới trong việc cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine vì lo ngại nó sẽ dẫn đến một cuộc chiến quy mô lớn hơn với Nga.
Hiện, giới chức chính quyền ông Biden vẫn chưa quyết định có tiếp tục cung cấp máy bay và huấn luyện cho phi công của Ukraine vận hành cũng như bảo dưỡng chúng hay không.
Bộ trưởng Bộ Không quân Mỹ Frank Kendall nói với các phóng viên rằng quân đội Ukraine sẽ cần phải tổ chức lại vào một thời điểm nào đó, nhưng Washington sẽ không gửi máy bay chiến đấu phản lực đến Kiev trong tương lai gần.
Các quan chức Không quân Mỹ cho biết có thể mất 2 - 3 năm để cung cấp dòng máy bay F-16 do Mỹ sản xuất đến Ukraine, nếu Washington đưa ra quyết định chính thức.